Ngoài những thành tích đã đạt được trong năm 2014, làng game Việt vẫn còn khá nhiều khoảng tối cần xóa bỏ.
Bộ luật quản lý game online vẫn còn rất rắc rối
Thông tư 24/2014/TT-BTTTT, được ban hành vào ngày 29/12 vừa qua có quy định chi tiết về hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Ngoài việc đưa ra các hành vi cấm trong hoạt động cung cấp trò chơi điện tử, hay bắt buộc doanh nghiệp phải phân loại trò chơi theo độ tuổi, nêu lên quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi cung cấp trò chơi,… Một điều rất đáng mừng mà doanh nghiệp đã chờ đợi rất lâu, đó là trong thông tư đã đưa ra quy định về việc cấp phép cho trò chơi trực tuyến G1, G2, G3 và G4.
Tuy nhiên điều đáng lo là hiện nay số lượng doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam rất lớn (hiện tại đã hơn 60 doanh nghiệp), đồng thời số lượng game G1 phát hành cũng lên tới hàng trăm game, và vòng đời game hiện nay cũng rất ngắn. Chính vì thế, câu hỏi đặt ra liệu cơ quan chức năng có thể cung cấp kịp giấy phép, để đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp phát hành game ra thị trường như kế hoạch, khi họ nộp hồ sơ lên hay không, vẫn là một điều được nhiều người đặt ra.
Nhiều vấn nạn gắn với NPH ngoại
Có một thực tế là những công ty game nội địa đang bị “bóp nghẹt” ngay trên chính sân nhà của mình. Quy định quản lý game online chưa thể đi vào hoạt động đã tạo ra rào cản vô hình với NPH, buộc họ không dám liều lĩnh tung sản phẩm mới ra thị trường như trước. Ngoài ra việc hoạt động cầm chừng với những tựa game cũ đã ngày càng tạo điều kiện để những đơn vị ngoài nước mặc sức tung hoành thị trường, bởi đơn giản là họ không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của đơn vị chức năng. Hơn nữa, do không bị quản lý nên tỉ lệ rủi ro khi tham gia vào các game này là rất cao.
Về cơ bản, chúng ta không thể áp đặt quy định quản lý game online lên những NPH ngoài nước bởi tất cả trang thiết bị, trụ sở,… đều không hẳn nằm tại Việt Nam. Do đó nếu muốn buộc những công ty nước ngoài này không được can thiệp vào thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các đơn vị trong nước phát triển thì chỉ có một phương án khả thi nhất là chặn địa chỉ web.
Webgame vẫn sẽ sinh sôi nảy nở
Bằng những ưu điểm về mặt kinh tế như không mất nhiều thời gian đầu tư, giá thành rẻ, phù hợp với thị hiếu và dễ dàng kiếm lời, webgame đã chinh phục được các NPH. Từ đó khiến họ chỉ chuyên tâm thương thảo, ký kết hợp đồng ở mỗi một thể loại này mà thôi. Mặc dù trong năm vừa qua, mảng game trên di động cũng đã phát triển rất nhanh chóng, song webgame vẫn tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho những NPH muốn ưu tiên về vấn đề lợi nhuận chứ không phải một cộng đồng về lâu dài.