Có thể nói đây là tình trạng chung của đại đa số các nhà phát hành game Việt Nam hiện nay và dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc về lòng tin của cộng đồng game thủ.
Có nhiều quá trình diễn ra trước khi một tựa game được phát hành mà có thể kể đến là quá trình quảng bá, PR và tiếp cận game thủ. Đây có thể coi là một trong những quá trình vô cùng quan trọng quyết định đến việc thành công của tựa game đó sau này bởi một chiến dịch quảng bá tốt trước mắt sẽ thu hút được sự chú ý, quan tâm và theo dõi của cộng đồng và đảm bảo đủ “nguồn lực” trước thềm tựa game ra mắt.
Pokemon Go cũng ngâm quá lâu để có thể tới được tay game thủ Việt Nam
Sau khi tiếp cận thành công game thủ và bày ra đủ thứ những ngôn từ tươi đẹp về tựa game của mình các nhà phát hành bắt đầu thông báo về ngày ra mắt. Tất cả sẽ không có vấn đề gì khi đúng lúc đó vào ngày đó trò chơi mà game thủ chờ đợi bấy lâu cũng được phát hành. Nhưng không, thói “chờ lâu, đến trễ” luôn là một cái gì đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Hẹn mà không đến, hứa hôm nay ra mắt nhưng chờ đến ngày mai vẫn im hơi lặng tiếng là tác phong làm việc thường thấy của các nhà phát hành.
Không phải đa số nhưng mà tỉ lệ này chiếm không nhỏ và chính những lần “thất hẹn” này đã làm cộng đồng game thủ Việt bắt đầu mất niềm tin vào nhà phát hành. Thử nghĩ xem, khi bạn trông chờ, theo dõi và hy vọng quá nhiều vào một tựa game nhưng đến lúc cuối cùng khi bạn sắp có được nó thì nói lại biến mất thì bạn sẽ thế nào? Hụt hẫng và mất lòng tin. Một số bỏ đi, một số khác tiếp tục đợi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này có thể kể đến chính là việc nhà phát hành không dự liệu được các vấn đề phát sinh (đặc biệt là vấn đề bản quyền) trong khâu kiểm duyệt khi đưa sản phẩm của mình lên các kho ứng dụng quốc tế như Appstore, Google Play hay có thể là Amazone. Mặc dù Appstore đã rút ngắn thời gian kiểm duyệt các ứng dụng từ 1 tuần xuống 1 ngày nhưng có hàng tá các ứng dụng/game đang xếp hàng chờ đến lượt nên nếu không tính trước vấn đề phát sinh, nhà phát hành rất dễ dàng rơi vào tình trạng chậm trễ.
Trường hợp chậm trễ vừa qua của Đại Mạc Phong Vân là ví dụ điển hình
Ngoài ra có quá nhiều lỗi xảy ra ở phiên bản thử nghiệm nên việc khắc phục và cho ra mắt phiên bản chính thức vào đúng thời điểm là điều vô cùng khó khăn. Việc điều chỉnh các sai sót ở phiên bản thử nghiệm hết sức quan trọng bởi game thủ sẽ dễ dàng bỏ qua các lỗi to nhỏ ở bản game này nhưng vô cùng khó tính khi lại bắt gặp tình trạng đó ở phiên bản chính thức. Vậy nên khi chưa chỉnh chu, chưa khắc phục triệt để thì tốt nhất đừng phát hành game nếu không muốn game thủ quay lưng và chính điều này khiến tựa game đó luôn trong tình trạng “sự cố kỹ thuật” hay “sửa đổi với mong muốn nâng cao trải nghiệm” nên chưa thể phát hành.
Một nguyên nhân khác vô cùng phổ biến hiện nay đó chính là tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Việc thực hiện PR, quảng bá rầm rộ trong khi game vẫn còn nằm trong giai đoạn mua bản quyền và việt hóa được các nhà phát hành game Việt áp dụng tràn lan. Với lối suy nghĩ thu hút sự chú ý của game thủ trước và phát hành game sau còn hơn game đã được phát hành mà sever lại vắng như chùa bà đanh như vậy rất dễ dàng xảy ra rủi ro đặc biệt là mọi công đoạn sẽ không thể nào hoàn thành trước thời gian như đã hẹn.
Các tình trạng này thường xuyên xảy ra ở một số tựa game sắp ra mắt, nên nhớ rằng game thủ có thể đợi lâu nhưng không thể bị thất hứa, mà thực tế thì ai cũng vậy thôi.
Chính những động thái, suy nghĩ đó của nhà phát hành đã “cố tình” đánh mất lòng tin của game thủ dẫn đến những phản hồi vô cùng tiêu cực.
Cuối cùng, có nhiều thứ mất đi có thể tìm lại được nhưng nhiều thứ nếu đánh mất sẽ khó có lại lần thứ 2, đặc biệt là lòng tin. Do đó trước khi tuyên bố về một vấn đề có tính thời gian, các nhà phát hành cần suy kĩ tính bền để có thể không dẫn đến việc thất hẹn đối với game thủ. Đây là một hành động nói nhỏ thì không nhỏ, lớn thì càng không lớn nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến một tựa game cũng như mối quan hệ về lòng tin giữa game thủ và nhà phát hành.