Vừa qua công ty Asiasoft đã tuyên bố nắm trong tay quyền phát hành Strife, tựa MOBA “thế hệ thứ 2” theo lời của NSX S2 Games tại 6 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Và cộng đồng game thủ MOBA hẳn sẽ bị giằng xé hơn bao giờ hết nếu Strife thực sự về đến Việt Nam với bản ngữ tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên hiện tại khả năng Strife ra mắt ở Việt Nam vẫn chưa phải là tuyệt đối. Vì như đã biết, Garena (nay là VED) đang thống trị thị trường Việt Nam với Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) và Heroes of Newerth (HoN). Trong 2 tựa game này, đáng chú ý nhất là LMHT khi nó chỉ mới tồn tại được hơn 1 năm ở thị trường Việt Nam nhưng đã có sức ảnh hưởng rất lớn, được thể hiện qua những khán đài chật kín của nhà thi đấu Phan Đình Phùng trong giải đấu LMHT vô địch Đông Nam Á vừa qua. Phần quan trọng trong sự thành công của LMHT là nhờ game có lối chơi đơn giản hơn so với các MOBA cổ điển như DotA, DotA2 và HoN, nhưng đồng thời cũng cung cấp sự phức tạp và tính ganh đua cần thiết bằng các điều chỉnh mà Riot Games liên tục thực hiện cho trò chơi của mình. Nếu LMHT đang là “ông vua không ngai” của thể loại MOBA với lượng người chơi đông đảo cũng như được hậu thuẫn từ hệ thống những giải đấu danh tiếng thế giới, thì HoN lại đang cung cấp một đấu trường “hardcore” hơn cho các game thủ thích thể loại MOBA truyền thống đầy toan tính. Mặc dù số game thủ này không nhiều và sức ảnh hưởng của sản phẩm này cũng kém hơn LMHT tại Việt Nam, HoN (và cả DotA 2 đang được vận hành qua server của Valve) đã lấp đầy phần còn lại của thị trường MOBA, hay ít nhất là đến trước khi Củ Hành xuất hiện. Nếu bạn chưa biết thì Củ Hành (CH) là tựa MOBA mới được VNG phát hành gần đây cũng đang nổi lên như một thế lực mới ở thị trường game Việt. Mặc dù có phạm vi game thủ hẹp hơn nhiều và chẳng mấy danh tiếng trên thế giới, chúng ta cũng đã được du đấu nước ngoài với tựa game này trong tháng 9 vừa qua. Có một số chế độ chơi khá lạ không thiên về thi đấu như đấu trùm, phụ bản,…CH cũng sở hữu sức hút riêng với game thủ Việt. Đặc biệt, NPH tỏ ra rất mạnh tay khi tổ chức nhiều giải đấu trên khắp cả nước, thu hút được nhiều game thủ tham gia, dần tạo nên danh tiếng trên thị trường.
Thứ ba đó chính là bảng thành tích không mấy tốt đẹp của NPH Asiasoft tại Việt Nam. Việc Asiasoft mua được quyền phát hành Strife ở 6 nước Đông Nam Á không có nghĩa 100% họ sẽ phát hành game ở Việt Nam. Từng là đơn vị sở hữu nhiều cái tên danh tiếng như Cabal, TS Online, Gunbound,…nhưng đều đã đóng cửa. Mặc dù những tựa game trên đều rất thành công ở nước ngoài, Asiasoft không thể không đóng cửa chúng vì nhiều nguyên nhân mặc dù vẫn còn rất nhiều game thủ trung thành. Tuy nhiên nếu bỏ qua “dớp” này để xét riêng Strife, có thể nói rằng tựa game này có cơ hội khá tốt để tìm được một lượng người chơi ổn định tại thị trường Việt.
Với thể loại tương đối bảo thủ về lối chơi như MOBA, một tựa game mới khó có thể chen chân và sống yên được nếu không có những điểm vượt trội so với những đối thủ đang có trên thị trường. Theo S2 Games, với kinh nghiệm phát triển HoN và quyết tâm tạo ra một tựa MOBA có cộng đồng tươi đẹp, Strife sẽ có rất nhiều đổi mới so với các MOBA hiện có để xứng đáng với danh hiệu “MOBA thế hệ 2” mà họ đặt cho nó. Đầu tiên thông qua việc cho phép người chơi đánh giá thái độ lẫn nhau và dùng mức đánh giá này như một yếu tố quyết định phần thường mà người chơi nhận được, đồng thời cấm chat giữa hai đội với nhau cũng như hạn chế việc chat giữa cùng một đội, NSX đã chủ động trao quyền cho game thủ ngăn chặn ngôn từ xấu và chỉ giao tiếp với người mình muốn. Ắt hẳn rất nhiều game thủ không thích cảnh “trẻ trâu” quấy rầy mình trên kênh chat trong game, và dù kẻ quấy rối có bị xử lý, bạn vẫn đã gánh sự bực bội vào mình và không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến thành tích của bạn trong trận đấu đó. Yếu tố thứ hai có thể sẽ giúp Strife thành công trên thị trường Việt Nam là sự đơn giản hóa lối chơi. Có bản đồ nhỏ hơn hẳn các tựa game khác, trò chơi cung cấp nhiều sự trợ giúp để bạn có thể tập trung vào các pha hành động và bớt đi khoảng thời gian lặng trong các trận đấu. Cụ thể, người chơi có thể mua trang bị ở bất kỳ đâu, còn căn cứ chỉ đóng vai trò hồi máu nếu cần thiết. Ngay cả khi phải trở về, game thủ vẫn có thể trở lại trận chiến rất nhanh chóng bởi game sẽ tăng tốc bạn lên khi rời khỏi căn cứ. Tiền có được khi hạ gục đối thủ sẽ được chia cho những người tham chiến, game cũng không có lớp nhân vật hỗ trợ, bất kỳ ai cũng có thể là hỗ trợ và cũng không có khái niệm cắm mắt, thay vào đó là những cột ở các vị trí cố định cung cấp tầm nhìn tạm thời cho bất kỳ bên nào khởi động chúng. Cuối cùng Strife có hệ thống vật phẩm khá đặc biệt khi game thủ có thể tùy biến chúng trong một khuôn khổ nhất định. Cùng một vật phẩm, cùng một giá tiền, chiếc nhẫn của bạn có thể cộng những chỉ số khác với chiếc nhẫn của đồng đội, và từ đó thích hợp với những vai trò khác nhau. Những con pet lẽo đẽo theo sau lưng nhân vật của bạn cũng là một dạng “kỹ năng nội tại” có thể tùy biến được khi chúng lên cấp trong trận đấu, giúp lối chơi đơn giản của game thêm phần thú vị nhưng vẫn giữ được sự thân thiện với các game thủ “tay mơ” của thể loại MOBA. Kết hợp cùng đồ họa rất tươi tắn và đẹp mắt của game, Strife sẽ là một lựa chọn không tồi cho những ai muốn xả stress cùng bạn bè trong những trận đấu vui nhộn. Từ những điều trên, có thể thấy rằng Strife hoàn toàn có thể thành công nếu nó thực sự được Asiasoft phát hành tại thị trường Việt Nam. Hãy cùng hi vọng vào sự xuất hiện của Strife để có được một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn, và tất nhiên game thủ chúng ta sẽ là người được lợi.
|
PC
Strife liệu sẽ có đất sống tại Việt Nam?