Trước tình hình game nào cũng hút máu, nhà phát hành nào cũng hám tiền, người game thủ nghèo biết phải làm sao? Đâu là lối thoát cho họ trong thời điểm kinh tế khó khăn này?
Trong thời buổi hiện nay, không khó để tìm ra một tựa game có cash shop, phân cấp độ VIP và ưu ái cho những thành viên nạp tiền. Chỉ cần bỏ tiền vào game là người chơi có thể hưởng được nhiều đặc quyền cao cấp mà những người chơi bình thường không bao giờ có được.
Đây là một vấn đề luôn gây nhức nhói cho cộng đồng game thủ, nhưng họ không thể làm khác được nếu muốn tồn tại trong game. Thế nhưng, vẫn còn đó những tựa game “con nhà nghèo”, dành cho những game thủ không muốn bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền, chỉ muốn đơn giản là thưởng thức game trọn vẹn, hay cao hơn là rèn luyện kỹ năng cho mình. Sau đây là một số gợi ý của Gate News về những game như vậy.
Casual game – Trẻ con cũng có thể chơi
Có thể hiểu đơn giản, một game được xếp vào loại casual khi nó có cách chơi đơn giản, dễ nắm bắt, thời gian chơi ngắn, không đặt nặng vấn đề thắng thua, chú trọng vào yếu tố giải trí. Từ ‘casual’ có nghĩa là ‘bình thường’, ý chỉ rằng với một người bình thường mới tiếp xúc với game cũng có thể thưởng thức game dễ dàng trong phút chốc. Chính vì vậy mà đối tượng hướng đến của casual game thường rất rộng lớn, dường như là tất cả mọi người.
Avatar Star là một tựa game casual bắn súng dành cho mọi người, mọi nhà
Với những tính chất như vậy, các casual game thường không đặt nặng vai trò của cash shop. Vào chơi cho vui thì đâu cần phải ganh đua nhau mua vũ khí xịn, giáp trâu, bình máu to làm gì đúng không? Thông thường, nếu một casual game có xuất hiện cash shop thì vật phẩm được bày bán chủ yếu chính là những mặt hàng thời trang, cho phép người chơi làm đẹp cho nhân vật của mình, không gây ảnh hưởng đến gameplay.
Tại Việt Nam, thị trường game online cũng chào đón những tựa game casual từ khá sớm như Gunbound, Audition, Boom, dạo gần đây xuất hiện thêm một số tên tuổi mới như Fifa Online, Avatar Star, Gunny... Có thể thấy, số lượng casual game được phát hành tại Việt Nam cũng khá nhiều, thể loại cũng đa dạng. Nếu muốn trở về với tuổi thơ, hoặc tìm kiếm phút giây giải trí thực sự, thì bạn hãy thử một game casual nào đó đi.
MOBA – Game thủ nghiêm túc
Nếu sợ bị gọi là “đồ con nít” khi chơi game casual, muốn tìm một thể loại game nào đó nghiêm túc hơn, thì bạn có thể lựa chọn MOBA. Multiplayer Online Battle Arena – gọi tắt là MOBA – là một nhánh phụ của thể loại dàn trận truyền thống. Trong các game MOBA, thông thường người chơi sẽ được chia làm 2 đội, thành viên mỗi đội sẽ điều khiển một nhân vật nhất định với những kỹ năng riêng, và sẽ tìm cách phá hủy căn cứ của đối phương.
Dota 2 là tựa game MOBA miễn phí mọi thứ và còn có thể kiếm tiền từ các hoạt động trong game
Với lối chơi chú trọng vào tính chiến thuật đồng đội và kỹ năng điều khiển nhân vật, xử lý tình huống của người chơi, yếu tố “kim tiền” gần như không thể chen chân vào MOBA. Mọi hoạt động trong game được diễn ra trong các trận đấu kín, tiền bạc nhận được sau khi diệt quái sẽ được sử dụng để mua vật phẩm trang bị. Kết thúc trận thì mọi thứ cũng sẽ kết thúc, chỉ còn lại những thành tích, chiến công mà bạn ghi được trong quá trình đấu. Việc đưa cash shop vào những trận đấu trong MOBA chẳng khác nào bạn đi học mà phải đút lót tiền cho thầy cô để lấy điểm. Đó là một hành động không hay và cũng không đáng tự hào chút nào.
Phong trào MOBA nổi lên ở Việt Nam đầu tiên nhờ vào map DotA trong Warcraft 3. Sau này, với sự lan rộng của cộng đồng, song song với việc ngày càng có nhiều game MOBA được phát triển, số lượng người biết đến MOBA ngày càng nhiều. Thị trường MOBA Việt hiện nay đang nằm trong sự kiểm soát của Garena với sản phẩm Liên Minh Huyền Thoại – có thể xem là MOBA được chơi nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Nếu không thích LMHT, bạn cũng có thể xem xét đến những tựa game khác như Thời Đại Anh Hùng, DOTA 2, SMITE, HoN, Củ Hành...
LAN game – Những ngày xưa yêu dấu
Nếu như bạn thuộc lứa tuổi 9x đời đầu trở về trước, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được những giây phút mà cả đám bạn rủ nhau vào phòng net, cùng chơi Counter-Strike, Warcraft..., rồi có khi cùng cả tiệm hò hét mỗi lúc cuộc chơi đến phút gây cấn. Vâng, đó chính là thời của LAN game – chơi game thông qua mạng nội bộ.
Counter-Strike là tựa game FPS gắn liền với rất nhiều thế hệ gamer
Chơi LAN game, chúng ta không bị ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền, vì chúng ta đến để gặp mặt, cùng chơi giải trí, mang lại tiếng cười, những giờ phút thư giãn cùng anh em bạn bè. Chơi LAN game, ta không sợ bị “hút máu”, vì đâu có kết nối với nhà phát hành nào đâu mà hút. Chơi LAN game ta không lo hacker, vì đứa nào hack thì sẽ khó “bảo toàn tính mạng”.
Có rất nhiều lợi ích khi ta tổ chức chơi game cùng nhau trong mạng LAN. Hiện nay, có lẽ những hình ảnh này sẽ trở nên hiếm có, khi mà game online đang chiếm lĩnh thị trường. Nhưng nếu muốn tìm lại những kỷ niệm xưa, tại sao chúng ta không thử cùng nhau vào một tiệm và làm vài ván nhỉ?
Lời Kết
Có thể thấy, dù không dư dả tiền bạc, game thủ vẫn có thể tìm đến những tựa game rất “chất”, thậm chí là “không đụng hàng” so với đại đa số người chơi hiện nay. Nếu muốn tránh xa thị phi xã hội, chán ghét cảnh ganh đua, tìm về những phút giây thư giãn, nghiêm túc thực sự thì chơi thử những cái tên ở trên sẽ là một lựa chọn không tồi.