Cần có cái nhìn chính xác hơn của các NPH game tới công việc tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng này.
Facebook hiện tại là mạng xã hội được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Mọi người có thể tìm được rất nhiều thứ trên đây như mua bán, bạn bè, địa điểm,… Chính vì lẽ đó các NPH game đều có những fanpage cho các sản phẩm game của họ, thậm chí cả trước khi game được mang về Việt Nam. Nói một cách khác, trong con mắt của cộng đồng game thủ hiện nay, quản lý fanpage chính là người đại diện cho tiếng nói của sản phẩm game đó.
Vậy những người quản lý sẽ xuất hiện như thế nào? Một số thường là chính người của đơn vị phát hành game, một số khác là do tuyển chọn cộng tác viên từ chính những game thủ trong cộng đồng của họ. Những người quản lý này sẽ được biết một số thông tin sớm của NPH và thường được trả công bằng một số lượng tiền ảo nhất định trong game. Chính vì vậy cách ứng xử của các admin fanpage này khi gặp phải những tình huống khó khăn mà game thủ đặt ra cũng rất khác nhau.
Khi bị lỗi, chậm trễ trong bảo trì thì việc các game thủ kêu ca hay chửi bới là một điều không hề thiếu. Trong tình huống này, rất nhiều admin đưa ra lựa chọn phương án im lặng, đợi sự việc qua đi rồi đưa ra thông báo xin lỗi trước cộng đồng. Tâm lý của các game thủ trong lúc như thế là hoàn toàn bình thường, và sau khi sự việc qua đi họ sẽ lại tập trung vào game mà quên đi những lỗi này. Đây là phương án nhiều NPH lớn hay dùng vì họ có số lượng người chơi rất đông. Việc trả lời hết và làm hài lòng tất cả là việc khó khăn đối với họ.
Một số khác chọn lựa việc tiếp nhận toàn bộ ý kiến. Họ sẽ soạn ra những mẫu trả lời cố định khá chung chung, rồi gặp bất kỳ ý kiến nào cũng sẽ đưa mẫu đó ra để trả lời game thủ. Với cách này, nhiều game thủ cũng chỉ kêu ca một hai lần nữa rồi im lặng vì có kêu nữa cũng chỉ nhận được một câu trả lời như vậy. Game thủ thường tỏ ra khá tức tối vì trong lúc bực bội lại bị dội thêm gáo nước lạnh của NPH, cảm giác giống như bị coi thường. Cách này hay xảy ra với một số NPH mới hay do phía NPH chỉ đạo trả lời nhưng admin bên dưới làm vậy cho có mà thôi.
Nhiều nhà quản lý lựa chọn việc ngồi xóa comment. Comment bị xóa thường là những lời lẽ chửi bới nhưng đôi khi họ cũng xóa cả những ý kiến không hay liên quan tới họ hay NPH mà họ đang làm việc. Dù đúng hay sai thì cách này vẫn thể hiện việc "không có gì làm" của những người quản lý. Nhưng càng xóa thì chỉ càng làm game thủ càng thêm bức xúc và mất niềm tin vào NPH.
Còn một số lựa chọn khôn ngoan hơn là để lại tất cả ý kiến và chỉ trả lời lại những ý kiến nào có tính xây dựng và văn hóa. Với kiểu phản hồi này, trong vài lần đầu có thể sẽ bị các game thủ phản đối nhưng sau đó dần dần một số người chơi sẽ nhận ra và có điều chỉnh hợp lý để ý kiến của mình được đưa tới NPH. Nhưng đôi khi việc chỉ trả lời một số câu hỏi còn một số câu thì lại im lặng gây cảm giác phân biệt đối với game thủ.
Một số người quản lý nóng tính hơn khi thấy những ý kiến không hay thường sẽ có những lời lẽ phản biện lại. Đôi khi họ đưa ra những lý do thích đáng. Nhưng cũng có lúc nó lại trở thành cuộc cãi vã qua lại đùn đẩy trách nhiệm cho những bên liên quan. Cách này thường đưa tới một cuộc nói chuyện dài và không ít lần những quản lý này đã quá nóng nảy mà buông lời lẽ không hay gây mất hình ảnh của NPH trong mắt game thủ. Những người quản lý này đôi khi còn sử dụng các cò mồi để bảo vệ ý kiến của mình cũng như "dằn mặt" các game thủ đưa ra ý kiến trái chiều với mình.
Bên cạnh đó vẫn có một số quản lý fanpage tâm huyết với công việc của mình. Dù có những ý kiến khó chịu hay chửi bới đến thế nào, họ vẫn cố gắng trả lời hết những ý kiến đó và kèm thêm lời nhắc nhở nhẹ nhàng tới các game thủ.
Việc quản lý fanpage là một nhiệm vụ khá quan trọng. Nó đại diện cho tiếng nói của NPH. Nhưng, nhiều đơn vị hiện nay lại vì lợi ích nhỏ trước mắt, bỏ ra một số tiền ít ỏi trong game rồi chọn lựa hoặc sàng lọc nhân viên không kỹ lưỡng, cũng như không có bước đào tạo cụ thể nào dẫn đến một số việc không đáng có. Điều này sau đó lại gây ảnh hưởng xấu ngược lại tới chính uy tín và danh tiếng của họ.