Về thực tế thì chơi game là hoạt động cá nhân vì chỉ có người chơi với chiếc máy tính, cho dù trong mạng ảo có bao nhiêu chiến hữu thì rốt cuộc cuối cùng bạn cũng phải tự thân vận động.
Ngoài ra quá trình mày mò nghiên cứu sẽ giúp game thủ trải nghiệm những điều thú vị hơn. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều hiểu được điều này. Họ tựa như những đứa trẻ lười biếng quá ỷ lại.
Nếu có ai đó yêu cầu bạn làm một công việc chân tay hay thậm chí công việc trí óc thì quả thật sẽ khiến tâm trạng khá khó chịu nên được chơi mà nói là hoạt động vui vẻ nhất với mỗi người. Như vậy tại sao chúng ta vẫn thấy nhiều game thủ “lười” đến mức ỷ lại, đơn giản tự lực phát triển nhân vật của mình mà cũng thấy khó khăn?.
Tràng than nghèo kể khổ bạn sẽ gặp ở bất cứ nơi đâu và trong mọi tựa game. Thời đại hiện nay người ta thừa nhận mình khó khăn không phải để biểu hiện sự dũng cảm thừa nhận hoàn cảnh của bản thân mà chỉ hàm ý giải thích cho sự thua kém của họ. Game online chính là minh chứng rõ ràng nhất, những câu nói như “làm gì có tiền để nạp thẻ”, “không có thời gian để đi kiếm đồ”, “yếu quá nên không ăn được boss”, “số xui nên đập đồ toàn xịt”…diễn ra không ngớt.
Có tiền cũng không muốn bỏ ra
Việt tiết kiệm thu chi và hạn chế đầu tư vào game online đứng theo quan điểm của người chơi thì quả thật rất chính đáng thậm chí nên khen ngợi. Tuy nhiên nếu trích ra một phần nhỏ đủ để mua vui cho bản thân thì cũng không có gì quá đáng. Một bộ phận người chơi định ra quy tắc không bao giờ nạp thẻ vào game, nhưng thay vì dùng sự siêng năng chăm chỉ của bản thân bù đắp vào thì lại chạy ngược chạy xuôi đi yêu cầu bạn bè giúp đỡ. Đúng là tính cộng đồng trong game rất cao và chuyện hỗ trợ nhau là điều hết sức tự nhiên, mặc dù vậy cũng chỉ giới hạn ở mức nào đó.
Điệp khúc than thở “tớ không có tiền nạp” xuất hiện nhiều tới mức gây khó chịu. Không đầu tư là quyền của game thủ nhưng họ phải chấp nhận kết quả của quá trình chơi free đó chứ không phải nay mượn món này, mai xin món kia kéo dài không dứt. Chẳng ai có thể tốt bụng để giúp bạn mãi được vì những món đồ ảo kia có giá trị thật sự của nó và không dễ dàng sở hữu. Hãy ngừng lại suy nghĩ ỷ lại vào kẻ khác, đừng dùng thái độ đáng thương để nhận sự đồng cảm từ bạn bè.
Tính cộng đồng dù cao nhưng nó cũng phải có qua có lại, một kẻ suốt ngày chỉ muốn được nhận giúp đỡ mà không có hồi trả thì chẳng thể tiến xa . Ngoài ra một người có khả năng ngồi chơi game thì hoàn cảnh chẳng thể coi là bần hàn. Suy nghĩ không cần bỏ tiền mà cũng mạnh mẽ được trong game quả thật ích kỉ và đáng chê cười.
Đổ tội cho vận xui
Nếu nói tính chất may mắn quyết định khá nhiều trong công cuộc cày kéo của game thủ nhưng không đồng nghĩa người chơi sẽ mãi mãi gặp xui và ngược lại. Khá nhiều bạn trẻ chưa hay không muốn thừa nhận quy tắc trên để rồi luôn đổ lỗi cho vận may rủi. Một hai lần bạn nói vui đùa rằng mình quá đen đủi thì không có vấn đề nhưng nếu liên tục sử dụng lý do này để biện giải cho sự thất bại của bản thân trong quá trình chơi thì sẽ khó mà hợp tình hợp lý.
Tại sao người khác đập đồ, tìm kiếm được vật phẩm tốt mà bạn lại không?. Hãy suy nghĩ về những lý do như tỉ lệ phần trăm thành công dựa vào số vip game thủ mua, công sức bỏ ra đi tìm kiếm khắp hang cùng ngõ hẻm bản đồ để truy lùng báu vật, tính không kiên nhẫn của bản thân…
Nếu như người chơi thật sự gặp vận xui thì đó là do số phận của họ theo như cách nói dân gian nhưng đằng này nhiều đối tượng lại không chịu hài lòng với số phận đó. Chẳng cần biết mình đen đủi hay không nhưng một bộ phận thành viên lại dùng nó như lý do để yêu cầu bạn bè giúp đỡ lên đồ hay tìm kiếm vật phẩm giúp họ.
Những lời giải thích nghe có vẻ hợp tình hợp lý như “mày may mắn vậy hôm nào rảnh đập cho tao món”, “Lần sau lượm được đồ nào tốt nhớ chia cho tớ nhé”…trở thành câu cửa miệng rất tự nhiên của game thủ. Lâu dần ỷ lại trở thành thói quen khiến người chơi chỉ biết đi cầu cạnh, nhờ sự giúp đỡ của kẻ khác. Họ trở nên thất bại trong mắt của mọi người mà hoàn toàn không ý thức đến.