Foxconn, đối tác gia công máy Switch cho Nintendo, hiện đã có sẵn nhà máy tại Việt Nam và chỉ mất vài tháng để đảm nhiệm việc sản xuất.
Theo nguồn tin từ Nikkei, hãng Nintendo của Nhật sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất của chiếc máy chơi game cầm tay Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam, do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ phủ bóng đen lên thiết bị chơi game đình đám này.
Hiện tại, gần như toàn bộ chiếc Switch được sản xuất tại Trung Quốc thông qua các hãng gia công, bao gồm cả Foxconn. Do đó, những nhà máy của công ty này tại Việt Nam có thể đảm nhận phần công việc chuyển từ Trung Quốc sang chỉ trong vòng vài tháng.
Khoảng 40% trong tổng số 17 triệu chiếc console Switch được bán trong năm tài khóa 2018 thuộc về thị trường châu Mỹ - chủ yếu là Mỹ - thị trường lớn nhất của Nintendo theo doanh số. Do vậy công ty đang tích cực tìm cách tránh các rủi ro về thuế quan, khi họ cảm thấy đây sẽ là đòn đánh chí mạng dành cho cả hoạt động của công ty lẫn khách hàng của họ.
Nintendo lên kế hoạch giữ mục tiêu đối với doanh số toàn cầu của chiếc Switch trong năm tài khóa 2019 là 18 triệu sản phẩm, do vậy, việc tăng cường sản xuất tại Việt Nam có thể mang lại sự sụt giảm sản xuất tương ứng ở Trung Quốc đối với kế hoạch ban đầu.
Hiện tại, chiếc Switch đang được bán lẻ tại Mỹ với giá khoảng 300 USD. Nhưng mức giá này có thể tăng thêm hàng chục USD nữa nếu Nintendo bắt người tiêu dùng phải gánh chịu hầu hết hoặc tất cả gánh nặng của mức thuế quan 25%, đang đe dọa áp lên các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Hiện chiếc máy chơi game console này đang không phải chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán song phương về thương mại, dẫn đến việc bãi bỏ vòng thuế quan thứ tư theo kế hoạch của Washington. Nhưng các nhà sản xuất trên thế giới vẫn đang lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ kéo dài, khiến nhiều công ty xem xét lại chiến lược sản xuất tại Trung Quốc.
Hãng điện tử Nhật Bản, Sharp đang nhắm đến việc chuyển hoạt động sản xuất một số dòng laptop cho thị trường Mỹ sang Việt Nam, trong khi hãng Ricoh dự định chuyển hoàn toàn việc sản xuất máy văn phòng sang Thái Lan. Vòng thuế quan thứ tư của Mỹ, nếu được áp dụng, sẽ làm giá các mặt hàng điện tử tăng vọt.