Hiện tại, Việt Nam chỉ còn trông chờ vào cáp biển SEA-ME-WE 3, nếu lại đứt cáp, tết Đinh Dậu này người Việt sẽ được đón tết mà không có kết nối với quốc tế.
Thời gian gần đây, mạng Internet tại Việt Nam khá chập chờn, nhiều người không thể truy cập vào các trang quốc tế như facebook, google,... Nguyên nhân là do cùng một lúc 3 đường cáp quang biển huyết mạch của Việt Nam đều gặp sự cố.
Cụ thể, cáp quang biển APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12/2016 bị hai sự cố đồng thời ngày 31/12/2016 (tại Singapore và Chongming - Trung Quốc) dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore, dự kiến ngày 23/1 mới khắc phục xong.
Tuyến AAG cũng theo chân gặp sự cố vào ngày 8/1/2017, điều này ảnh hưởng đến lưu lượng từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Dự kiến ngày 28/1 sẽ sửa xong.
Tiếp tục, tuyến IA bị lỗi nhánh đi Hong Kong ngày 10/1/2017. Mặc dù đã cấu hình và đưa vào hoạt động trở lại, nhưng 16h15 ngày 11/1/2017 lai tiếp tục lỗi nhánh đi Singapore. Hiện chưa có thông tin về lịch trình sửa chữa.
Hiện nay, các kết nối với quốc tế của Việt Nam đều chỉ trông chờ vào đường cáp SEA-ME-WE 3 và các tuyến cáp đất liền nối với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Giả sử, nếu một trong những tuyến cáp còn lại gặp phải sự cố, viễn cảnh người Việt đón Tết Đinh Dậu không Internet nhiều khả năng sẽ xảy ra.
4 tuyến cáp biển của Việt Nam đi quốc tế:
Tuyến cáp quang biển APG – Asia Pacific Gateway (đang gặp sự cố)
APG (Asia-Pacific Gateway) là tuyến cáp quang có chiều dài 10.400km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là tuyến cáp được xây dựng bởi tập đoàn APG bao gồm Facebook, và 11 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu trong khu vực.
Tuyến cáp quang biển AAG – Asia American Gateway (đang gặp sự cố)
AAG là tuyến cáp quang có tổng chiểu dài 20.000 km kết nối các điểm tại Malaysia, Singapore, Thái Lan, Bruney, Việt Nam, Philippinnes, Hồng Kông, Mỹ, Hawaii Mỹ... Tuyến AAG cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km. Tuyến cáp quang này được đưa vào hoạt động tháng 11/2009.
Tuyến cáp quang biển IA – Intra Asia (đang gặp sự cố)
Đây là tuyến cáp quang liên Á, được đưa vào hoạt động tháng 11/2009. IA có tổng chiều dài 6.800 km nối Việt Nam, Singapore, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản. Tuyến cáp quang này có mức đầu tư ban đầu 200 triệu USD và được thiết kế với lưu lượng toàn tuyến đạt 320 Gb/s. Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang này tại Việt Nam.
Tuyến Cáp quang Biển SEA-ME-WE3 (SMW-3) (chưa gặp sự cố)
Đây là tuyến cáp quang Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3. Tuyến Cáp quang Biển SEA-ME-WE3 là một hệ thống cáp quang ngầm viễn thông kết nối các khu vực dài nhất thế giới, được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2000, có lưu lượng 320 Gb/s. Hệ thống này được xây dựng bởi France Telecom và China Telecom, và được quản lý bởi SingTel, một nhà điều hành mạng viễn thông thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.