Nhiều năm trước, để chinh phục một trò chơi thường phải tốn rất nhiều công sức, đôi khi cả mồ hôi và nước mắt. Cùng với đó là vô vàn rắc rối mà những game thủ ngày nay không thấu hiểu được.
Xước đĩa game thì chỉ có khóc
Mua một đĩa game với cái giá 10.000 đồng không phải là một số tiền nhỏ, nhất là khi các bậc phụ huynh lúc này còn đặt nặng vấn đề học tập hơn chơi game so với hiện tại rất nhiều. Đó là chưa kể đến ở những vùng khác thì việc kiếm trò chơi là cực kỳ khó, cả trên PC lẫn PlayStation.
Một phiên bản Final Fantasy lúc này phải cần 8 đến 10 đĩa để có thể hoàn thành game. Thử tưởng tượng rằng chỉ cần một trong số đó bị xước sẽ là một thảm họa cho bất kỳ game thủ nào: load game lâu, cài đặt cực khó hoặc bất lực đến mức phải vứt luôn 10.000 vào sọt rác.
Hết xu khi chơi game thùng
Tất nhiên không phải ai cũng thần thánh như anh chàng nào đó bên Mỹ, chỉ với 1 xèng mà chơi được 85 tiếng liên tục. Nếu không lầm hoặc xê dịch đôi chút thì một xèng giao động từ 1.000 đến 2.000 đồng, đút túi 10.000 đồng và ra tụ điểm chơi game thùng không còn là một việc xa lạ.
Các tựa game đỉnh như Samurai Shodown, Rambo Lùn, Thợ Săn Khủng Long luôn có một sức hấp dẫn tuyệt vời với tính chất ganh đua cực cao. Nhưng chẳng may đang hay thì đứt dây đàn, sắp gặp boss cuối mà trong túi bạn không còn 1 xu và bất lực nhìn kẻ khác hẫng tay trên của bạn là một điều không thể nào đau đớn hơn.
Game không có save hoặc checkpoint
Nếu như hiện tại, bạn chả cần phải lo nghĩ gì về save game khi thoát ra là trò chơi đủ thông minh để lưu lại quá trình thì nhiều game xưa cũ thậm chí còn chẳng có save. Việc duy nhất có thể làm là chơi một mạch đến khi phá đảo. Bất kì điều gì can thiệp cũng sẽ khiến bạn chơi lại từ đầu dù muốn hay không.
Quên mất cheatcode, password hoặc combo trong game
Thời xưa, khái niệm hacker là không tồn tại, chỉ có cheater – kẻ ăn gian. Cheat một game offline không hề xấu, bạn đã từng cheat 30 mạng contra hay sử dụng trainer, cheat code database chưa?
Điều kiện về thời gian cũng như tiền bạc hạn chế, chưa kể game không có save, cách duy nhất và nhanh nhất là sử dụng cheatcode, password để nhập vào giúp bạn đến màn chơi đó nhanh nhất. Tương đồng với việc này là sử dụng combo trong game các game đối kháng, bạn chẳng thể nào biết nếu như không ghi ra giấy hoặc ai đó chỉ.
Ra tiệm game chơi LAN bị giành máy yêu thích
Các tiệm game bấy giờ chỉ có mạng LAN cho các game thủ so tài với nhau qua Counter-Strike, Age of Empires hay Red Alert. Dĩ nhiên chất lượng là không đồng đều giữa các máy. Đi học về, ăn cơm và chạy ra tiệm game mà thấy máy “tủ” của mình đang bị kẻ khác ngồi không còn gì đau đớn hơn.
Ai trả tiền thì có quyền
“Game đi hôm nay tao bao” là câu nói bất kỳ game thủ nào cũng yêu thích, nhưng đi kèm vào đó là vô vàn điều kiện khác. Ví dụ như: bạn phải là người chơi thứ hai hoặc cầm một cái tay cầm không thể tệ hơn. Nhưng những điều này không vì thế mà phá hỏng cuộc vui ngày hôm đó, và chắc chắn rằng nếu là bạn thì cũng hành động như vậy thôi.
Không có ai hướng dẫn
Không internet, không diễn đàn, không biết tiếng nước ngoài, không ai để thảo luận, bạn sẽ phải tự mò mẫm và bước đi trên đôi chân của mình. Tôi thấy rất phục những game thủ “cứng” như vậy, phá đảo Final Fantasy phiên bản tiếng Nhật trong khi nửa kí tự bẻ đôi cũng không biết.
Ra tiệm chép game bằng đĩa mềm
Với một đứa trẻ ngây thơ, bạn nghĩ rằng lấy được cái hình game trên màn hình là có thể đem về nhà chơi xả láng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi tất cả những gì xuất hiện trên màn hình chỉ là thông báo lỗi không tìm thấy đường dẫn mà thôi.
Bị phụ huynh bắt khi ở tiệm game
Bạn có thể bịa ra hàng tá lý do để đi chơi, nhưng riêng chơi game thì có vẻ khó chấp nhận nhất, vì thế việc lén đi chơi game là chuyện bình thường với các game thủ 8x. Và cảm giác bị bố mẹ bắt gặp ở tiệm game cũng chả phải là một điều lấy làm tự hào lắm.
Chia đôi màn hình
Một trong những vấn đề rất nhức nhối của game thủ trước đây. Đua xe, đối kháng hay bất kỳ tựa game nào khác đều khiến bạn và đối thủ có thể dễ dàng "địa" màn hình nhau, lúc này cũng chả có cách giải quyết nào.