Chơi game hay các trò chơi điện tử có thể không thực sự đem lại hòa bình cho thế giới, nhưng đó sẽ là cách góp phần giúp con bạn trở thành con người của thế kỷ mới.
Những người làm về giáo dục luôn tin rằng họ có thể vay mượn ý tưởng từ những trò chơi điện tử mà trẻ con yêu thích để tạo ra những dòng game giáo dục hoàn toàn mới. Không ít người đã từng cho rằng việc đề nghị những công ty như Blizzard hay Rockstar góp phần thiết kế những game giáo dục là ý tưởng hay.
Tuy nhiên với Sid Meier, nhà thiết kế game huyền thoại, bộ não đứng sau trò chơi như Civilization hay Pirates, điều đó là không cần thiết. Chúng ta có thể sử dụng chính những trò chơi đó, những tựa game nhập vai đó để giáo dục cho trẻ con.
Ông cho rằng, trẻ con thực sự không thích các game giáo dục, trên thực tế, chúng còn ghét các game đó. Nếu cho trẻ con lựa chọn giữa một trò chơi thiết kế vì mục đích học tập và một trò chơi được thiết kế thương mại hóa nhằm mục đích giải trí, trẻ con sẽ không ngần ngại chọn giải trí.
Thực tế đó chứng minh tại sao một số nhà thiết kế game, đặc biệt các nhà thiết kế game giáo dục cho rằng việc thiết kế trong game giáo dục là rất quan trọng. Bởi vì họ cho rằng cho dù trẻ con ghét chúng, những game đó “vẫn tốt hơn những gì chúng có ở lớp học.”
Nhưng còn một điều khác mà họ cũng phải thừa nhận, không phương tiện truyền thông nào có thể ảnh hưởng đến việc học nhiều như một giáo viên biết quan tâm. Thay thế một con người bằng một video game mà bọn trẻ con ghét – chỉ bởi vì giáo viên, với những hạn chế của riêng minh, sẽ không thể tạo ra một trải nghiệm hấp dẫn – không phải là một sự đánh đổi công bằng, và đó càng không phải điều phần lớn giáo viên muốn.
Do vậy, các giáo viên thường luôn là người đi đầu trong việc hạn chế chơi game ở trẻ con.
Chơi game - một công cụ học tập mạnh mẽ bên ngoài lớp học
Vậy nếu nhìn vào những game như Civilization, Minecraft, Call of Duty hay World of Warcraft, liệu trẻ con sẽ học được gì từ bên trong những game này nếu so với một lớp học truyền thống. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa chơi điện tử và thành công ngoài đời thực, có hai điều họ rút ra:
- Trẻ con chơi các game đó sẽ ít có xu hướng phản kháng lại nếu chúng có rắc rối với pháp luật.
- Nhiều công ty đang tuyển dụng những cậu bé là người dẫn đầu trong các giải đấu game lớn, vì họ tin rằng, chúng có những kỹ năng của thế kỷ 21 như giao tiếp, can đảm, làm việc theo nhóm, khả năng lãnh đạo, khả năng học hỏi, và sự kiên trì.
Đó là những điều có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, và nó không phải đến từ các game giáo dục
Ông Ali Carr-Chellman, một nhà thiết kế các phương pháp giáo dục, đã thực hiện một dự án nghiên cứu dài bốn năm, tập trung vào những cậu bé và theo dõi xem chúng học được gì khi chơi game. Một điều quan trọng ông nhận ra đó là các trò chơi mà những cậu bé thích chơi, lại gần như là điều đại diện cho bản thân chúng.
Khi các bậc phụ huynh (cũng như các giáo viên, các nhà lãnh đạo và người lớn nói chung) cấm đoán các trò chơi này, họ thường cho rằng chúng bạo lực, cá nhân, cạnh tranh, gây mất thời gian và phần lớn là của nước ngoài. Tuy nhiên, đây lại chính xác là các cá tính của những cậu bé khi chơi trò chơi đó, và khi cấm đoán các game đó, những người lớn chúng ta cũng đang cấm đoán các cá tính đó.
Thay vì cấm đoán, nếu mang những trò chơi thương mại này vào trường học, những người lớn chúng ta sẽ giao tiếp được với những cậu bé (hay cô bé) đó, để cho thấy chúng thực sự có giá trị, rằng văn hóa của chúng được chào đón ở đây, rằng các giáo viên, các bậc phụ huynh và người lớn trong cuộc đời của chúng trân trọng việc chúng là ai và muốn học từ chúng, học với chúng cũng như dậy cho chúng.
Cho đến nay, hàng loạt các nghiên cứu dẫn đầu bởi Jason Engerman, nhà nghiên cứu của trường Đại học bang Pennsynvalnia, đã cho thấy những kết quả tuyệt vời về sự kết nối giữa game và cuộc sống. Các nhà nghiên cứu lắng nghe các cậu bé mô tả thất bại ở trường học như một điều cấm kỵ, trong khi thất bại trong game lại là một sự khao khát.
Họ đã nghe các cậu bé mô tả những cách dễ dàng để phân chia quyền lãnh đạo và nhận ra một chuyên môn về lĩnh vực khác theo những cách hợp tác nhất và sáng tạo nhất – những điều vốn là mấu chốt trong môi trường làm việc đa dạng.
Khuyến khích thay vì cấm đoán
Vì vậy, theo ông Carr-Chellman, có rất nhiều điều những người lớn chúng ta có thể làm bây giờ. Đầu tiên, nên khuyến khích các trường học của chúng ta, các giáo viên, các nhà điều hành, những nhà chính sách và các bậc phụ huynh khác, xác định giá trị trò chơi mà bọn trẻ con chúng ta đang tham gia vào.
Ông Carr-Chellman cho rằng cần duy trì sự cân bằng, để chống lại các hành vi gây nghiện cho các hoạt động trong suốt cuộc đời. Những cậu bé có thể chơi game, nhưng chúng cũng cần tham gia các hoạt động khác như ca nhạc, thể thao và hoạt động hướng đạo.
Rất khó để có những giới hạn cụ thể, bởi vì cuộc sống của chúng vốn đã đầy những thứ khác cân bằng nhau về sự thú vị và hấp dẫn. Xác định được giá trị các hoạt động chơi game của bọn trẻ cũng là cách để tôn trọng chúng và văn hóa của chúng. Đó cũng chính là cách mà ông đang áp dụng cho những đứa con của mình, cũng như trong những lời khuyên ông dành cho các vị phụ huynh khác.
Thứ hai, ông Carr-Chellman còn tin rằng, chơi game có thể khiến thế giới trở nên một nơi tốt đẹp hơn. Những trò chơi đầy bạo lực và cạnh tranh có thể góp phần tạo nên sự phát triển cho các lãnh đạo và công dân mạnh mẽ của tương lai. Vì vậy, mỗi người lớn nên chọn lấy một trò chơi mà những đứa trẻ của họ đang chơi, và chơi những game đó một cách nghiêm túc trong ít nhất một giờ. Khi đó, họ có thể sẽ rất ngạc nhiên về những gì họ học được về chính mình, về trò chơi, về những định kiến về các game và các game thủ cũng như khả năng của những đứa trẻ đó.