MOBI
Vì đâu tính cộng đồng game online Việt đang mất đi?
Bản thân tôi cũng không còn tâm huyết với game như trước, phần vì áp lực học tập, phần vì phải phân chia thời gian cho nhiều game khác.
 
Tự bao giờ, game thủ Việt đã trở nên tự kỷ?

Tôi còn nhớ mình làm quen với game online khi học cấp 2, chính xác là khoảng năm lớp 7. Tựa game đầu tiên mà tôi chơi và gắn bó chính là Võ Lâm Truyền Kỳ. Những ngày tháng đó mê lắm, ghiền lắm, cứ tan trường hay khi bố mẹ “khuất mắt trông coi” là tôi lại cùng đám bạn tót ra quán net. Đứa nào có tiền thì chơi, đứa không tiền thì đứng xem rồi bàn tán, tranh cãi um cả quán lên, nhiều lúc khiến chủ quán phải “nhẹ nhàng nhắc nhở”.

Rồi tôi quen anh, một “khách ruột” của quán. Ngày đó nhìn set đồ của anh, nhìn nhân vật của anh mà mắt tôi long lanh như nhìn thần tượng. Bởi mới chơi còn “gà mờ”, còn “cùi bắp” nên tôi bèn lân la làm quen với anh để học hỏi cách chơi, đôi khi là xin xỏ vài món đồ “rác” mà anh không cần. Có lẽ tôi đã may mắn khi gặp được một người hào phóng khi anh đã hướng dẫn tôi rất nhiều, giúp đỡ tôi rất nhiều. Đổi lại, tôi giúp anh những việc vặt như trông máy hộ khi anh có việc gì đó phải đi đâu một lát chẳng hạn.

Đến một hôm, không biết vì lý do anh bèn đề nghị tôi gia nhập bang hội mà anh đang làm “tay to”. Tôi rối rít nhận lời ngay bởi với “thân phận” trong game thấp kém của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được gia nhập một bang hội nào đó.

Từ hôm đó, trải nghiệm game của tôi như được nâng lên một tầm cao mới khi được chơi cùng bang hội. Tôi cảm thấy gắn bó với game hơn, yêu thích game hơn. Game đã trở thành ngôi nhà ảo của tôi, và ở đó, bang hội chính là những người thân trong gia đình.

Những buổi offline bang hội thực sự là những kỷ niệm khó thể nào quên. Ở đó, tiếng cười không bao giờ dứt, những mối quan hệ “ảo” đã trở nên rất “thực”.


Những buổi offline thân tình là chất xúc tác của cộng đồng game

Thế rồi, thời gian trôi qua, nhiều thành viên trong bang hội, chủ chốt có, bình thường có dần rời bỏ bang hội, rời bỏ game. Có người thì là vì không thể tiếp tục chơi game, có người thì là vì chuyển sang game khác. Hoạt động của bang hội dù vẫn được duy trì nhưng không bao giờ còn được như trước.

Bản thân tôi cũng không còn tâm huyết với game như trước, phần vì áp lực học tập, phần vì phải phân chia thời gian cho nhiều game khác.

Ngày qua ngày, tôi vẫn duy trì thói quen chơi game nhưng rồi tôi chợt nhận cái cách mình chơi game đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ chơi “có hội có phường”, giờ hầu như tôi chỉ chơi một mình. Quan hệ với những người chơi khác, thậm chí là với chính trong bang hội đã phai nhạt đến mức tôi không thể ngờ.


Từ bao giờ ta chỉ còn một mình?

Không chỉ riêng tôi, hẳn là rất nhiều game thủ khác cũng đang chơi trong tình trạng “tự kỉ” như thế, nguyên nhân thì nhiều, tôi chỉ xin liệt kê vài điều mà tôi cho là quan trọng nhất.

Sự chuyển giao thế hệ game thủ không thành công

Lớp game thủ tâm huyết của nhiều năm về trước nay đều đã trưởng thành, nhiều người thậm chí đã là bố là mẹ. Họ có quá nhiều mối bận tâm với cuộc sống, gia đình, công việc. Vì thế cho nên đại đa số họ hoặc là không còn màng đến game hoặc vẫn còn hứng thú nhưng chỉ chơi thuần túy giải khuây, tìm lại chút kỉ niệm ngày xưa chứ khó mà còn tâm huyết được như trước.

Trong khi đó, lớp game thủ kế vị của ngày hôm nay lại không đủ khả năng để tạo nên một cộng đồng gắn kết, hùng mạnh như thưở trước. Lý do thì có nhiều nhưng một nguyên nhân quan trọng hàng đầu là bởi nhịp sống hiện nay gấp gáp, hối hả hơn nhiều so với trước đây. Áp lực học tập, công việc đè nặng lên vai khiến cho bất kỳ ai dù muốn cũng khó mà dành nhiều thời gian cho game được, nói chi đến cộng đồng game. Họ chơi gấp, chơi vội, không quan tâm (hoặc không có thời gian để quan tâm) đến người khác.


Nhịp sống hiện đại hối hả khiến ta khó lòng theo đuổi đam mê game

Thị trường phát triển quá “nóng”

Trước đây, khi thị trường game online Việt Nam còn chập chững những bước đầu, số game được phát hành khá là khiêm tốn. Nhờ thế mà các game này có thể xây dựng cho một cộng đồng to lớn. Từ đó mà mỗi người chơi đều có thể dễ dàng tìm được những người cùng chí hướng với mình để thành lập tổ nhóm, bang hội, cùng kề vai sát cánh.

Thế rồi thị trường game bùng nổ, người người làm game, nhà nhà làm game. Ai cũng muốn giành phần cho mình trong chiếc bánh doanh thu, ai cũng muốn kéo game thủ về mình. Game không còn được phát hành hàng tuần, hàng tháng nữa mà là hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Game thủ bị lạc vào “mê hồn trận” của không biết bao nhiêu là game, game nào cũng tự nhận mình là “hay”, là “khủng”, là “dành cho VIP”. Kết quả là cộng đồng tan rã thì các nhóm manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai người nấy chơi game mình thích.

Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số game thủ là thanh thiếu niên, là lứa tuổi ham vui, ham lạ, thích khám phá cái mới. Điều này lại càng khiến cộng đồng game thiếu bền vững bởi có thể cùng một game thủ đó sáng còn say sưa với game A, chiều đã dán mắt vào game B, đôi khi chỉ là bởi một mẩu quảng cáo “Game cực hot mới ra mắt” nào đó vô tình đọc được.

Game thủ mất đi lòng tin vào thế giới ảo

Quá nhiều cạm bẫy trên mạng, quá nhiều vụ lừa đảo trong game khiến cho lòng tin trong game thủ mai một dần. Thử hỏi khi mọi người giao tiếp với nhau trong tâm lý đề phòng, căng thẳng, ai chơi game cũng chỉ chăm chăm thủ lợi cho mình thì làm sao mà xây dựng và giữ được một cộng đồng gắn kết?


Có quá nhiều nguy cơ mà game thủ phải đối mặt trên mạng

Chưa dừng lại ở đó, một số nhà phát hành vô lương tâm, vô trách nhiệm đã gián tiếp “bồi” thêm một đòn nữa vào lòng tin vốn đã suy yếu của game thủ vào thế giới ảo khi phát hành những game chất lượng kém theo kiểu “đem con bỏ chợ”, chỉ cốt sao thu lợi nhanh nhất rồi bỏ cho game “tự sinh tự diệt”. Luôn phải đối mặt với viễn cảnh game đóng cửa, tiền bạc công sức “đổ sông đổ biển” khiến cho game thủ trở nên dè dặt hơn, mối liên kết giữa họ và game vì thế cũng lỏng lẻo. Đòi hỏi sự tâm huyết, nhiệt tình của game thủ để xây dựng cộng đồng game trở thành chuyện “khó hơn lên trời”.

Đâu là giải pháp?

Để có thể khôi phục tính cộng đồng trong game online, để không còn những game thủ “tự kỷ”, cần thiết phải có sự đồng lòng của game thủ và nhà phát hành.

Về phía game thủ, hãy chủ động tìm kiếm bạn bè trong game. Hãy góp chút công sức cho clan, cho bang hội từ những việc làm nhỏ nhặt. Chẳng hạn, thay vì chăm chăm thực hiện nhiệm vụ cá nhân, hãy dùng thời gian đó để tham gia làm các nhiệm vụ đồng đội. Phần thưởng kiếm được có thể ít hơn nhưng điều bạn có được là mối liên kết bền chặt hơn với bạn bè. Đó thực là “phần thưởng” vô giá.

Về phía NPH, đừng chỉ quan tâm đến việc điều hành, kiếm tiền từ game. Hãy quan tâm hơn đến game thủ, dành một phần nguồn thu từ cộng đồng để chăm sóc cộng đồng. Đừng xem game thủ là những “con bò” để “vắt sữa” mà hãy xem họ là  “đối tác kinh doanh”, trực tiếp mang lại lợi nhuận cho mình để có các đối đãi phù hợp.


Game thủ - NPH hãy bắt tay nhau

Sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể đưa cộng đồng game Việt về cái “ngày xưa ấy”. 

Thể loại: Nhập vai
NPH: Dzogame
Hệ máy: MOBI
Ngày phát hành: 24/03/2022
+

DZO CHƠI

TOP GAME

Cùng đến với những hình ảnh Lala Croft của Tomb Raider dưới nét vẽ của AI. Một cô nàng xinh đẹp, nóng bỏng nhưng cũng rắn rỏi và mạnh mẽ.

Những cô nàng nóng bỏng Boa Hancock, Nico Robin, Nami, Yamato hay Perona được AI vẽ lại dưới hình thức Cosplay cực kỳ chuẩn chỉnh.

Cùng thưởng thức những hình ảnh cosplay Xiangling trong Genshin Impact siêu dễ thương của người dùng Weibo "阿包也是兔娘"