Sự xuất hiện của DotA 2 đã mở ra một chân trời rộng lớn hơn cho những fan hâm mộ DotA. Nhưng không phải ai cũng đều cảm thấy hứng thú với trò chơi này.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nước Châu Á đã bắt đầu thay thế DotA trên nền Warcraft III bằng DotA 2 đến từ Valve. Rõ ràng, với thế mạnh của một tựa game độc lập thì DotA 2 có vô số ưu điểm về đồ họa, cải thiện lối chơi lẫn khả năng mở rộng quy mô hoạt động về sau này mà không phải lo ngại giới hạn dung lượng. Tuy nhiên không phải ai cũng cảm thấy thật sự hứng thú với DotA 2 và có ý định chuyển qua gắn bó lâu dài với nó vì nhiều lý do, dù khá ngớ ngẩn nhưng cũng không phải là hiếm gặp sau đây.
1 Thói quen che đậy thực lực của mình
Không chỉ riêng gì DotA 2 mà các game khác, ví dụ như Liên Minh Huyền Thoại cũng có phần thống kê thông số tài khoản bao gồm cấp độ, số trận thắng/thua, cấp bậc,... Tuy nhiên các game thủ DotA cảm thấy không hài lòng về điều này vì nó có thể khiến cho họ phải “muối mặt” với bạn bè nếu lỡ để lộ chúng. Từ đây nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ thống kê số trận thắng/thua và chỉ giữ lại hệ thống cấp bậc để thuận tiện khi tìm phòng chơi phù hợp.
2 Thói quen phá game
Tình trạng quitter là một trong những vấn nạn của DotA, làm ảnh hưởng đến cục diện trận đấu và tâm lý của những người chơi khác. Vì vậy DotA 2 đã quyết định xử phạt những ai cố tình thoát game, bằng cách đưa họ xuống nhánh dưới (tức không được ưu tiên lựa chọn để tham gia trận đấu). Nếu số lần thoát game giữa chừng càng nhiều, khoảng thời gian mà bạn phải đợi để được phép chơi trận tiếp theo càng lâu. Và thực tế là nhiều người chơi (hầu hết là tân binh) phải bỏ tài khoản vì không thể chờ hết thời gian “trừng phạt” này.
3 Thói quen đăng nhập đơn giản
Đây có lẽ là lý do mà nhiều người chơi tại Việt Nam hiện nay cũng hay vịn vào khi được hỏi vì sao không lựa chọn DotA 2. Như đã biết, muốn truy cập vào DotA 2 thì bắt buộc phải có tài khoản Steam và cài chương trình Steam (dùng quản lý các game được phân phối bởi Valve) vào máy. Đối với game thủ tại nhiều quốc gia đã quen với mua game bản quyền, phương thức này không có gì mới lạ.
Nhưng ở các nước chuyên chơi DotA qua Garena thì phải chuyển sang DotA 2 thật sự là một cực hình mà chẳng ai muốn thử. Nào là phải trải qua nhiều thủ tục khi đăng ký tài khoản, rồi phải cài Steam, rồi chờ tải DotA 2,...Nói cách khác, cách quản lý sản phẩm của Valve chưa thể làm hài lòng một bộ phận game thủ DotA vì nó thật lằng nhằng, rắc rối.
4 Thói quen sử dụng gà quá nhiều
Bottle crowing là thao tác được áp dụng cho nhiều hero trong DotA, nó có nghĩa là bạn sẽ dùng gà/chim (tức courier) đưa bình (bottle) về nhà để sạc lại trước khi quay trở ra chiến trường. Điều đó giúp cho người chơi có thể trụ đường lâu dài vì không phải mất thời gian về nhà chờ hồi phục máu hay mana. Tuy nhiên một vấn đề phát sinh là có một (hoặc nhiều hơn) thành viên trong đội quá ham mê bottle crowing mà không cho đồng đội dùng courier để vận chuyển trang bị.
Khi giữa 5 thành viên có sự phân chia rõ ràng về vai trò, không phải chiến hữu kiểu giấu mặt trong các phòng chơi dạng public thì vấn đề trên khá khó xảy ra. Thế nhưng đối với những trận “vui là chính”, hầu như mọi người đều tỏ ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân và từ đó, chiếm giữ luôn quyền điều khiển courier. Thực tế, tình trạng này đã có từ DotA chứ không phải đợi sang đến DotA 2 thì nó mới bùng phát.
5 Thói quen về hình ảnh
Lý do này có vẻ ngược đời và ngớ ngẩn vì DotA 2 được phát triển trên engine Source nổi tiếng của Valve. Vì vậy mà chất lượng đồ họa trong game đương nhiên sẽ vượt trội hơn nền tảng Warcraft III cũ kỹ từ Blizzard. Ấy vậy mà vẫn có vô số người chơi cảm thấy không hài lòng về hình ảnh trong DotA 2.
Theo họ cách tạo hình nhân vật, khung cảnh xung quanh cho tới hiệu ứng kỹ năng đã đánh mất đi cái “chất” rất riêng ở DotA. Mặt khác engine Source cũng làm cho DotA 2 trở nên kén chọn hơn khi buộc game thủ phải đáp ứng các yêu cầu về cấu hình máy để có thể trải nghiệm một cách trơn tru, không bị giật hình hay tệ hơn là treo cứng khi bước vào giao tranh.