Dù còn mắc phải nhiều khuyết điểm, nhưng Strife đã can đảm đưa ra nhiều sự thay đổi để không tiếp tục trở thành một sản phẩm mang tính sao chép hay rập khuôn.
Sau DotA rồi đến Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) và DotA 2, phong trào game MOBA (hay A-RTS) đang bước lên thời kỳ đỉnh cao của mình khi bao phủ toàn cầu, trở thành trò chơi ưa thích của nhiều lứa tuổi. Trên cơ sở này, hàng loạt sản phẩm mới đua nhau ra đời hòng chiếm lấy vị trí trên bản đồ MOBA thế giới. Tuy nhiên điểm yếu mà nhiều game đang mắc phải là không có sự thay đổi đáng kể nào về lối chơi, có chăng chỉ đưa vào cốt truyện mới, diện mạo tướng mới để che mắt người chơi. Với vai trò dự án then chốt của S2 Games, Strife tự tin sẽ thoát ra khỏi vết xe đổ này và hoàn thành mục tiêu “MOBA thế hệ thứ hai” của mình bằng hàng loạt đổi mới rất đáng giá.
Một lối chơi không còn rập khuôn
Về cơ bản, Strife vẫn giữ cấu trúc thường thấy ở thể loại MOBA, đó là bản đồ với 2 căn cứ nằm chéo nhau, kết nối bằng 3 lane và mục tiêu của mỗi phe là cố gắng phá vỡ nhà chính đối phương. Mỗi người chơi sẽ chọn cho mình 1 vị tướng, sau đó farm quái, giết tướng địch để kiếm tiền lên trang bị gia tăng sức chiến đấu. Tất nhiên, mỗi bên vẫn có 5 người và đòi hỏi sự phối hợp ăn ý để lấn lướt đối phương, tiến đến chiến thắng sau cùng. Nhưng không phải chi có vậy, đằng sau Strife là hàng tá thay đổi thú vị đã được S2 Games thêm thắt vào sau nhiều năm nghiên cứu thị trường MOBA thế giới.
Đầu tiên nhiều người chơi đã không khỏi cảm thấy hụt hẫng khi thấy danh sách tướng của Strife chỉ vỏn vẹn có 14 cái tên. Đây vốn là điều hiếm thấy ở thể loại này bởi hầu hết game đều sở hữu dàn tướng rất lớn, lên đến con số hàng trăm. Số lượng tướng ít ỏi như vậy sẽ khiến game thủ nghĩ rằng lối chơi trong Strife kém đa dạng. Thực chất, đây chính là ý định của NSX để giúp game dễ dàng tiếp cận với nhóm người chơi mới, vốn chưa có kinh nghiệm tìm hiểu tướng, tạo điều kiện cho họ nắm bắt game chỉ trong thời gian ngắn. Đồng thời sự biến hóa trong cách lên đồ sẽ giúp một tướng đảm nhận được nhiều vai trò khác nhau, thay vì chỉ gắn liền một tướng với một vai trò cố định như hỗ trợ, sát thương vật lý, pháp sư, đi rừng,...
Tiếp theo sau đó là tính năng tự động chia sẻ vàng giữa các thành viên trong đội, nhằm loại bỏ tình trạng nhường last hit hay phân hóa giàu nghèo (tướng chính rất giàu còn hỗ trợ rất nghèo) thường thấy. Bằng cách này, cho dù là ai last hit thì cả 5 người đều nhận được vàng, tạo điều kiện để lên đồ dễ dàng hơn. Bạn có thể dựa vào đó để đẩy mạnh quấy rối đối phương mà không sợ “thọt” vàng, tuy nhiên nó cũng làm giảm đi sự thách thức trong việc làm chủ lane và đẩy Strife về hướng MOBA mang tính giải trí nhiều hơn.
Thu nhỏ kích thước bản đồ, rút ngắn khoảng thời gian chuyển lane là cách mà Strife cổ động người chơi nên gank nhiều hơn, thay vì cắm đầu vào farm quái. Như vậy, thay vì trải nghiệm các trận combat nhịp độ nhanh thì người chơi sẽ tìm thấy sự mới mẻ với hàng loạt pha đảo đường, gank liên tục trong Strife.
Ngoài các trang bị thông thường, Strife còn để game thủ gia tăng thêm sức mạnh bằng tính năng cường hóa, cho phép cộng thêm một số dòng phụ trợ vào món đồ, ví dụ như thêm dòng cộng sinh lực vào trang bị gây sát thương. Tuy nhiên, cũng sẽ có các giới hạn để tránh việc người chơi ép thuộc tính cộng thêm tràn lan. Cùng với đó là hệ thống pet độc đáo lần đầu tiên xuất hiện. Với 9 level cùng 3 bậc tiến hóa, pet sẽ hỗ trợ người chơi rất nhiều bằng cả kỹ năng bị động lẫn chủ động. Mặt khác, cùng tùy theo loại pet được lựa chọn mà bạn có thể thay đổi lối chơi của mình trong trận đấu và thử nghiệm những cách phối hợp khác nhau.
Hình ảnh sống động
Bầu không khí trong Strife khá sôi động và tràn đầy sức sống, thể hiện qua cách thiết kế từng khu vực trên bản đồ. Lấy ví dụ như các khoảng rừng được thiết kế với những tông màu khác nhau để tôn lên nét đặc trưng. Về phần mình, các nhân vật trông khá vui nhộn với phong cách hoạt hình chứ không còn “hầm hố” như người anh Heroes of Newerth. Song song đó, học thêm những game MOBA hiện nay thì Strife cũng cho phép game thủ tùy biến nhân vật bằng cách mua sắm thêm trang phục.
Góc quay camera là một vấn đề đáng chú ý trong Strife. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy rất bực bội vì không thể theo dõi một vị trí trên bản đồ, vì khi click chuột ra đâu đó thì camera sẽ tự động quay trở về nhân vật sau vài giây. Người chơi có thể khắc phục tình trạng này bằng cách bấm phím L (trong phiên bản mới thì góc nhìn mặc định sẽ không còn bị khóa).
Đừng so sánh quá nhiều khi chơi Strife
Những nỗ lực mà S2 Games gởi gắm vào Strife sẽ trở nên vô nghĩa khi bạn trải nghiệm trò chơi này dưới góc nhìn của một game thủ DotA 2 hay LMHT. Bản thân Strife có những nét riêng của nó và mong muốn được cộng đồng ghi nhận như một sản phẩm độc lập, chứ không phải vay mượn hay rập khuôn DotA 2, LMHT để dễ bề tiến thân. Suy nghĩ ấy sẽ trở thành rào cản lớn mỗi khi bạn muốn tìm kiếm một bến đỗ khác cho mình, vì cứ hay so sánh với game cũ mà vô tình quên đi cái hay trong game mới.
Vẫn còn quá sớm để Strife trở thành một điểm sáng trên đấu trường eSports. Do đó ở thời điểm hiện tại, bạn nên tận hưởng trò chơi này như một lựa chọn mang tính giải trí, tìm thấy chút niềm vui sau một ngày làm việc mệt mỏi chứ không nhất thiết phải quyết hơn thua cho bằng được hay tìm cách phô diễn kỹ năng cá nhân điêu luyện. Thực tế, Strife được đánh giá là thích hợp với người mới tiếp cận thể loại MOBA hơn là những ai đã thông thạo dòng game này. Hãy tạm gác sang một bên kinh nghiệm hay so sánh, cân đo đong đếm với các game mình đã thửu qua mà bước vào Strife như một kẻ tập sự và từ đó tìm thấy nhiều niềm vui, sự hứng thú mới cho mình.
Trang chủ: http://strife.playpark.com/