Vừa qua, Flappy Bird đã chính thức sống lại sau 6 tháng “ngủ đông”, kể từ khi Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ tựa game ăn khách này ra khỏi 2 kho ứng dụng cho iOS và Android với lý do game quá gây nghiện.
Với lần trở lại này, Flappy Bird có nhiều điểm khác biệt như đổi tên thành Flappy Birds Family, với hàm ý ám chỉ tính năng multiplayer mới được tích hợp khi cho phép người chơi so tài với nhau xem ai ghi được điểm số cao hơn.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ nhất lại đến từ việc “chim điên” được cung cấp trên chợ ứng dụng Amazon Appstore và chỉ tương thích với thiết bị set-top TV của Amazon là Fire TV.
Theo đó, thay vì quay trở lại 2 nền tảng smartphone Android hay iOS với lượng người dùng đông đảo, Flappy Birds Family lại có màn chào sân trên một thiết bị chỉ vừa mới được ra mắt vào hồi đầu tháng 4. Lý giải về quyết định đưa game lên Fire TV, Nguyễn Hà Đông cho hay, đây sẽ là thiết bị tốt nhất để chia đôi màn hình và giúp người chơi giải trí với bạn bè, người thân trên chiếc TV quen thuộc.
Lời giải thích này nghe qua thì có vẻ thuyết phục nhưng nếu xét kĩ, người được hưởng lợi nhiều nhất ở đây không ai khác chính là Amazon. Với việc sở hữu độc quyền Flappy Bird, Fire TV sẽ thu hút được không ít sự chú ý của người dùng trong “trận chiến khốc liệt” với những sản phẩm cạnh tranh như Apple TV, Roku hay Chromecast.
Bên cạnh đó, nhờ vào việc được độc quyền phân phối Flappy Birds Family, kho ứng dụng Amazon AppStore vốn không phổ biến bằng Google Play hay Apple AppStore nay sẽ có 1 cơ hội trời cho để thu hút thêm một lượng khách hàng đáng kể. Nói đơn giản, Flappy Birds Family giống như “một mũi tên trúng 2 đích”, mang lại lợi ích kép cho Amazon.
Trước đó, vào trung tuần tháng 3 năm nay, báo chí đều đồng loạt đưa tin về sự kiện Nguyễn Hà Đông dự tiệc trên du thuyền tại Mỹ với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo cao cấp của Amazon, Facebook, King tại Hội thảo Internet di động toàn cầu.
Rất có thể đại gia bán lẻ trực tuyến này khi đó đã tiếp xúc và ngỏ lời với Hà Đông về một thương vụ hợp tác giữa đôi bên. Nhiều khả năng, Amazon đã phải chi ra một số tiền khá “đậm” để đổi lấy cái gật đầu của "cha đẻ" Flappy Bird. Chưa vội kết luận tính thật giả của sự việc nói trên, nhưng có một thực tế khó có thể phủ nhận, dường như khả năng để Flappy Birds Family xuất hiện trên những nền tảng khác ở thời gian sắp tới là không cao.
Nói cách khác, Flappy Birds Family gần như đã được "đo ni đóng giày" cho FireTV, tận dụng kích cỡ lớn màn hình TV để phục vụ cho tính năng SplitScreen (chia đôi màn hình), vốn không phù hợp với màn hình cỡ nhỏ của smartphone hay tablet. Sẽ không quá bất ngờ khi Amazon chắc hẳn đã có những tư vấn và tác động đáng kể lên Nguyễn Hà Đông trong quá trình nhào nặn để ra lò với phiên bản Flappy Birds Family.
Trên thực tế, sẽ rất khó để mang Flappy Birds Family (thực chất chính là một tựa game console) lên nền tảng smartphone, trừ khi phải loại bỏ tính năng "độc quyền" nói trên. Tuy vậy, khả năng người dùng Android và iOS nhận được một phiên bản Flappy Bird khác với những tính năng mới mẻ là điều vẫn có thể xảy ra.
Tất nhiên, đây đều là những suy đoán "trên giấy" khi bản thân Amazon không hề xác nhận bất kì thông tin nào về sự độc quyền của Flappy Birds Family. Dưới khía cạnh tích cực, “chim điên” hoàn toàn có cơ hội để trở thành “chim đẻ trứng vàng” cho Amazon trong tương lai. Ngược lại, đây cũng có thể là một canh bạc mạo hiểm khi cơn sốt Flappy Bird trong làng game thế giới đã hạ nhiệt đi rất nhiều so với thời điểm 6 tháng trước đây.