Game Đế Chế III đã giúp cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên Lịch sử trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) giảng dạy về trận chiến Cổ Loa.
Lịch sử không phải môn học "dễ nhằn" đối với nhiều game thủ. Tuy nhiên, nếu kết hợp việc giảng dạy các trận chiến qua game chiến thuật dạng Đế Chế thì chắc chắn hiệu quả sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Đó cũng là phương pháp cô giáo Kim Minh – người giáo viên có niềm đam mê bất tận với môn Lịch sử áp dụng vào bài giảng của mình.
Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói truyền cảm, nụ cười hiền luôn khiến người đối diện cảm thấy ấm áp và tò mò trong mỗi câu chuyện kể của cô và quan trọng nhất, cô Kim Minh cho rằng người giáo viên phải luôn đổi mới cho phù hợp với mỗi tình huống bài giảng. Đó cũng là lý do mà suốt 20 năm đứng trên bục giảng, cô Kim Minh đã thổi hồn vào những sự kiện lịch sử, khiến học sinh của mình không "học vẹt" mà để học sinh tự nhập vai, phân tích và nhìn nhận.
Cô Minh không chỉ khiến học trò yêu mà còn khiến học trò phục. Không bài xích game như rất nhiều thầy cô giáo, với những game thủ hơi mải chơi, cô luôn nhỏ nhẹ đề nghị: "Con đang chơi trò gì bày cho cô với?". Thế là trò bày cho cô chơi game Đế chế III. Chơi xong cô đã nảy ra ý tưởng đưa hình ảnh của game vào giảng dạy bài trận chiến Thành Cổ Loa, giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn, tạo sự hứng thú.
"Bài giảng ấy gần suốt cả cuộc đời đi dạy mình chưa một lần thành công. Mình đã đổi hàng chục phương pháp nhưng lần nào cũng thất bại, không thể đưa câu chuyện lịch sử ấy đến được với học trò", cô Minh nói. Sau cả năm trời mày mò, từ mò học tiếp xúc với hàng loạt ảnh ingame đến mày mò ghép cảnh, dựng bài giảng, có khi bí quá cô gọi điện ra Hà Nội nhờ bạn bè giúp đỡ về mặt kỹ thuật. Năm 2011, đề tài "Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng" của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Nhưng cô Minh bảo: "Niềm vui lớn nhất của mình không phải là giải thưởng mà là sự thích thú của học sinh sau giờ học môn Lịch sử".
Cũng với ý tưởng dùng ảnh ingame để mô phỏng các trận chiến, đề tài về bài dạy Nghệ thuật chiến tranh trên sông Bạch Đằng của cô cũng vừa đoạt giải ba hội thi sáng tạo ngành giáo dục thành phố. Học trò của cô cũng nhờ đó đạt được những thành tích đáng nể như em Linh Chi - một học sinh giỏi toán đoạt giải học sinh giỏi môn Sử; em Vinh, Dương…và mới đây nhất em Nhật Lệ đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic môn Lịch sử toàn quốc và đang chuẩn bị dự thi Olympic quốc tế.