Có những kỷ niệm cực kỳ khó quên khi chúng ta chơi game từ thời "những ngày xưa yêu dấu ấy".
Vào thời đại game phát triển mạnh mẽ như ngày nay, với hàng loạt thiết bị tiện dụng như điện thoại, máy chơi game cầm tay, máy tính,... điều kiện chơi game của chúng ta đã được cải thiện hơn xưa rất nhiều. Và khi đã dễ dàng chơi game bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu, những game thủ chúng ta lại nhớ đến những kỷ niệm “dở khóc dở cười” của ngày xưa thơ ấu.
Cúp điện đột xuất
À há, căn nhà đột nhiên chìm trong bóng tối, và các game đang chơi cũng chìm luôn vào bóng tối. Nếu chỉ mới bắt đầu chơi thì không sao, cùng lắm chỉ lãng phí tâm huyết trong vài phút. Nhưng nếu bạn đang chơi được vài tiếng, khi chuẩn bị save game mà xảy ra sự cố mất điện, thì lúc đó chỉ có thể tự trách: "Sao số mình quá nhọ".
Trong thực tế, ngoài việc mất điện do nhà đèn thì sơ suất của người khác (như vướng dây, hoặc thậm chí rút phích cắm) cũng là một trong các điều kiện dẫn đến "tấn bi kịch" này. Ngày nay, với việc chơi game trên di động hay máy cầm tay thì: "Mất điện thì kệ nó, ta vẫn cứ chơi".
Huynh đệ tương tàn
Có lẽ, khi chơi game cùng nhau là một trong những lúc mọi người dễ bộc lộ bản chất nhất. Mâu thuẫn, tranh chấp là thứ dễ xảy ra như cơm bữa. Nhẹ thì tranh giành máy chơi game, nặng thì chơi game chung nhưng không ăn ý, dẫn đến "kéo màn hình" chết oan.
Tình trạng này thường thấy nhất ở anh em trong nhà hay bạn bè là cùng rủ nhau ra tiệm game bấm máy SNES hay PlayStation. Căng thẳng, giận dỗi, chửi bới, hay thậm chí đánh nhau chỉ vì những lý do hết sức nhảm trong game. Đôi khi cũng "đau đớn" (đúng nghĩa đen) đấy, nhưng vẫn là những kỷ niệm khó phai mà ngày nay rất hiếm khi gặp, khi mà nhiều "bằng hữu" trong game của chúng ta chỉ là những nhân vật ảo trên màn hình.
Nút điều khiển hư, linh kiện bị mất
"A, không có nút khinh công, cũng không có nút quyền cước, tôi làm sao giết boss? Làm sao né tránh khẩn cấp được? Làm thế nào? Không có à? Làm thế nào để chơi trò chơi này?". Những điều này thường xảy ra ở một số trung tâm trò chơi có quy mô nhỏ với những máy chơi game ít được kiểm tra, nhiều linh kiện bị mất mà không biết.
Số tiền xu bỏ ra để chơi đôi khi là cả tài sản của chúng ta lúc đó, vậy mà sau khi cắn răng nhét xu vào máy lại bị máy "bán hành" vì không đủ nút. Thật là vô cùng đau đớn.
Phụ huynh tìm đến phòng game
Trong mắt bố mẹ, trò chơi điện tử là thứ "ma quỷ" đáng sợ đang lôi kéo con mình vào con đường tội lỗi. Suy nghĩ này thực ra vẫn chưa hề thay đổi sau ngần ấy năm, nhưng ngày xưa, cường độ "căm ghét" trò chơi điện tử của bố mẹ cao hơn bây giờ khá nhiều. Mỗi lần trốn bố mẹ ra tiệm game chơi là một hành trình thực sự ẩn chứa đầy rủi ro, nguy hiểm.
Không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh bố mẹ bạn bè vào phòng game để nắm tai lôi con mình về, và đó có vẻ vẫn nhẹ nhàng hơn so với nhiều "thước phim" bạo lực khác mà trong đó, tôi từng là... diễn viên chính.
File save biến mất
Vào một ngày đẹp trời nào đó đột nhiên dữ liệu chơi game của bạn biến mất như chưa từng tồn tại? Thực ra, lý do rất đơn giản, đó là vì trò chơi chủ yếu sử dụng một bộ pin để nhớ dữ liệu, chỉ là do hết pin nên tất cả các thông tin sẽ bị mất.
Nếu chỉ có một số nhân vật chiến đấu được lưu trữ trong trò chơi thì không quan trọng, nhưng nếu đó là file save của một game nhập vai biến mất, việc nạn nhân làm ra bất kỳ hành vi quá khích nào cũng hoàn toàn dễ hiểu. Đối với các trò chơi máy tính, việc một người nào đó xóa file save trước của bạn cũng không có gì là mới mẻ nữa.
Máy chơi game nổ
Sau khi dành dụm suốt một thời gian dài, bạn đã “rinh” được chiếc máy chơi game mơ ước về nhà. Thế nhưng, khi bạn đang hết sức phấn khởi hồi hộp cắm điện vào nguồn và mở lên thì bùm một tiếng, chiếc máy mới toanh bốc lên mùi khét, còn bạn sực nhớ ra là không thể cắm máy trực tiếp vào nguồn điện 220V.
Toàn bộ tài sản và ước mơ nhanh chóng tan vỡ, kèm theo đó là sự hoang mang cùng trận đòn của ba mẹ. Đặc biệt, khi bạn giấu diếm ba mẹ để dành tiền mua máy chơi game.