Nhưng đó là các tựa game đã ra đời từ rất lâu chứ không phải "bom tấn" đang ăn khách nhất hiện nay.
Theo lời kể của Andy Baio sống tại thành phố Portland (Mỹ), anh cho biết trong suốt 10 năm qua đã buộc con trai của mình là Eliot phải chơi game, nhưng không phải bất cứ tựa game nào Eliot thích. Ông bố này bắt cậu phải bắt đầu từ những trò chơi sơ khai nhất như Galaxian (1979) hay còn được biết đến qua cái tên "bắn ruồi". Đó là khi cậu bé lên 4 tuổi. Sau đó, Andy tiếp tục giới thiệu Rally-X (1980), Bosconian (1981), Dig Dug (1982), Pac-Man (1980), Super Pac-Man (1982), Pac-Man Plus (1982), Pac & Pal (1983). Tiếp đến là Atari 2600, NES, SNES,... Hành trình khám phá thế giới game của Elitot được ông bố của mình đặt ra một cách rất nghiêm ngặt và chỉ dừng lại cho đến các tựa game ra mắt năm 2004 (Katamari, Shadow of Colossus).
Để Eliot học cách cảm nhận một tựa game hay là như thế nào, Andy cho biết: "Việc tiếp xúc với những tựa game sơ khai có đồ họa rất xấu từ sớm khiến cho cậu bé không còn bị phụ thuộc vào yếu tố hình ảnh hào nhoáng, thứ dễ dàng tìm thấy nhan nhản ở các bom tấn AAA ngày nay. Nhờ đó, Eliot có thể tập trung thưởng thức gameplay và yêu thích những hình ảnh cũ kĩ như một nét độc đáo riêng."
Bên cạnh đó, Andy cho biết nhờ chơi qua các trò chơi cũ - hầu hết đều cực kỳ khó nên cậu con trai của mình cũng phát triển được kỹ năng chơi rất tốt. Anh thường xuyên khoe thành tích của Eliot trên Twitter như phá đảo Zelda mà không cần trợ giúp, đạt đến màn 5 của Pac & Pal.
"Tôi hy vọng thử nghiệm này sẽ khiến Eliot biết cách thưởng thức những tựa game cũ cũng như indie có quy mô nhỏ tốt hơn" , Andy nói về mục đích của mình. Đúng vậy, không hề có ẩn ý sâu xa nào trong việc buộc con trai phải đi lên từ những tựa game cũ, ông bố này chỉ đơn thuần muốn cậu nhóc của mình trở thành một game thủ chân chính mà thôi.