Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, làng game Việt đang cần có những bước chuyển biến sâu sắc để thích ứng tốt hơn với xu thế phát triển của ngành công nghiệp game thế giới. Nhưng đằng sau đó là lắm thứ để băn khoăn.
Chung tay phát hành
Giấc mơ này lẽ ra là sự thật tất yếu cho một ngành sản xuất đại trà và tân tiến như công nghiệp game tại Việt Nam, và cũng đang diễn ra với nhiều dạng thức ở các cường quốc “online”. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều đơn vị làm game đã chấp nhận chung tay sản xuất và phát hành nhất. Hiệp hội doanh nghiệp game Trung Quốc chính là cầu nối cho vấn đề này, khi thông qua họ, các doanh nghiệp sẽ cùng tiệm cận tốt hơn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiệp hội game Trung Quốc có quyền đại diện cho các NSX để hợp tác tung các sản phẩm dán nhãn hiệp hội ra thị trường. Mặc định của nước này là chỉ cần có chứng nhận của hiệp hội, coi như game có bản quyền. Vì thế, số lượng doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ cơ hội phát hành rất lớn.
Hơn nữa các studio game tại Trung Quốc cũng tự động liên thủ với nhau để có các hệ thống dữ liệu âm thanh, hình ảnh chung, có thể tự ý dùng chung, lắp ghép vào các cốt truyện riêng để tạo nhiều sản phẩm. Cho nên sẽ không có gì lạ khi khối lượng game sản xuất ở nước này cực hơn, mà hình ảnh đồ họa, tiết tấu nhân vật, bản đồ lại giống nhau rất nhiều.
Bỏ qua sự tiêu cực của hiện tượng cùng phát hành này, các nhà làm game Việt đã cần phải nghĩ lại vì sao ngành công nghiệp game Việt “còi cọc”? Phải chăng vì tình cảnh “mạnh ai nấy sống” xưa nay, các doanh nghiệp khó tìm được tiếng nói chung để cộng hưởng đưa ra các sản phẩm mang dấu ấn toàn cuộc? Một doanh nghiệp phát hành game Hà Nội than thở: “Số lượng doanh nghiệp game Việt đã ít, lại còn đấu đá kèn cựa không ngừng, nào đả kích sản phẩm, nào phá giá thương mại. Ngay cả những game được nhiều sự đồng thuận nhất, cũng có những sự chống phá từ đơn vị này kia. Vậy biết đến bao giờ, các doanh nghiệp game Việt mới ngồi lại chung bàn để nghĩ đến việc cộng tác?”
Một biểu hiện khá tích cực gần đây trong làng game Việt, nhằm lôi kéo sự phát triển chung là VNG đã 2 lần tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm game với giới làm game (OGDC). Song đáng tiếc, hầu như lần nào, doanh nghiệp này cũng phải tự bươn chải triển khai mà chưa có các đơn vị ngang hàng cùng ngành tích cực tham dự. Thậm chí nhiều người còn nhìn rất tiêu cực rằng hoạt động của VNG chỉ là chiêu bài PR. Giấc mơ chung tay phát hành game của làng game Việt, rõ ràng sẽ còn rất xa, xa lắm mới thành hiện thực.
Chia sẻ thành viên
Phía sau các sự kiện hội thảo OGDC, còn một vấn đề được đặt ra mà ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc doanh nghiệp từng nhấn mạnh. Đó là thái độ chia sẻ thành viên, chia sẻ cơ hội phát triển cộng đồng với nhau, giữa các đơn vị làm game trong nước.
Một NPH khác nhìn nhận: “Vì sao chúng ta có thể hợp tác với nhà phát hành bên ngoài để mua 1 game về làm ăn, mà không thể ngồi lại ở bên nhau để tìm cách kiếm những hợp đồng chia sẻ cơ hội?”. Câu hỏi này gần như có ngay đáp án từ thực tế đang cạnh tranh, thậm chí dùng thủ đoạn bôi nhọ nhau của một số NPH trong nước. Khi có game mới ra đời, hầu như luôn tồn tại một làn sóng dư luận tiêu cực, để tác động giảm đi sự thuận lợi trên thị trường.
Khúc mắc hơn nữa, đa số doanh nghiệp làm game Việt không có được thái độ cầu thị, cùng xây dựng hệ cộng đồng tốt hơn từ các game thủ hiện hữu. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc có những sân chơi, mà lớn nhất là triển lãm game China Joy hàng năm để cùng nhau quy tụ cộng đồng, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế thì đa số doanh nghiệp làm game Việt lại rất thờ ơ với các yêu cầu gắn kết, cùng thu hút xã hội và người chơi game vào một sự kiện chung.
Tâm lý “đã chơi game tôi thì là của tôi” trong thái độ phân chia thị trường của các NPH Việt Nam, đã dẫn đến sự rời rạc giữa các thành viên làm game và giữa cộng đồng người chơi với nhau. Không ai dám đứng ra để thực hiện những kêu gọi, vận động chia sẻ thành viên với nhau, tạo sức mạnh đoàn kết để đối mặt những sự việc thông tin làng game bị bóp méo, bị hiểu sai một cách cực đoan về bản chất.
Mơ ước có được những triển lãm game to lớn, mạnh mẽ và uy tín cho làng game Việt, cũng chính là các diễn đàn chia sẻ những thành viên chơi game, xem ra còn quá xa vời.
Chủ động phát triển
Liền sau thực tại thiếu liên kết gắn bó của các nhà làm game chính là trách nhiệm lớn lao của các nhà quản lý, phải là đầu mối xâu chuỗi hoạt động đầu tư của các đơn vị trong làng game và chỉ đạo đàm phán, xóa tan những hiềm khích cục bộ để xây dựng 1 thị trường chung trong sạch, chất lượng. Tuy nhiên, theo các NPH nhìn nhận, vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa vai trò định hướng chủ đạo của các nhà quản lý với thực trạng hoạt động làng game Việt lâu nay. Nổi cộm nhất là sự bất cập giữa yêu cầu phát triển mau lẹ của thị trường so với tư duy của đơn vị quản lý.
Ai cũng thấy, thực trạng hoạt động ngành game Việt hiện nay vẫn bị xã hội bài xích, có những đánh giá thiên lệch ôm đồm, thậm chí quy tội nặng nề đều có liên quan đến công tác quản lý vẫn chưa thật sự cởi mở, công tác tuyên truyền vận động chưa xác định rõ trọng tâm trách nhiệm đồng hành với các doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp làm game lại phải tự “bơi” giữa thị trường, còn chưa được cập nhật đủ các thông tin quy định, lề lối an toàn mà phát triển.
Đặc biệt các kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp làm game, như dự án tài chính, các cơ hội xúc tiến ngành game với tư cách phân mảng phần mềm, thuộc lĩnh vực ứng dụng CNTT nước nhà lại đang bị bỏ rơi, quá thiếu và xa lạ. “Bao giờ chúng ta mới có được các sản phẩm game Việt chính quy, được tôn vinh trang trọng?”. Câu hỏi này đã đặt ra từ lâu và đã được nhiều nhà phát hành nhìn nhận: "Khi nào các doanh nghiệp có thể chủ động ra sản phẩm không cần duyệt cấp phép chi tiết, tự chịu trách nhiệm lấy về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng, thì sức sáng tạo của mỗi đơn vị mới có thể phát huy trọn vẹn."
Giấc mộng có được những nhóm sản phẩm game phục vụ người Việt bằng chính trí tuệ người Việt, phải chăng vẫn bị chính điều kiện hoạt động của cộng đồng game Việt kìm hãm đến xa vời?
Kiến tạo tài năng
Giấc mơ cuối cùng của làng game Việt, là giấc mơ đáng buồn nhất, là khi nào hệ thống giáo dục Việt Nam mới chấp nhận cập nhật hẳn vấn đề đầu tư nhân lực ngành game vào hệ thống chuẩn mực chung. Cho đến nay, có thể nói chính với ngành đào tạo nhân lực phần mềm Việt Nam, vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng về đào tạo làm game, lập trình các phần mềm có tính ứng dụng gần gũi với thị trường game.
Phải nói rằng, do nhu cầu thị trường phát triển, hiện nay làng game Việt đã có được một số trường tư thục, một số trung tâm đào tạo nhân lực ngành IT có quan tâm triển khai hợp tác đào tạo nhân lực nhu liệu liên quan đến game, và có cả nhân sự làm game. Một số studio game cũng được nhiều công ty game quan tâm đầu tư, với mục tiêu xây dựng đội ngũ lập trình viên ngành game chuyên nghiệp. Không ít đơn vị IT về đào tạo game cũng đã ngấp nghé ra đời, mơ tạo dựng thành những tổ chức đào tạo game nghiêm túc.
Hơn nữa, như ghi nhận từ chính Hội Tin học Việt Nam về sự kiện kỹ sư Hà Đông tạo nên cơn sóng Falppy Bird, làng game Việt không thiếu người tài, không thiếu những trái tim nồng nhiệt và cái đầu tỉnh táo để làm nên các sản phẩm vượt trội chốn thương trường. Thực trạng không mấy vui, là những con người ấy, những cơ hội ấy, đang bị chính thị trường vùi lấp, mà nền tảng là họ không có được những trang bị kiến thức chuyên biệt về lĩnh vực game ngay từ đầu.
Thắc mắc như thế, song liệu Việt Nam khi nào sẽ có được một trường đại học chuyên về làm game, như Hàn Quốc, Singapore đã có? Làng game Việt sẽ có ngày đầy ắp những con người nhiệt huyết và trình độ về làm game, tự hào xưng ra chức phận với mọi người trong xã hội mà không sợ bị kỳ thị nghi ngờ? Những câu hỏi ấy, hóa ra lại vẫn treo lơ lửng, đầy tính nghi hoặc với chính các đơn vị làm game, những đội ngũ quản lý điều hành game, và cả với chính mạng lưới truyền thông về game hiện nay.
Rõ ràng với 4 giấc mơ hão huyền trên, làng game Việt đang đối mặt rất nhiều thách thức, để có thể công nhiên được tạo mọi điều kiện hoạt động tốt nhất, thuận lợi giữa bối cảnh kinh tế thị trường tự do. Các doanh nghiệp làm game cần có thêm nhiều dũng khí, để từng bước hiện thực hóa 4 ước mơ tưởng như là sự thật này. Con đường ấy của làng game Việt, vì thế xem vẫn hư ảo như chính không gian ảo đầy sáng tạo của thế giới game.