MOBI
Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Đôi khi game lại là thiên đường, là nơi vui chơi giải trí mà bọn trẻ muốn tìm đến sau những giờ học tập, lao động mệt nhọc ở khu lao động nghèo khó, bần cùng này!

Do hoàn cảnh, miếng cơm manh áo mà nhiều hộ gia đình ở khắp các tỉnh thành xa xôi đã di cư vào Nam sinh sống lập nghiệp. Đối với họ miền đất Sài Thành phồn hoa như là một nơi cho họ được "bán công, bỏ sức" hòng cải thiện bữa cơm, mức kinh tế của gia đình. Theo đó mà những đứa trẻ nhỏ cũng phải bỏ làng bỏ xóm, bỏ con trâu, cánh diều, bỏ cả tuổi thơ và chúng bạn nối khố để theo chân ba mẹ di cư vào miền đất hứa, một miền đất xa xôi và đầy lạ lẫm đối với chúng. Và theo ghi nhận của Playpark.vn thì hiện tại ngoài trung tâm Sài Gòn ra thì đa phần những hộ dân tứ xứ thường tập trung đông đúc tại những khu vực ngoại thành, gần các khu nhà máy, xí nghiệp, chợ búa để tiện bề sinh hoạt cũng như mần ăn!

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Và người có điều kiện một chút thì thuê những phòng trọ sạch sẽ, có nước máy đề dùng với mức giá giao động từ 600k~1tr2 VNĐ/tháng. Người khó khăn hơn thì tụ tập ở chung với nhiều hộ gia đình khác tại những gầm cầu, sông nước, bờ kè. Từ đó họ dựng lên những khu nhà ở tạm bợ, lều chõng hòng có nơi ngả lưng sau những giờ lao động mệt nhoài. Dần già những nơi như vậy người ta gọi là khu dân cư lao động nghèo, với mỗi người mỗi nghề, từ công việc ổn định ở những nhà máy, xí nghiệp, công ty cho đến những việc lam lũ như đi phụ hồ, bốc vác, chạy xe ôm, thu gom ve chai phế liệu hay buôn này bán nọ mà đa phần là đồ ăn hoặc trái cây...v...v...

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Tuy nhiên điều mà Playpark.vn muốn xoáy vào ở đây không phải là hoàn cảnh kinh tế, sự cơ cực mưu sinh nơi họ mà là vấn đề giải trí, sinh hoạt của những đứa trẻ con trong khu lao động nghèo này! Và tôi đã dành vài ngày để đi thực tế tại những khu vực ngoại thành ở những thành phố, quận huyện đang trên đà phát triển như Quận 9, Quận 2, Đồng Nai, Bình Dương, Long Thành...v...v...Thì đâu đó vẫn bắt gặp cảnh những đứa trẻ theo ba theo mẹ đi bán vé số hay phụ bán quán nước, đẩy xe hàng rong trong cái nắng trói trang. Rồi sau những chuyến đi mệt nhọc đó chúng lại về nhà tụ tập vui chơi, trò chuyện hồn nhiên với nhau như cái tuổi mới lớn đầy mơ mộng của chúng. Song có điều ở đây, tại những nơi như thế này thì khoảng trời bình yên dành cho chúng là quá ít ỏi.

Không còn bãi đất trống, hàng cây che bóng mát mà thay vào đó là những tòa nhà cao tầng, những quán ăn, cửa hàng, khu nhà ở cứ nối dài san sát nhau. Cũng không còn những bờ đê, con sông nối dài mơ mộng nữa mà chỉ toàn là đường xá, xe cộ đi lại tấp nập. Cho nên chúng muốn có một sân chơi, một nơi để thả hồn bay lượn cũng rất khó tìm. Đó là chưa kể một số khu vui chơi, giải trí công cộng tại những khu dân cư thành thị hay công viên luôn kì thị, đuổi chúng mỗi khi thấy mặt. Bởi đa số người dân ở đây luôn cho rằng lũ trẻ này là bọn xấu, thất học nên dễ làm những việc hư hỏng như trộm cắp, đánh nhau, chửi thể,...v...v..Cứ thế mà ngày qua ngày chúng bơ vơ, lạc lõng giữa khu phố xá tấp nập dòng người qua lại.

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Tôi mon men tiếp súc với Nam - một cậu nhóc 14 tuổi, sống ở Q9 thì được biết những đứa trẻ ở đây không phải đa số đều thất học. Có đứa vẫn đi học ở trường bình thường, còn giờ rảnh thì ra phụ giúp ba mẹ kiếm thêm chút ít tiền hoặc trông em, coi nhà còn không thì sẽ đi học bổ túc, phổ cấp vào buổi tối sau những giờ làm việc ban ngày. Rồi khi được tôi hỏi rằng tụi em sống ở đây thường chơi gì, đi đâu? Cậu ta bẻn lẻn đáp: "Đi chơi game anh ơi, chứ biết làm gì giờ!".

Rồi tôi hỏi thêm sao tụi em không đi đá bóng, không tụ tập chơi những trò chơi như hồi ở thôn quê ấy. Cậu nhóc lúc này nhăn mặt, phì cười: "Anh cứ trêu em, anh thử nhìn xung quanh đây xem có bãi đất hay sân bóng nào không để tụi em chơi bời? Còn đi loanh quanh ngoài đường, ghé những cây cầu, ngõ hẻm thì toàn bị người thì soi mói, đuổi đi không hà !".

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Im lặng, tôi không biết nói gì thêm và bảo với cậu nhóc rằng: "Thôi, em dẫn anh ra quán game mà tụi em hay tụ tập chơi đi". Và rồi tôi theo gót chân em đến một quán net bình dân, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ dài chừng 100m. Bước vào quán thì thứ đập vào mắt tôi là một bầu không khí ngột ngạt, đúng chất dân dã của những năm đầu 2000 mà có lẽ lâu lắm rồi tôi mới được tận mắt chứng kiến lại. Vẫn là những dàn máy tính có cấu hình vừa phải, những cái quạt trần gim tường cũ kĩ cứ thế phà phà hơi nóng, những chiếc ghế nhựa để ngổn ngang. Tuy nhiên điều đặc biệt ẩn chứa sau những hàng ghế bụi bặm kia chính là một bầu trời náo nhiệt, cuồng game của những vị khách tạo nên. Nào là tiếng la hét, tiếng phím, tiếng chuột và cả mùi khói thuốc cứ thế hòa quyện vào nhau tạo ra một mùi đặc quánh đậm chất phong trần.

Ở phía xa xa, trong góc tường của quán có một nhóm nhóc tì khoảng độ 4 đứa đang ngồi say sưa "chiến game". Nói là chơi game thôi song thực ra chỉ có 2 đứa đánh, 2 đứa còn lại đứa ngồi, đứa đứng để dõi theo! Tôi và Nam khẽ bước lại gần để quan sát rõ hơn thì thấy bọn trẻ đang chơi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), vừa chơi bọn nhóc vừa hả hê bình luận, chỉ tay, đá chân góp ý đầy cuồng nhiệt. Lúc này Nam đi cùng tôi tính giới thiệu tôi với bọn trẻ song may là tôi kịp ra hiệu để em hiểu là không phải làm thế. Bởi tôi muốn thấy sự tự nhiên của bọn trẻ và cũng bảo Nam là cứ ngồi chơi đi anh trả tiền cho.

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Đang chơi hả hê thì chợt anh chủ quán net đến vỗ vai bảo bọn trẻ: "Hết giờ rồi mấy đứa, về nhà ăn trưa đi". Lúc này trận game vẫn còn đang diễn ra nhưng vì hết tiền nên cả 4 đứa đành buông phím, gác chuột, xếp ghế, dừng cuộc chơi trong sự tiếc nuối hùi hụi. Bước ra cửa đi về nhà bọn chúng vẫn rôm rả bàn về những trận combat trong game, những tình huống mà theo bọn trẻ thì đứa này sai, đứa kia làm chưa đúng, phải làm như thế này, tránh cái kia mới phải. Rồi bất chợt cả 3 cùng phì cười khi 1 đứa trong nhóm thốt lên: "Tiền 4 đứa cùng hùn lại mà chưa kịp đến lượt tao chơi đã hết giờ mất tiêu rồi. Giờ tụi mày tính sao thì tính đi".

Lúc này, tôi quay sang hỏi Nam khi 2 anh em lẽo đẽo theo sau bọn nhóc hướng về khu lao động nghèo: "Ủa em, bọn nó hùn tiền lại để chơi game thật hả?".

Nam tự tin trả lời: "Đúng rồi anh, tụi em áp dụng cách này hoài mà! Thực tình thì sau mỗi lần đi bán vé số hay phụ giúp ba mẹ, đứa sẽ để dành ra từ 1000 đến 2000 đồng. Cứ thế mà hùn lại với nhau chơi cho lâu chứ chơi riêng thì mau hết game lắm. Rồi mỗi đứa chia nhau ra ngồi chơi, thằng thì một mạng hoặc không thì 15 phút. Cứ vậy xoay tua cho đến hết giờ anh à!".

Cận cảnh việc chơi game tại khu lao động nghèo

Lúc này tôi chợt giật mình khi nghĩ về cái mác "trẻ trâu" mà cộng đồng mạng đã hoặc vô tình dành cho chúng khi thấy sự xuất hiện của bọn trẻ con chơi LMHT qua những hình ảnh, video clip chia sẻ trên mạng. Tuy nhiên đâu phải ai cũng hiểu hết bản chất và cuộc sống thực tại của bọn trẻ chứ! Và tôi đứng khựng lại trong ít phút, mắt dõi theo lũ trẻ đang lầm lũi bước đi về phía trước. Đâu đó vẫn có tiếng cười đùa văng vẳng bên tai, đâu đó vẫn có sự hồn nhiên ẩn chứa trong tâm hồn trẻ thơ khô đọng của bọn chúng. Và đôi khi game lại là thiên đường, là nơi vui chơi giải trí mà bọn trẻ muốn tìm đến sau những giờ học tập, lao động mệt nhọc.

* Ảnh trong bài viết mang tính chất minh họa

Thể loại: Nhập vai
NPH: Dzogame
Hệ máy: MOBI
Ngày phát hành: 24/03/2022
+

DZO CHƠI

TOP GAME

Cùng đến với những hình ảnh Lala Croft của Tomb Raider dưới nét vẽ của AI. Một cô nàng xinh đẹp, nóng bỏng nhưng cũng rắn rỏi và mạnh mẽ.

Những cô nàng nóng bỏng Boa Hancock, Nico Robin, Nami, Yamato hay Perona được AI vẽ lại dưới hình thức Cosplay cực kỳ chuẩn chỉnh.

Cùng thưởng thức những hình ảnh cosplay Xiangling trong Genshin Impact siêu dễ thương của người dùng Weibo "阿包也是兔娘"