Khi nhìn vào cộng đồng game thủ, nhiều nhà phát hành cho rằng thị trường game Việt rất phiền phức và thiếu kiểm soát. Đòi hỏi của người chơi rất phức tạp và kể cả vô lý. Nhưng thực tiễn lại cho thấy trong cung cách quản lý hoạt động hiện nay, đa số nhà phát hành game Việt đang “càng đi càng xa”.
Nhận định này dễ “gây sốc” với nhiều doanh nghiệp phát hành game Việt, song lại là vấn đề ai cũng thấy. Vì có thể nói chưa có nhóm ngành kinh doanh làm ăn nào đang có nhiều sự cố ngoài ý muốn như các doanh nghiệp ngành game Việt hiện nay. Tất nhiên gốc rễ vấn đề nằm ở khâu quản lý Nhà nước chưa thật sự chặt chẽ về quy trình, nhưng cơ bản tự do các doanh nghiệp đang hoạt động với những quan điểm tùy tiện “ai cũng sai”.
Biểu hiện cơ bản nhất là hành vi phát hành các game không có phép của hầu hết các nhà phát hành. Trong vòng 6 tháng qua, thị trường game Việt luôn ồn ào những tin tức hết nhà phát hành này đưa sản phẩm đình đám A ra mắt lại đến tựa game “siêu phẩm” B đã được nhà phát hành kia thương lượng lấy về. Có điều khi đặt những dữ kiện ấy lên bàn thông tin, thì chẳng có doanh nghiệp nào công nhận đích xác vì bản thân các sản phẩm đều chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường.
Hóa ra phía sau các thông tin ầm ĩ về sản phẩm, các nhà phát hành Việt đều đang tự ý tùy tiện đưa game ra công chúng, mà không hề băn khoăn như vậy có trái luật quy định không. Vì sao việc phát hành game lại khó khăn, gần như chẳng có nhà phát hành nào tận tâm nghiên cứu thấu đáo để có đề xuất với cơ quan quản lý.
Một đại diện hội Truyền thông số Việt Nam nhìn nhận: “Chúng ta có đến 4 hiệp hội liên quan đến ngành nội dung số, game online…nhưng hầu như chẳng có tổ chức nào trực tiếp đứng ra giải quyết các ách tắc về giấy phép game hiện nay. Câu hỏi thì cứ treo lơ lửng rồi cả làng game, đơn vị nào cũng giấm giúi làm sản phẩm không phép. Tại sao không có sự chấn chỉnh ?’.
Câu hỏi bỏ ngỏ này xem ra không đơn giản, vì bản thân các doanh nghiệp phát hành game luôn cho rằng, vấn đề thẩm định kiểm tra là của cơ quan chức năng, và theo đó họ cứ chấp nhận việc vi phạm…vì ai cũng vi phạm. Đáng nói hơn bản thân các doanh nghiệp phát hành game Việt cũng rất thờ ơ với chính khâu kiểm soát nội bộ. Bởi cách đây chưa lâu, khi 1 trang truyền thông “vô tình” đưa thông tin về 1 tựa game sẽ do 1 nhà phát hành game trong nước tung ra thị trường, bộ phận truyền thông của doanh nghiệp này đã lập tức lên tiếng phản đối, phủ nhận sự việc. Song ẩn phía sau đại diện doanh nghiệp lại thừa nhận vấn đề có thật, chẳng qua chưa đến lúc công bố ra mà thôi. Vấn đề là tại sao trang truyền thông lại biết chuyện để “tung hê” lên?
Một doanh nhân thương mại nghe chuyện đã nhận xét: “Điều đó cho thấy công tác quản trị doanh nghiệp game kia là có vấn đề, thậm chí quá tệ. Tại sao lãnh đạo công ty ấy không tự mình xem xét lại, vì sao lại có chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay như vậy ? Bí mật làm ăn không dễ tiết lộ, mà cứ khơi khơi cho người ta nắm hết cả như vậy, doanh nghiệp nên xem lại cách thức quản lý của mình, bất lực với công tác quản trị nội bộ hay sao ?”.
Rõ ràng với mọi động thái hoạt động “lách né quản lý” như vậy, các nhà phát hành game Việt đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại do chính mình gây ra. Một lãnh đạo bộ TT&TT khi trao đổi về vấn đề quản lý game không phép cũng bức xúc bày tỏ, bản thân bộ rất nan giải về đủ dạng thông tin cho rằng bộ xiết chặt quản lý, song hóa ra chính các doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ và vi phạm về quyền lợi của bản thân mình. Sự đối thoại cần thiết nối kết giữa đôi bên lại rất mơ hồ lỏng lẻo.
Làm sao thay đổi được tình hình, đặt ra rõ ràng những vấn đề ách tắc trong quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp để hoạt động của các đơn vị làm game không còn quá cẩu thả vô lý và đi đến vi phạm? Câu hỏi này thực sự cần được sự chung tay giải đáp của cả ngành game Việt và đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân làm giới hạn đi sức mạnh cạnh tranh, xác định vai trò giữa thị trường của các doanh nghiệp phát hành game nước ta.