Thiết nghĩ vì một bộ phận nhỏ đang dùng game làm hư mình mà quy hết trách nhiệm cho game thì e là không công bằng lắm.
Gần đây, sau một thời gian tạm lắng, phong trào game online lại rộ lên như nấm sau mưa thì hàng loạt bài báo, phóng sự truyền hình đã lên tiếng cảnh báo, cũng như lo ngại cho thế hệ trẻ Việt Nam sẽ bị cơn bão game thổi bay mất ý chí vươn lên , tinh thần học tập, sức khoẻ tuổi trẻ… Những án mạng, những “con nghiện” vật vờ mất sức sống, những tuổi trẻ rao bán mình giá chỉ bằng một vật phẩm ảo… Game online được nhìn như một thứ “ma túy” hiện đại, một chất gây nghiện đầy nguy hiểm, một hiểm họa nhìn thấy từ gần?! Và như thế phải chăng với cái án dư luận, game online cần phải được “đầy lùi”?
Vậy đấy, game online đang càng lúc càng tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống thực của chúng ta. Không ai phủ nhận được những ảnh hưởng tiêu cực mà báo chí đã chỉ ra trong thời gian gần đây, khi cơn mê muội trong thế giới ảo đã thiêu huỷ hết thời giờ, công việc, sức khoẻ của một số ít thanh niên, nhưng thiết nghĩ vì một bộ phận nhỏ đang dùng game làm hư mình mà quy hết trách nhiệm cho game thì e là không công bằng lắm. Lời thanh minh cho game!
Các bậc phụ huynh ngày nay than van về game có lý do chính đáng của họ vì thế hệ họ không trải qua những hình thức giải trí đó, việc khó chấp nhận một hình thức mà chưa có kinh nghiệm trải qua cũng là điều dễ hiểu, và sâu xa hơn, các phụ huynh chưa được chuẩn bị tinh thần lẫn kỹ năng để “đối phó” hay giáo dục con cái thích ứng với hình thức giải trí mới này. Việc này dẫn đến hệ quả hoặc là cấm triệt để, gây ức chế hoặc buông tuồng cho con em có chơi game, cả hai hình thức đều không tốt so với cách giáo dục có hiệu quả.
Việc giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn nếu thế hệ các phụ huynh đã quen với thế giới ảo, tương tác trên không gian mạng, kỹ năng chơi game, làm chủ mình trong trò chơi… Nhìn hướng khác, nếu game online chỉ dừng ở mức giải trí thì không những không đem lại tác động xấu mà còn có hiệu quả tích cực.
Không ít phụ huynh đã sử dụng những giờ chơi game như phần thưởng có giới hạn cho sự chăm chỉ học tập, việc hoàn tất xuất sắc một công việc hay bài tập trong ngày của con cái. Chẳng hạn như ở những trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc, cậu bé L.M.Khoa, 10 tuổi, khi được hứa cho chơi game đã tỏ ra chăm học, giải quyết bài học mình thật tốt và nhanh vì phần thưởng một tiếng chơi game đang chờ đợi cậu, thêm ba mẹ quan tâm theo dõi để cậu không sa đà vào trò chơi thì kết quả học của cậu sẽ tiến bộ ngay.
Hay như anh Phú, làm việc chạy vật tư cho gia đình, một đời sống thực đơn điệu, thất vọng có thể khiến anh trầm cảm, gay gắt, bực dọc với gia đình nhưng khi có khả năng giải được những suy nghĩ, ước muốn, tìm được chia sẻ với các hảo hữu của mình trong thế giới ảo với một thái độ chừng mực, anh đã khiến đời sống mình phong phú hơn, con người và nhân văn hơn. Lời thanh minh cho game!
Bất cứ một trò chơi, một việc làm nào nếu quá độ đều có thể nảy sinh những hệ quả tiêu cực. Chúng ta từng được biết về những cầu thủ bóng đá gục ngã trên sân vì đột quỵ, kiệt sức. Chúng ta biết cá độ bóng đá đang thổi lên những cơn bão cờ bạc, máu ăn thua khiến bao nhiêu người phải tan gia. Nhưng chúng ta không lên án bóng đá, bóng đá là một trò chơi đẹp, một nghệ thuật, bóng đá không có lỗi trong tất cả những việc, những tội lỗi do con người gây ra.
Số game thủ của chúng ta chưa phải là nhiều so với hơn 20 triệu của Trung Quốc, 40% dân số Mỹ. Họ không lên án game mà chỉ tìm các biện pháp khiến người chơi không thể phá huỷ sức khoẻ mình qua game bằng cách hạn chế số giờ chơi, chỉ mở đường truyền vào các giờ cố định trong ngày, trừ tài khoản, không cho lên cấp nếu chơi quá giờ v.v. Bằng những biện pháp như vậy các game thủ không có cơ hội “hư hỏng” vì game.
Game là biện pháp giải trí số một trong xã hội kỹ thuật số, đó là điều không cách gì phủ nhận và cản lại được. Thị trường thế giới đã xem đây là mảnh đất màu mỡ còn đang được khai phá. Các dự án sử dụng game cho giáo dục, tuyên truyền, quảng cáo…đang được đẩy mạnh và hứa hẹn đem lại kết quả khả quan cũng như lượng tài chính khổng lồ. Hơn nữa, với trí thông minh vốn sẵn của lớp trẻ Việt Nam, tại sao chúng ta lại không hi vọng phong trào này sẽ cho ra những phần mềm trò chơi do Việt nam sản xuất đủ khả năng khuynh đảo thị trường thế giới trong nay mai? Và rõ rằng các bước nền sau vài năm game online có mặt tại Việt Nam đang được xây dựng khá tốt.
Chúng tôi khép lại bài viết với ý nghĩ rằng như việc ngày xưa tôi từng bị đòn, mẹ tôi từng khóc lóc bởi tôi trốn ngủ trưa, cúp học vì mê trò đánh đáo, đánh trổng. Tôi ăn ngủ trong tiếng viên đáo bay lóc cóc, những cọng dây thun chiến lợi phẩm thắng được. Tôi hồ hởi với từng đường của con trổng bay đi, quên cả giấc ngủ trưa, quên cả cơm chiều, quên cả mẹ đang chờ, quên tất cả bài vở phải học phải làm. Mẹ tôi chưa bao giờ phàn nàn về trò đánh đáo, đánh trổng dân gian, bà chỉ buồn vì thằng bé con của bà không đủ nghị lực để chúng đơn thuần là trò giải trí mà thôi!
Rồi cuối cùng cũng qua, tôi bỏ tiệt trò chơi ấy khi mẹ khuyên, khi ý thức rằng mình còn nhiều điều quan trọng hơn phải làm giữa cuộc đời này. Nhưng những âm thanh tuổi thơ khi những viên đáo va nhau, tiếng trổng vút đi réo rắt trong gió, tôi còn mang theo mãi. Một đam mê chính đáng khi không trở thành cuộc sống thì cũng là kỷ niệm, nhất là đam mê làm anh hùng trong thế giới không thật còn là kỷ niệm đẹp hơn. Xin các phụ huynh hãy tin tưởng con em mình và nhớ lại cách chúng ta xa rời một trò chơi mê mẩn nào đó, ngày xưa! *Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả