Năm 2014 đã làm thay đổi khá nhiều bộ mặt của làng game Việt, và năm 2015 hứa hẹn cũng sẽ như thế.
Việt Nam vẫn là quốc gia có nền game online phát triển
Trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã từ một thị trường vô danh trở thành tâm điểm của loại hình trò chơi trực tuyến tại khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng vì tốc độ phát triển vượt bậc của mình. Số lượng người chơi gia tăng đột biến, kéo theo quy mô và số lượng của các đơn vị phát hành cũng có sự bùng nổ liên tục.
Cùng với đó, việc nắm bắt được nhiều khía cạnh khác nhau của game online vừa giúp cộng đồng không sợ thiếu game (dù không biết sẽ chơi trong bao lâu) vừa bảo đảm nguồn thu cho đơn vị phát hành.
Mua game của nhiều quốc gia khác
Qua nhiều năm, lựa chọn phát hành một sản phẩm Trung Quốc vẫn dễ dàng hơn so với việc phải đàm phán rồi đưa về game online có chiều sâu về gameplay từ Hàn Quốc, Châu Âu hay Nhật Bản. Tuy nhiên do bản chất của game Trung Quốc là trùng lặp quá nhiều về nội dung, hình ảnh nên đến một lúc nào đó, người chơi sẽ phải từ bỏ để tìm một bến đỗ mới cho mình.
Sau những cái tên như Warface, FIFA Online 3 thì trong năm 2014, chúng ta cũng có dịp thử qua một trò chơi khá đình đám khác không xuất xứ từ Trung Quốc là War Thunder. Tuy nhiên điều đáng buồn là do lối chơi quá “cao siêu” đối với mặt bằng chung tại Việt Nam hiện nay, hơn nữa lại gặp phải sự việc FPT Online tuyên bố giải thể bộ phận game thì trò chơi này đã sớm rơi vào quên lãng.
Đẩy mạnh phát triển game nội địa
Nhận biết được những khó khăn quá lớn khi phát triển game online thuần Việt trên PC cũng như xu hướng của thị trường, nhiều studio đã nhanh chóng chuyển sang thực hiện các dự án mới dành cho thiết bị di động và gặt hái được những thành công nhất định. Ví dụ tiêu biểu nhất là Emobi Games, đơn vị từng gây tiếng vang với 7554, 2112 hay dự án Sát Thát Truyền Kỳ đã quyết định chuyển sang mảng di động bằng Đại Minh Chủ, một game đấu bài lấy đề tài võ hiệp.
Đặc biệt hơn, một số game mobile do người Việt phát triển còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người chơi trên toàn cầu bởi lối chơi dễ gây nghiện hay độ khó đến kinh hoàng. Ví dụ điển hình là Flappy Bird cùng người kế nhiệm Swing Copters, vốn đều khiến cho người chơi không ít lần muốn đập máy vì quá ức chế.
Tân binh trỗi dậy trong khâu phát hành game
Sự suy tàn của những “đại gia” làng game thuở nào đã tạo tiền đề cho những NPH mới dễ dàng nhập cuộc hơn. Mặc dù không mang về các hợp đồng có giá trị lớn hay các trò chơi hiện đại nhất, song những tân binh này lại rất chịu khó khai thác thêm sản phẩm mới, mở rộng về thể loại để phục vụ game thủ. Hay có, dở có, nhưng nhìn chung thì cũng bắt đầu có những tác động nhất định lên cộng đồng.
Game di động tiếp tục bùng nổ
Những đơn vị phát hành game online trên điện thoại di động sẽ trở thành trụ cột vững chắc trong năm 2015, tiếp tục khai tác tốt hơn cộng đồng người dùng mobile ở nước ta. Năm 2014 vừa qua, thị trường online mobile game ở Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng. Bản thân những NPH trước nay chỉ gắn bó với dạng game client cũng bắt đầu lấn sân bằng hàng loạt sản phẩm mới. Tất nhiên, công tác quảng bá cho các sản phẩm này đã được đầu tư rất mạnh, tiêu biểu như DoTa Truyền Kỳ của VNG.
Chuyển dịch cách thức PR
Đã qua rồi cái thời câu kéo người chơi đến với sản phẩm mới bằng vài hình ảnh giới thiệu sơ sài hay cosplay về nhân vật nữ gợi cảm nào đó. Muốn được chú ý thì NPH phải biết sử dụng các chiêu trò độc đáo hoặc thậm chí phản cảm hơn nhiều. Việc sử dụng hình ảnh nóng bỏng theo kiểu thiếu vải hay body painting hiện vẫn được các NPH áp dụng và mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên cộng đồng game thủ cũng phản ứng mạnh mẽ trước các teaser mang nội dung người lớn hay ảnh, clip quá hở hang nhằm che đậy cho phần nội dung game kém đặc sắc.