Lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản game bản quyền là những câu chuyện không hề hiếm tại Việt Nam. Tuy nhiên, các “trò bẩn” này đang có nhiều dấu hiệu biến tướng, tinh vi và quy mô hơn.
Một tài khoản game bán cho chục người
The Sims 4 là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” hàng đầu của EA, trò chơi được bán với giá cao ngất ngưỡng so với mặt bằng chung của ngành game, nhưng đồng thời cũng sở hữu cộng đồng game thủ lâu bền, gắn bó chặt chẽ hàng đầu.
Hiện nay, phiên bản gốc của The Sims 4 được bán với giá 69,90 USD, ngoài ra còn hàng chục các bản mở rộng (DLC, Stuff Pack, Game Pack…) có giá trị cao khác, cùng nhiều vật phẩm in-game được mua bằng SimPoints (quy đổi bằng tièn thật). Theo ước tính, để sở hữu trọn vẹn các ấn phẩm này người dùng phải bỏ ra khoảng vài chục triệu VND.
The Sims 4 là một trong những game đắt đỏ bậc nhất
Nhằm bước qua rào cản lớn về mặt kinh tế này, nhiều game thủ Việt đã hội họp thành từng nhóm nhỏ, cùng góp sức và sở hữu chung tài khoản. Nhờ vào tính năng của cổng game Origin, nhóm game thủ có thể cùng trải nghiệm game ở chế độ offline (không kết nối mạng), và luân phiên ở chế độ online (có kết nối mạng).
Với hình thức tương tự, Q – một thương gia buôn bán game Origin – giao dịch tài khoản Oringin có sở hữu The Sims 4 (cùng vài bản DLC khác) cho một nhóm 4 game thủ. Phí mua bán ban đầu nằm ở mức 4 triệu đồng. Sau nhiều lần mở rộng thêm các phiên bản, gói vật phẩm (cũng thông qua Q), giá trị của tài khoản này rơi vào khoản 6 triệu đồng.
Đáng nói ở chỗ, tài khoản Origin này không được Q bán theo kiểu “tiền trao cháo múc”, người mua (4 game thủ) cũng không thực sự sở hữu tài khoản. Thay vào đó, Q gọi đây là “nhóm game bản quyền” và đặt dưới sự quản lý của mình, trở thành một phần trong “cộng đồng The Sims 4” do Q tổ chức tại Việt Nam, thông qua group facebook, fanpage và tên miền http://langthesims.com/.
Nhóm game thủ đã chuyển tiền đầy đủ cho Q
Với vai trò “người tổ chức cộng đồng”, Q liên tục tìm các khách hàng mới, gom họ thành những nhóm nhỏ để mua sản phẩm của mình. Đặc biệt, cậy vào uy tín cá nhân và lòng tin của các khách hàng, Q bán quyền sở hữu tài khoản đã giao dịch cho những khách hàng mới, xem đây là một phần trong việc “mở rộng cộng đồng” của Q.
Nói một cách dễ hiểu, cùng một tài khoản Origin có chứa The Sims 4, Q đã bán cho nhiều khác hàng khác nhau theo hình thức bán “góp”, kiếm được nguồn lợi khổng lồ so với giá trị thực của tài khoản.
Q lên tiếng chỉ trích ngược các game thủ
Vụ việc đổ bể khi nhóm 4 game thủ (những khách hàng ban đầu) phản đối về việc có quá nhiều người đang sử dụng tài khoản, nên đã lên tiếng đề nghị Q trao trả quyền sở hữu hoàn toàn cho họ. Đến lúc này, Q trở mặt và cho rằng những người này “vô ơn”, “phản bội” lại cộng đồng mà Q đã tổ chức. Đồng thời, Q đổi thông tin cá nhân tài khoản và chiếm đoạt luôn tài khoản – vốn đã không còn thuộc quyền sở hữu của Q ngay từ đầu.
Được biết, Q làm được điều này do nắm giữ tài khoản email gốc, và chỉ trao email phụ cho các khách hàng của mình.
Cẩn trọng với hình thức buôn bán cộng đồng
Việc mua bán game bản quyền tại Việt Nam chưa bao giờ đảm bảo được tính an toàn, cũng như quyền lợi của cả đôi bên. Tuy nhiên với ưu điểm là giá rẻ hơn so với mua trực tiếp từ hãng phát hành, nhiều game thủ Việt đành phải chấp nhận với hình thức buôn bán khá “phiêu” này.
Vụ việc của Q hiện đang tạo sự chú ý lớn trong cộng đồng game thủ The Sims 4
Trong khi rất nhiều thương gia game đang tạo dựng được tên tuổi uy tín, đảm bảo được quyền lợi cho game thủ, thì cũng không ít người lợi dụng nhũng kẽ hở trong giao dịch để phục vụ mục đích bất chính.