33.000 tài khoản Đột Kích bị trảm khi VTC Game đưa vào hệ thống chặn hack tự động CodeHunter, gấp đôi con số mà năm 2008 Cabal của Asiasoft đã từng thực hiện
Nhằm khắc phục triệt để vấn nạn hack đã hoành hành suốt nhiều năm qua, Đột Kích Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch chống hack với quy mô vô cùng lớn và mang lại những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên đằng sau những con số thống kê ấn tượng, vẫn còn nhiều vấn đề mà cả cộng đồng game thủ lẫn Nhà phát hành cần phải nhìn lại.
Chiến dịch chống hack “ngày thứ 4 đen tối” của Ban quản trị Đột Kích đã chính thức được triển khai với rất nhiều dư âm để lại, mà đặc biệt là con số tài khoản bị khóa do sử dụng hack, cho đến thời điểm hiện tại, đã lên tới con số hơn 33000 tài khoản, một con số cho đến thời điểm hiện tại có thể coi là kỷ lục của làng game Việt.
Đi ngược dòng thời gian, chúng ta có thể thấy được Đột Kích không phải tựa game duy nhất tiến hành những chiến dịch “thanh trừng” hack với quy mô lớn. Mà cái tên sắp được nhắc đến sau đây cũng sẽ khiến cho không ít thế hệ game thủ Việt phải cảm thấy tiếc nuối vì một tựa game hay cuối cùng lại trở thành nạn nhân của sự thiếu ý thức từ chính cộng đồng game thủ của mình, đó chính là Cabal Online của Asiasoft.
Chắc hẳn những game thủ 8x và đầu 9x không còn lạ lẫm gì với tựa game huyền thoại này. Cabal là một game online 3D, hình ảnh đẹp nhưng cấu hình lại rất bình dân và có nội dung cốt truyện mang hơi hướng Fantasy quen thuộc khi những vương quốc của loài người phải đứng trước cuộc chiến sinh tồn chống lại những loài quỷ dữ tới từ địa ngục. Ở thời điểm mà Cabal xuất hiện tại Việt Nam, tựa game này có thể được coi là chuẩn mực của dòng game nhập vai khi sở hữu đồ họa đẹp, lối chơi có chiều sâu và hệ thống tính năng hấp dẫn.
Dẫu vậy, bất chấp những ưu điểm đó, “Cuộc thanh trừng đẫm máu” nằm trong chiến dịch chống hack của BQT game trong giai đoạn đầu năm 2008, với hơn 17000 tài khoản bị xóa vĩnh viễn, đã vô tình trở thành cơn ác mộng của toàn thể người chơi trong Cabal Online
Cabal Online Việt Nam đã bị tàn phá bởi nạn hack hoành hành dữ dội trong nhiều năm trước
Một điểm chung mà cả những người chơi Cabal Online và Đột Kích đều có thể nhận ra, đó là khi chiến dịch chống hack quy mô lớn được phát động, cũng đã có không ít những tiếng “kêu oan” từ chủ nhân của các tài khoản bị khóa, rằng tại sao mình không dính líu đến hack nhưng vẫn bị khóa tài khoản. Số lượng người chơi tự nhận mình bị oan uổng thậm chí đã lên tới con số hàng ngàn, khiến cho không ít người tự đặt ra câu hỏi rằng
“Liệu Nhà phát hành game có dại gì khi tiến hành những cuộc thanh trừng “giết nhầm còn hơn bỏ sót” để rồi dẫn đến hậu quả là game trở nên lụi tàn vì bên cạnh những tài khoản bị khóa, những người chơi khác cũng trở nên chán nản và từ bỏ niềm đam mê của mình hay không?”
Cho đến thời điểm hiện tại, Đội ngũ quản trị của Đột Kích vẫn khẳng định chắc chắn rằng Hệ thống chống hack mang tên Codehunter vẫn đang vận hành với độ chính xác cao nhất, và những tài khoản bị khóa cũng chắc chắn có sử dụng hoặc dính líu tới những phần mềm thứ 3. Nhưng khoan hãy bàn đến vấn đề sai lệch thông tin, điều bài viết muốn nhấn mạnh ở đây chính là con số 33000 tài khoản bị xóa sổ chỉ trong ngày thứ 4 đen tối vừa qua. Đây là một con số không hề nhỏ dù cho cộng đồng người chơi Đột Kích tại Việt Nam có đông đảo thế nào đi chăng nữa, và nếu đem so sánh con số này với 17000 tài khoản mà Cabal Online đã thanh trừng, thì chúng ta sẽ hiểu nó khủng khiếp đến mức nào.
Hãy tự biết chịu trách nhiệm trước hành vi của mình
Đừng làm gì để một ngày đẹp trời đăng nhập vào game và nhận thông báo này
Nhà phát hành Đột Kích có lẽ đã phải đứng giữa hai sự lựa chọn: Một là im lặng và thực thi những hình phạt mang tính “minh họa” để vẫn duy trì được lượng người chơi và doanh thu ổn định, hai là mạnh tay loại bỏ nạn hack trong game, chấp nhận hậu quả có thể xảy ra là Đột Kích sẽ mất đi một lượng người chơi, tương đương với doanh thu, vô cùng lớn, đổi lại, một bộ phận game thủ trung thành và gắn bó với game sẽ có được một môi trường giải trí “sạch, đẹp” để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Sau tất cả, vấn nạn hack trong Đột Kích liệu có được chấm dứt?
Và Codehunter có lẽ chính là câu trả lời cho sự lựa chọn đó. Chắc chắn con số 33000 tài khoản vĩnh viễn ra đi sẽ mang lại những hậu quả không nhỏ cho cộng đồng Đột Kích Việt, chưa kể đến việc trong số đó có không ít những tài khoản VIP và là những khách hàng tiềm năng của VTC Game, nhưng những động thái chống hack một cách triệt để lần này đã cho thấy quyết tâm của Nhà phát hành Đột Kích trong bối cảnh tìm lại cho tựa game này một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khi mà Đột Kích đang có xu hướng phát triển thành một bộ môn eSports hấp dẫn cả ở trong nước và quốc tế.
Trong một tình huống khác, nhiều phân tích của các game thủ lão làng cho thấy, đây có thể là một quả đấm thép mà Đột Kích gửi tới VINACF (hay còn gọi là Đột Kích lậu) một tổ chức thường xuyên cung cấp các bản hack anti-time cho người chơi. Và với hành động được ví như “giết nhầm còn hơn bỏ sót này” rất có khả năng VTC Game sẽ cần một đợt ân xá lớn trong thời gian tới.