Câu chuyện bản quyền giữa online mobile game Heroes Charge và DoTa Truyền Kỳ nay đã được mở rộng thêm với sự góp mặt của ông lớn làng game thế giới Blizzard.
* DoTa Truyền Kỳ đang sử dụng hình ảnh, tên gọi giống nguyên bản của Warcraft 3 và World of Warcraft thuộc quyền quản lý thương hiệu, sở hữu trí tuệ của Blizzard.
* Heroes Charge dù sử dụng mã nguồn (tức nền tảng phát triển game) của DoTa Truyền Kỳ song đã khôn khéo cải biên lại hình ảnh, tên gọi tướng cho khác biệt đi rất nhiều so với Warcraft 3 và World of Warcraft.
* Lưu ý: Playpark.vn dùng tên DoTa Truyền Kỳ cho đọc giả ở Việt Nam dễ hiểu và nhận dạng nhanh sản phẩm game. Chứ vấn đề trên đang diễn ra tại Trung Quốc và tên gốc của sản phẩm là Đao Tháp Truyền Kỳ chứ không hề liên quan đến VNG hay bản thân trò chơi đang phát hành ở Việt Nam.
Còn nhớ vào thời điểm DoTa Truyền Kỳ rục rịch vào Việt Nam, cộng đồng game thủ đã từng đặt câu hỏi rằng có phải trò chơi này là một bản sao của Heroes Charge hay không. Bởi vì khi đó Heroes Charge đang thu hút được rất đông người chơi tại Việt Nam lẫn nhiều quốc gia khác trên thế giới nên nghi vấn này cũng là điều dễ hiểu. Đáp trả lại dư luận, NPH VNG lẫn NSX Lilith Games đã lên tiếng khẳng định rằng Heroes Charge mới là hàng nhái vì ra đời sau DoTa Truyền Kỳ cũng như có lối chơi và hệ thống tính năng giống như đúc.
DoTa Truyền Kỳ
Bẵng đi một thời gian, cả DoTa Truyền Kỳ lẫn Heroes Charge vẫn đang duy trì tốt hoạt động của mình. Về phần game thủ, ai thích gì thì chơi nấy, không phải tranh cãi với nhau làm gì cho mệt người. Bản thân DoTa Truyền Kỳ, nhờ có sự đầu tư rất mạnh mẽ từ VNG nên đã không ngừng mở rộng tập khách hàng và từng bước trở thành một thế lực mới trên thị trường game di động trực tuyến ở Việt Nam. Nhưng cho đến gần đây, câu chuyện bản quyền tiếp tục được khơi dậy thêm lần nữa, và kẻ châm ngòi chính là Lilith Games – NSX của DoTa Truyền Kỳ.
Heroes Charge
Trong một thông báo trên fanpage Allstar Heroes - DoTa Truyền Kỳ phiên bản tiếng Anh đã công bố bằng chứng cho thấy Heroes Charge đánh cắp mã nguồn của mình. Theo đó khi người dùng bấm liên tục vào một điểm trong phần mô tả luật chơi của tính năng Ancient Temple mà Heroes Charge vừa mới ra mắt thì sẽ xuất hiện thông báo có chứa dòng chữ Lilith Games. Theo chia sẻ từ Lilith Games, họ đã chèn thêm một đoạn mã bẫy, tạo căn cứ giúp xác định quyền sở hữu của mình. Các đoạn mã dạng này thường được ngụy trang khá kỹ để không bị phát hiện. Nó cũng tương tự như “trứng phục sinh” mà chúng ta thường gặp ở một số phần mềm máy tính.
DoTa Truyền Kỳ có "dấu răng" trong Heroes Charge
Phía Lilith Games cũng đính kèm một đoạn clip để tăng độ tin cậy nơi người xem, đồng thời gởi nó lên phòng công chứng ở Thượng Hải và Tòa Sơ thẩm liên bang Mạn Nam California, Hoa Kỳ nhằm khởi kiện uCool (hãng phát triển Heroes Charge). Có vẻ như sau khi xúc tiến chiến dịch tấn công thị trường game di động toàn cầu, liên tục ra mắt phiên bản dành cho các quốc gia khác nhau thì Lilith Games đang rất nỗ lực tăng cường bảo vệ “nồi cơm” của mình.
Nhưng trong một động thái khác, bản thân Lilith Games lại trở thành bị cáo khi Blizzard Đài Loan đâm đơn kiện hãng này đã ăn cắp nội dung từ thế giới Warcraft. Đại diện Blizzard chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng DoTa Truyền Kỳ đã vi phạm bản quyền và thương hiệu của Warcraft/World of Warcraft và chúng tôi đang tích cực bảo vệ quyền lợi của mình thông qua pháp luật. Là một công ty kinh doanh dựa trên sự sáng tạo của mình, điều quan trọng là chúng tôi sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy dựa trên pháp luật của từng quốc gia”. Trong tình huống xấu nhất, DoTa Truyền Kỳ sẽ phải đóng cửa phiên bản ở Đài Loan.
Thông báo khởi kiện Lilith Games của Blizzard
Như vậy vấn đề ở đây sẽ là một kẻ ăn cắp đi kiện một kẻ ăn cắp khác vì đã ăn cắp thứ mà mình từng ăn cắp từ một người khác. Lilith Games dường như đang tranh thủ rất tốt sự ủng hộ từ phía cộng đồng cho nỗi oan ức mà mình đang gánh chịu, nếu như không có Blizzard bất ngờ xía vào để làm cho cục diện thêm phần rắc rối. Đây cũng là một trong số ít lần mà những NSX game ở Trung Quốc đứng ở phía nguyên đơn – bất chấp truyền thống ăn cắp chất xám tồn tại suốt hàng chục năm qua.
Tính đến hiện tại, cả uCool lẫn Lilith Games chưa có phản hồi nào về tranh chấp pháp lý đang nhắm vào mình. Đồng thời dường như uCool đã nhanh chóng kiểm tra lại mã nguồn để xóa đi cái popup chứng cứ đó (nếu nó thật sự tồn tại như lời Lilith Games). Dù không biết vụ kiện tụng liên hoàn này sẽ đi đến đâu, nhưng chắc ai ai trong chúng ta cũng mong nó sẽ khép lại bằng một kết cục viên mãn cho tất cả các bên: Blizzard vẫn là ông trùm ngành game, trong khi uCool lẫn Lilith Games sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng “của nhà trồng được” ở những dự án game tiếp theo của mình. Từ đó game thủ có thể tiếp tục tìm thấy niềm vui với trò chơi mà mình đang gắn bó, mặc kệ nó từ đâu ra và nó có ăn cắp của ai hay không.