PC
Tản mạn về cuộc chiến game mobile Trung - Việt
Thị trường game Việt Nam năm 2012 đạt giá trị 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sản phẩm tràn ngập thị trường là game Trung Quốc, lác đác đâu đó có những sản phẩm của Việt Nam xuất hiện, nhưng xem chừng chúng chỉ có tác dụng về mặt khuếch trương, quảng bá tên tuổi cho các NPH Việt là chính. Sang năm 2013, cuộc chơi rất có thể tiếp tục nghiêng về Trung Quốc khi họ lấn sân sang mảng phát hành, thất bại dường như đã được báo trước khi mà nguồn hàng họ nắm, và việc thâu tóm hay thôn tính nhà phát hành Việt bằng tiền hay lobby quan hệ cũng không phải là không làm được.

Thực ra không cần phải đợi đến năm 2013 mà ngay từ năm 2011, cuộc chiến này đã bắt đầu với các sản phẩm game mobile Việt và Trung Quốc đua nhau ra mắt thị trường. Những game online Trung Quốc đã sớm được các NPH Việt như Minh Châu, MeCorp, VTC, VNG, Soha, …mua về. Thậm chí khi mà smartphone đã nhan nhản ở khắp nơi, những game thiết kế cho featured phone được port sang để tiếp tục tối ưu hóa doanh thu cho NPH, bất chấp người dùng phải khó chịu với các nút bấm nhỏ xíu và hình ảnh nhân vật thì xấu xí. Rùm beng gần đây nhất là Tình Kiếm do Soha Game phát hành đã tỏ ra là game trên smartphone thực sự với hình ảnh đẹp, tương tác phù hợp. Tiếp nối thành công của Tình Kiếm, Soha nhanh chóng phát hành các game khác như Thủy Hử 3D với lối chơi hệt Tình Kiếm nhưng thay bằng hình ảnh 3D.

Khi được hậu thuẫn bởi NPH, thông tin về game mobile Trung Quốc tràn ngập báo chí cùng nhiều sự kiện đình đám, gắn kèm với rất nhiều hot girl, hot boy và những bộ cosplay hở hang. Có vẻ như một lần nữa, Trung Quốc lại thắng thế.

Điều tuyệt vời là sau khi tìm hiểu về các công ty game mobile tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều studio game Việt và ít nhiều đạt được những thành công nhất định. Thị trường trong nước từ thời kỳ featured phone đã có Ola, Teamobi,...đến thời kỳ smartphone thì thăng hoa nổi lên những tên tuổi như Qplay, iMedia Technology, iFunsoft, Banana Games, Afoli,... Thị trường quốc tế từ trước đã có những tên tuổi lừng danh như Colorbox, Divmob, Funkoi, Twindragons, Pine Entertainment, Zendios,...

Song đâu đó đã có những câu chuyện sớm mua nhà mua xe sau khi làm thành công một game, đâu đó cũng có những câu chuyện làm xong vài game không đủ chi phí để làm tiếp nữa phải chuyển sang làm dự án hoặc outsource. Nhưng nếu bạn biết doanh thu một game mobile Trung Quốc tại thị trường Việt Nam ít nhất 2 tỷ / tháng, có lẽ bạn sẽ ngỡ ngàng, vậy sao các công ty game Việt Nam vẫn nhỏ bé vậy, vẫn vật lộn với cuộc sống vậy? Vì chất lượng sản phẩm kém hay không được giới truyền thông quảng cáo nước nhà chăm sóc nên lép vế dần ở thị trường trong nước?

Lấy ví dụ như Tình Kiếm do Soha phát hành. Nhận xét chung là đồ họa đẹp nhưng không quá nổi trội và nét nổi bật riêng, hình mẫu nhân vật rập khuôn và công nghiệp như các game thường thấy của Trung Quốc. Lối chơi đánh tự động mang tính chất giúp người chơi thưởng lãm là chính. Có thể nói về khái niệm làm game thì chất lượng game Việt Nam vượt trội hơn hẳn. Tổng kết lại, game Trung Quốc có các điểm chung như: nội dung khủng với hệ thống hàng nghìn nhân vật, cách thiết kế level khéo léo dẫn dắt người chơi vượt qua rất nhiều mốc thử thách giúp kéo dài thời gian chơi 1 game lên vài tháng. Nói cách khác, thời gian chơi một game càng lâu, người chơi có xu hướng trả càng nhiều tiền hơn cho game đấy. Quan điểm này khác hẳn với game Tây và xu hướng của người làm game Việt bây giờ: đầu tư thật kỳ công cho đồ họa, hình ảnh game, thời gian chơi 1 game của người chơi không cần quá dài, có thể chỉ 1 tuần nhưng miễn sao họ chấp nhận trả 1 USD.

Hãy làm phép toán như sau với game Trung Quốc, nếu có 50.000 người chơi game, mỗi người bỏ ra 100.000 đồng để chơi hàng tháng, vậy mỗi tháng sẽ thu về 5 tỷ. Để có được 50.000 người chơi chịu bỏ tiền không quá khó với một NPH, bỏ ra 100K / tháng để chơi game cũng không phải quá nhiều với một người chơi game, chưa kể có những người sẵn sàng bỏ tiền triệu và thậm chí hơn nữa để mua một món trang bị quý hiếm nào đó.

Hay phép toán với game Việt phát hành toàn cầu, giả sử chiến dịch bạn marketing quá tốt đưa sản phẩm đến 1 triệu người chơi, 20% trong số đó sẵn sàng trả tiền để chơi game, với giá 1 USD thì bạn sẽ thu về được 200.000 USD. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, marketing phải tập trung, việc bạn marketing trên phạm vi rộng lớn toàn cầu để có được 1 triệu người chơi là điều không dễ dàng và chi phí thì không phải nhỏ. Có thể bạn sẽ so sánh với Gameloft và Rovio, nhưng bạn hãy nhớ rằng, Gameloft có hệ thống kinh doanh toàn cầu và thương hiệu mạnh nên họ dễ dàng tiếp cận đến hàng chục triệu người chơi với chi phí rất nhỏ, còn Rovio phải mất đến 65 game thất bại mới có được Angry Bird, những tựa game mới gần đây của họ thành công vẫn là dấu hỏi. Trong 66 studio game Việt sẽ có 1 studio thành công trên thị trường quốc tế như Rovio, nhưng liệu đó có phải là thành công chung của cả một nền công nghiệp hay không?

Vậy game Việt Nam có xây dựng được hệ thống nhân vật khủng như Trung Quốc không? Ở đây có sự khác biệt về trình độ sản xuất, một điểm mà nền sản xuất game Việt thua hoàn toàn. Nếu bạn sang Trung Quốc xem người ta làm game như thế nào, bạn sẽ được chứng kiến những xưởng game hơn 500 họa sỹ chỉ ngồi vẽ nhân vật, phong cảnh, vật phẩm, chi phí chỉ bằng một bức vẽ chân dung ngoài chợ đêm. Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu một công ty game Việt nuôi một bộ máy 500 người, trong điều kiện trình độ quản lý còn yếu kém và kinh phí thì hạn hẹp. Được biết có những game nhỏ người Việt làm mất 6 tháng thậm chí là 1 năm, chi phí và tinh thần con người đổ vào đấy rất nhiều và thành công thì đầy may rủi, với lượng người mỏng liệu có chấp nhận mất 65 năm để chờ 1 tựa game thành công, ngay cả chuyện này họ cũng thua Rovio về trình độ sản xuất.

Vậy xét đến cùng, Trung Quốc nhắm đến một thị trường nhỏ cấp khu vực, tuy thị trường ngách nhưng giá trị thu về rất lớn, trong khi chi phí sản xuất vô cùng nhỏ. Còn studio game Việt thì nhằm đến thị trường cấp toàn cầu, giá trị không lớn hơn nhưng chi phí sản xuất thì lớn và kéo dài. Như vậy có thể thấy, xét về chất lượng, game Việt hơn hoàn toàn vượt game Trung Quốc và cơ hội thành công hoàn toàn có. Nhưng xét về yếu tố thị trường – marketing, trình độ quản lý sản xuất, game Việt thua trận hoàn toàn ngay trên sân nhà. Nhưng bạn có biết rằng, khái niệm chất lượng luôn nằm trong một trình độ quản lý sản xuất tốt, sản phẩm ra nhanh, chi phí rẻ và vẫn chất đạt chất lượng thỏa mãn người tiêu dùng. Thực sự chúng ta đang làm thủ công mỹ nghệ về game, còn người Trung Quốc, đó mới là công nghiệp game. Nếu tình trạng này kéo dài, như mọi ngành nghề thủ công khác game Việt cũng sớm thua ngay trên sân nhà và trở thành một thứ nghề thủ công mỹ nghệ cần bảo tồn khác.

Thể loại: MMORPG
NPH: Dzogame
Hệ máy: PC
Ngày phát hành: 23/10/2006
+

DZO CHƠI

TOP GAME

Cùng đến với những hình ảnh Lala Croft của Tomb Raider dưới nét vẽ của AI. Một cô nàng xinh đẹp, nóng bỏng nhưng cũng rắn rỏi và mạnh mẽ.

Những cô nàng nóng bỏng Boa Hancock, Nico Robin, Nami, Yamato hay Perona được AI vẽ lại dưới hình thức Cosplay cực kỳ chuẩn chỉnh.

Cùng thưởng thức những hình ảnh cosplay Xiangling trong Genshin Impact siêu dễ thương của người dùng Weibo "阿包也是兔娘"