Năm đó, tôi lên 9, rất quậy và ngỗ ngược. Tôi thề rằng, nếu ngồi yên quá năm phút tôi sẽ khó thở, ngứa ngáy vô cùng.
Tuổi thơ của tôi ngoài mấy phim hoạt hình 2D huyền thoại như chú chuột Mickey, chú mèo máy Đôrêmon thì còn lại, toàn là những cảnh bạo lực, những câu chửi tục tĩu từ những người sống cùng xóm. Dân thành thị gọi nơi đó là khu ổ chuột, nhưng với tôi đó là mảnh đất cư trú tuyệt vời và tiện lợi nhất ở Sài Gòn.
Lý do vô cùng đơn giản thôi, mỗi khi tôi muốn đi vệ sinh thì bất cứ chỗ nào trong xóm đều có thể giúp tôi “trút bầu tâm sự”, ngoại trừ trước cửa nhà hàng xóm. Bạn tin chứ, chẳng ai trong xóm phàn nàn gì cả, thói quen rồi.
Sự thật tôi đã biết chửi thề, nói tục từ khi cái lưỡi cặp kè cùng miệng để chót chét thành ngôn năm lên bảy. Cả Sài Gòn thời đó đều biết quận Thủ Đức là nơi tiếp nhận dân tứ xứ đổ về, nhiều nhất là dân lao động chân tay chứ chẳng phải đầu óc, nên việc thô thiển trong cách giao tiếp từ ngôn ngữ đến hành động đều diễn ra thường xuyên, có thể cho đó là thói quen như sáng bạn phải rướn người một cái cho nó đã.
Những trò nghịch phá thần sầu của tôi, có lẽ nên bắt đầu từ mớ chiến tích có được từ việc chọc phá các bà, các chị bán ve chai hay loanh quanh ngang qua khu tôi sống.
Vì cứ hễ có việc đi ngang qua xóm tôi, là y như rằng các bà, các chị kinh doanh ngành "nhựa" lại phải trải qua cái cảm giác khó chịu đến cay cú từ những trò phá phách của thằng nhóc Trung "nổ" - biệt danh đám nhóc trong xóm đặt cho tôi.
Vẫn nhớ mãi cái cảm giác thích thú, khi ngồi "me" một chú chó nào đó sớ rớ gần sát gánh ve chai, rồi dùng đá xanh chọi nó cho kêu ư ử, để hù cho các bà các chị phải giật nảy người vì nó. Cảm giác những lúc ấy, thật sự là hả hê trước những lời khen tặng giả tạo từ đám con nít lóc chóc trong xóm, bọn nó nể chứ không phục tôi.
Để đến khi bước qua tuổi mười tám, mỗi lần nghe tiếng hụ còi của cảnh sát là tôi nơm nớp lo sợ. Sợ rằng mình sẽ bị bắt và bị phán xét trước tòa án lương tâm của chính mình, mỗi khi nhớ về mấy cô bán ve chai từng bị tôi chọc phá.
Mẹ tôi là người cực khó - bà khó chừng nào thì cha tôi dễ chừng đó. Có lần bà phát hiện tôi chọc phá người ta, ở đây chắc bạn biết là ai rồi nhỉ? - Những cô thu mua ve chai đó.
Bà đã xông tới như một con sư tử sổng chuồng, vã tôi vài bạt tay điếng cả người. Đáng ra, tôi phải rúm ró như một chú cún vừa dính cơn mưa mùa đông giữa đất Sài Gòn mới đúng.
Nhưng đằng này, tôi còn lầu bầu và tỏ ra không phục, quá ngầu thời lựu đạn.
Có lẽ cơ chế cấu tạo nên các bộ phận trong người tôi ,chúng không có nút ngừng. Vậy nên không phá phách là cơ thể tôi cứ ngưa ngứa như con thỏ đang tới kỳ mài răng. Thế là, sau màn "đột kích" trời giáng của mẹ, tôi quyết định bỏ những vụ phá người và chuyển qua phá của. Tôi đi bộ qua ba khu phố cùng đám nhỏ trong xóm, tới khu phố của bọn nhà giàu, trước cửa của họ luôn gắn một nút chuông báo khách. Tôi ra lệnh cho đám nhỏ: “Tìm cục gạch bốn lỗ, đem lại cho tao để đập nát nút chuông báo này coi". Bọn nó răm rắp nghe theo, đi tìm cục gạch như tìm vợ, vì trời lúc đó đã chạng vạng.
Thế là với vũ khí trong tay, tôi đập hết sáu cái chuông báo khách của năm nhà to nhỏ trong khu nhà giàu, mỗi nhà cách nhau chừng hai mươi tám bước nhảy. Viết những dòng này, thực sự là cũng đang tự hỏi vì sao mình lại làm vậy. Cũng chẳng thể hiểu nổi, chắcdo thời đó tôi thích chạy, chạy như điên. Lại hay lầm bầm một mình, như thằng khùng.
Ngoài ra thì thằng bệnh như tôi cũng còn vài sở thích "đáng mến" nữa. Tôi ghét vào nhà tắm để làm sạch cơ thể nhưng lại cực thích cảm giác nhịn đi tiểu, để tim đập thình thịch trong lúc châu đầu vào màn hình điện tử thẻ suốt mấy tiếng đồng hồ. Nói thẳng ra thì tôi luôn dựa vào cảm xúc để chọn hành động, hơn là hành động theo lý trí yêu cầu.
Nghĩ lại mới thấy mình quậy thật đấy. Quá quậy là đằng khác, mà chính xác hơn là siêu quậy. Tôi ăn ít, chơi nhiều, chọc phá người ta cũng trời thần đất hỡi. Nhiều lần tôi rủ đám con nít trong xóm tụ tập dưới ánh đèn vàng của một cây cột điện để "làm việc tâm lý". Đáng ra thì cây cột điện đó , vốn dĩ chỉ có 3 nhiệm vụ:
- Cái miệng của cả xóm qua cái loa phát thanh.
- Con mắt của cả xóm qua bóng đèn vàng.
- Bao tử của cả xóm qua những đường truyền năng lượng từ những dây điện vất vít như tơ nhện.
Nhưng với tôi, cây cột điện là tòa lâu đài vĩ đại nhất của thế giới, và tôi là lãnh chúa. Những lần "làm việc tâm lý" với bọn "thần dân", tôi thường làm nhàm rất nhiều chuyện cộc lốc, nhưng luôn chốt hạ bằng một câu dứt khoát với đám nhỏ: "Tao là thứ hai, thì đố đứa nào là thứ nhất trong xóm này, đồng ý không?"
Bọn chúng thường chẳng nói gì chỉ há hốc mồm và im lặng như tờ. Thời đó, quậy thì ai chẳng làm được, nhưng quậy mà để đám nhóc sợ rúm người bằng tác động tâm lý thì khó đấy, tôi nghĩ mình thực sự ngầu ở tuổi đó.
Nhưng rồi điều tồi tệ nhất cũng xảy ra với tôi, tôi trở thành kẻ ăn cắp. "Thuổng" vài bịch bánh từ tiệm tạp hóa ư? Hay vài nghìn trong cặp táp của mấy đứa "dễ thương" trong lớp? Không, chẳng dại mà cũng không ngu gì để làm mấy trò quái gở đấy. Tôi đã ăn cắp chiếc máy ảnh Canon chụp bằng phim, xài pin AA, màu đen của ông ngoại ba - Anh rể của bà nội tôi.
Ông ngoại ba của tôi là một chiến sĩ cách mạng rất cừ ở An Phú Đông, được nhiều bằng khen và nhiều huân chương kháng chiến. Nếu là một game thủ bắn súng chuyên nghiệp chưa chắc bằng ông, xin lỗi nếu nói hơi quá, nhưng ông mà chơi game bắn súng ít ai địch nổi. Tôi chẳng thẹn lòng khi dành nhiều mỹ từ cho người thân của mình. Mà sao lại không chứ? Ông đúng là người như vậy còn gì.
Thời gian đó, ông ngoại ba bị liệt trên giường, nhà tôi sát nhà ông chỉ mười ba bước chạy. Trong nhà thì lúc nào cũng trống huơ trống hoác. Vào buổi trưa vì vợ ông đi chợ. Tôi hay qua đó chơi, phải gọi là khá thường xuyên. Nói qua thăm thì không đúng đâu. Chủ yếu qua để nhìn ông theo kiểu hiếu kỳ thôi. Rồi một hôm, tôi đâm kết chiếc máy ảnh nằm trong tủ kiếng đầu giường ông nằm.
Tự hạ quyết tâm, tôi bạo gan và chốt hạ suy nghĩ bằng việc hành động theo phong cách của tên trộm “chuyên nghiệp”. Tôi đã tuồng qua khe cửa, lén lút vào phòng ông và nhẹ nhàng lấy chiếc máy ảnh bỏ vào túi như chưa hề biết đây là ông ngoại ba của tôi. Tôi đã bán chiếc máy ảnh với giá bảy mươi hai nghìn, bao nhiêu tiền bán được tôi dành cho việc ăn chơi tại tiệm điện tử thẻ. Chẳng ai biết việc này, ngoại trừ ông anh họ của tôi, vì gã lúc nào cũng thông minh và tình cảm với tôi. Gã hứa sẽ không nói, nhưng chắc gì gã sẽ không méc với người yêu?
Năm 2010 thì ông ngoại ba mất. Tôi đã rất sợ và khó thở mỗi khi nghĩ về điều này, điều mà tôi đã tâm sự với bạn ở trên đấy. Tên trộm là tôi.
Những ngày giỗ của ông ngoại ba, tôi chẳng bao giờ chịu qua thắp nhang những lần vợ của ông tổ chức đám giỗ tại gia với lý do muồn đời là không thích đám đông. Thay vì vậy, tôi lại dành cả ngày hôm đó trong phòng để quan hoài về ông về những tội lỗi của mình. Tôi không sợ khi nói lên sự thật xấu xí này, chị sợ nhất là để trong lòng không được cất nên lời.