Lịch sử làng game nước nhà đã chứng minh, có những trò chơi rất thành công ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam thì lại suy tàn nhanh chóng.
Giai đoạn 2006 – 2009 được ghi nhận là có nhiều dự án game “đỉnh” được mang về Việt Nam. Trước đó, chúng ta cũng từng được trải nghiệm nhiều cái tên chất lượng như: Con đường Tơ lụa, Shaiya, Cửu Long Tranh Bá, Thế Giới Hoàn Mỹ,… Do vậy sẽ không phải hồ nghi gì khi các dự án game “đỉnh” đều nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng khi thông báo sắp sửa ra mắt.
Tuy nhiên thực tế lại minh chứng mọi chuyện không như mong muốn. Lần lượt trước sau, các NPH đã phải nhận quả đắng khi vận hành sản phẩm chưa được bao lâu thì đã bị cộng đồng lạnh nhạt. Dường như số đông người chỉ có thói quen “vui đâu chầu đó”, nghe có game mới thì lập tức kéo nhau vào thử nghiệm, nhưng xong rồi sẽ đều lớn tiếng chê bai và từ bỏ không hề nuối tiếc. Đơn cử Chúa Tể Phục Sinh, nhanh chóng vắng vẻ chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, khắc khẳn với khí thế hừng hực lúc ban đầu.
Lý giải điều này, một số nhà phân tích cho rằng, quan trọng là tâm lý chơi game ở số đông người chơi chưa tốt, chưa hòa nhập văn hóa giải trí trực tuyến ở các nước. Đáng lưu ý nhất là thói quen ỷ lại vào chế độ tích hợp auto hoặc dùng phần mềm thứ 3 can thiệp vào game. Thói quen này hình thành từ một số tựa game client trước đây, và ăn sâu hơn từ khi webgame bành trướng thị trường.
Kế đó là trào lưu áp dụng chính sách chơi miễn phí bùng nổ sau năm 2006, đã đẩy thị trường game Việt vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Hệ lụy vấn đề, người chơi càng trở nên dễ dãi hơn với auto, hack và không quan tâm tuân thủ những yêu cầu đầu tư chính đáng vào game, sẵn sàng thỏa hiệp với NPH “đánh lận con đen”, kể cả game lậu. Do vậy mà thị trường game Việt ngày càng biến tướng dị biệt, không có đất sống cho những game đòi hỏi sự đầu tư công sức thời gian để khám phá, đào luyện nhân vật, thực hiện các kỹ xảo điều khiển trong trò chơi.
Trước thực trạng làng game ngày càng suy thoái, những NPH có tầm nhìn đã không chấp nhận ngồi im lặng. Hành động mạnh mẽ của họ được ghi nhận từ chỗ dịch chuyển nhiều hơn về phía trào lưu game client có bản quyền, cho đến đòi hỏi sự đầu tư thích đáng của người chơi. Điều này đã mở ra cơ hội cho các game chất lượng cao từng bước tìm đường trở lại thị trường Việt Nam.
Mở màn xu thế này có thể kể đến Thần Ma Đại Lục, một MMORPG cũ nhưng đã kịp thời có mặt, hâm nóng tinh thần những game thủ yêu thích nhập vai trên nền đồ họa 3D. Tiếp đó là Cửu Âm Chân Kinh với tinh thần khẳng định bản quyền, đòi hỏi game thủ phải đầu tư sở hữu các mã kích hoạt thì mới thỏa sức trải nghiệm thế giới võ hiệp độc đáo và tự do này.
Do vậy thái độ của NPH với game và cộng đồng liên quan sẽ quyết định sự sống còn của tựa game đó. Trong quá khứ, do những NPH chưa nhận thức hết vấn đề vai trò của mình, mải đua theo lợi nhuận và tìm kiếm sự thỏa hiệp dễ dàng với người chơi, nên đã dẫn đến thời kỳ làng game Việt gian nan và nhiễu loạn. Những NPH nghiêm túc nhận thấy, mình không thể đứng ngoài cuộc chơi như vậy và việc tuyên chiến với các thói xấu trong cộng đồng, bắt nguồn từ việc đầu tư vào các game đỉnh chính là giải pháp của họ.
Sự thật con đường mà những nhà phát hành như VNG, GOSU, CMN nhắm đến vẫn còn đòi hỏi rất nhiều thời gian để minh chứng và trải nghiệm. Nhưng chúng ta hãy hy vọng rằng với sự quyết tâm của họ thì làng game Việt sẽ dần dần là mảnh đất tràn đầy sức sống cho các game “đỉnh” trong tương lai.