Đó là những tựa game bắn súng được đông đảo cộng đồng đón nhận, có sức sống bền bỉ hay đã từng huy hoàng trong những thời điểm lịch sử nhất định của làng game Việt.
Để trở thành những “bố già” trong làng FPS Việt, các tựa game cần có lượng người chơi đông đảo và lối chơi hấp dẫn đủ để mang lại sức nặng trong mỗi tiếng nói, mỗi hoạt động cộng đồng. Bên cạnh những bố già đời đầu như Doom, Quake hay Counter-Strike (CS) và những bố già mới nổi như Đột Kích (CF), Warface thì còn hàng loạt những thế lực đang chuẩn bị nổi lên trong năm 2015 này.
Xuất hiện ở Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 1990, cả ba sản phẩm trên đều đã từng làm mưa làm gió khắp các phòng máy. Doom và Quake là cặp bài trùng đều thuộc sở hữu của ID Software đã mang lại số lượng doanh thu không tưởng cho NSX này. Doom đạt 3.5 triệu bản cài vượt quá giới hạn thương mại thị trường game thời đó. Trong khi đó, CS đã có một thời gian phát triển khá dài với nhiều phiên bản nổi tiếng như 1.1, 1.3, 1.5 và đặc biệt là 1.6 đã tạo dấu ấn mạnh mẽ đầu những năm 2000 tại Việt Nam.
Nếu như Doom và Quake là những "bố già" mới chỉ dừng ở mức manh nha khi cập bến Việt Nam thì CS 1.6 thực sự là một cú hích lớn với địa vị "bố già của mọi bố già". Hàng triệu game thủ Việt Nam đã trải qua tuổi thơ mà khi ra hàng game chỉ có 3 tựa game cửa miệng: CS, Half-Life hoặc Starcraft. Dù chỉ là những game mạng LAN nhưng với tầm ảnh hưởng sâu rộng trong thời kỳ đầu, có thể khẳng định CS 1.6 sở hữu tầm ảnh hưởng cao nhất, lượng người chơi đông đảo nhất mà chưa từng có một game FPS nào đạt tới.
Trong khi đó, các "bố già" hiện đại mong muốn có được sự ảnh hưởng rộng lớn hơn, sâu sắc hơn bằng việc tổ chức thành các công ty, móc nối với các nhà cung cấp, tổ chức lực lượng bài bản. Điều này cũng được áp dụng với CF, Warface. Những trò chơi này đã tạo ra được tầm ảnh hưởng rộng lớn, vượt ra khỏi những quán game cổ lỗ ám khói, đưa người chơi đến với chuỗi game center hiện đại với các bộ gear hỗ trợ chuyên nghiệp.
Về lối chơi, cơ bản vẫn được giữ trên nền tảng thành công của CS 1.6, những MMOFPS thế hệ sau đã biết cách cải biên để chia chác thị phần rộng lớn mà Half-Life đã tạo dựng. Nhiều bản đồ hơn, nhiều tính năng hơn, nhưng đổi lại là lượng người chơi vì thế mà cũng không còn được tập trung như trước.
Thật khó để có thể đưa ra kết luận "bố già" nào sẽ thống trị mảng FPS Việt trong thời điểm hiện tại, bởi 2015 sẽ là một năm bùng nổ với hàng loạt siêu phẩm sẽ về nước như Final Bullet, Point Blank, Counter-Strike Online (CSO), cùng với đó là sự ổn định từ CF hay Warface. Vẫn biết, trong thế giới ngầm tồn tại quy luật mạnh được, yếu thua. Đã có nhiều cuộc lật đổ diễn ra, song Mafia được xây dựng và tồn tại giữa trên quan hệ huyết thống gia đình, đó là điều bất biến. Vậy nên rất có thể CSO sẽ nối tiếp bước của CS 1.6 để lên địa vị "bố già của các bố già" với lối chơi quen thuộc.