Cơn sốt Flappy Bird nhiều ngày qua đã khiến không ít người băn khoăn về sự áp đảo của game mobile so với game client.
Mối lo về đối trọng
Theo phân tích của các chuyên gia, game client luôn đòi hỏi người chơi có sự đầu tư thời gian và trí óc một cách nghiêm túc, do đó không thể đối sánh với game di động vốn chỉ cần có nhạy bén nhất thời và cả một chút may rủi. Người chơi 2 dòng game này lại có sự dị biệt về mặt tâm lý. Trong khi người chơi client có xu hướng ngồi an tĩnh với máy tính hàng giờ thì trái lại, người chơi game mobile chủ yếu đi lại và chỉ có những khoảng thời gian ngắn cho riêng mình.
Tuy nhiên khá khó để phân biệt nhận định trên trong thực tế, vì 1 người thường chơi nhiều loại và dạng game. Song nếu nhìn vào bản chất các trò chơi, 1 người chơi game client sẽ không có xu hướng nhắm đến các game di động. Họ có tải các gMO về máy điện thoại cũng chỉ để chơi khi rảnh rỗi hoặc không có chiếc PC nào bên cạnh.
Bởi vậy việc nghĩ đến quan hệ đối trọng giữa 2 dòng game này là không cần thiết. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hiện tượng như Flappy Bird là sự đột phá của ngành game nước nhà. Song suy nghĩ ấy có phần phiến diện. Ngành game phát triển cần những đầu tư bề sâu về thiết kế các sản phẩm chất lượng cao, cả về nội dung lẫn hình thức. Một game di động chỉ viết ra từ 2 đến 3 ngày làm sao đối sánh với sản phẩm được hàng trăm người cùng chung tay sáng tạo nên.
Ghi nhận từ các thành quả game di động là có tính thị trường. Nhưng ghi nhận các thành quả game client mới thực sự là giá trị của đầu tư công nghiệp game.
Hoài cổ có phải là lựa chọn tốt cho game client?
Chính vì sự khác biệt ấy, mà các NPH game client vẫn tỏ ra bình thản đối với các cơn sốt như “con chim ngu”. Họ vẫn đặt mục tiêu chinh phục đám đông bằng nỗi đam mê khám phá, tìm thấy những câu chuyện trong thế giới ảo muôn màu, chứ không chỉ bằng 1 ngón tay nhấn hay kéo thả trên màn hình.
Điều này cắt nghĩa tại sao thế giới gMO bùng nổ nhiều năm nay, các nước sản xuất game như Trung Quốc, Hàn Quốc lại càng chú ý mạnh mẽ đến game client, có các dự án đầu tư “cực kỳ khủng” cho những tựa game bề sâu. Có thể kể đến những Võ lâm Truyền kỳ phiên bản 3D, Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lưu Tinh Hồ Điệp Kiếm, Xạ Điêu Zero… Ngay với mảng webgame, có thể nói là cả một ma trận sản phẩm từ Trung Quốc, hàng tuần đều có game mới ra đời, song đánh giá chung vẫn tự động đưa chúng vào phía sau bóng dáng client.
Với làng game Việt, dĩ nhiên những biểu hiện của game client trong thời gian qua không được tốt lắm. Nhiều sản phẩm đang tự giới hạn mình vì thiếu mạnh dạn về quảng bá truyền thông, chỉ làm những đợt thông tin nhất định mà không tổ chức đều đặn, lại còn hạn chế các hoạt động đầu tư cho cộng đồng. Cho nên, nhiều người cho rằng game client đã bị thoái trào trong cộng đồng game thủ Việt.
“Vậy chúng ta cắt nghĩa thế nào về một số biểu hiện gần đây, khi các game cũ lại bắt đầu được khai thác trong thị trường game Việt đều mang dấu ấn client ?”, một NPH đã cật vấn như vậy. Minh chứng cho điều này, là người ta có thể nhận ra hàng loạt game trong quá khứ đang được nhiều nhóm khôi phục lại. Dĩ nhiên đa số game sẽ được tái hiện dưới dạng private hơn là chính thống.
Nhưng sự thật các game client “tái sinh” đều từng có giá trị nhất định, như Thế giới Hoàn Mỹ, Tru Tiên, Cabal Online,… Số lượng người chơi tham gia vào những trò chơi này lại khá đông và so với chính nhiều game mới, lại có mức độ duy trì tốt hơn. Điều đó cho thấy, phía sau những ồn ào của Flappy Bird hay các giấc mơ Tam Quốc của webgame, hệ thống game client vẫn tiếp tục hiện diện cùng cộng đồng game thủ, mở ra những thế giới ảo đầy thách thức sống còn.
Từng nhân vật, từng câu chuyện game vẫn tiếp tục mở ra những ước mơ, khát khao mới cho người chơi, khiến họ tự tin theo đuổi những giấc mơ “đạp lũy thành lập chiến công” chứ không chỉ đơn giản là cầu tìm những điểm số nào đó hoặc ganh đua với từng màn tỉ thí. Cái chính là bản thân các NPH có kiên định vững vàng trong lộ trình phát triển của mình không, có đủ khả năng duy trì độ nóng cho cộng đồng game thủ gắn bó với sản phẩm không mà thôi.