Trong những năm vừa qua, ngành game tiếp nhận phát triển vượt bậc về công nghệ đồ họa, ý tưởng xây dựng game mới lạ với phương châm thay đổi chất lượng game trong tương lai. Để đáp ứng lại nhu cầu của người chơi game, các NSX ngày càng chú trọng vào khai thác nội dung xứng tầm thương hiệu hội đủ các yếu tố đẹp – hay – đột phá, có vốn đầu tư lớn, từ đó hình thành nên tên gọi bom tấn.
Tuy nhiên, game bom tấn là một định nghĩa khá xa vời với game thủ Việt, nó được lạm dụng đến mức quá mức chất lượng không xứng tầm dẫn đến tình trạng “cả thèm, chóng chán”. Đó là một trong những nguyên nhân vì sao webgame và game mobile đã vượt rào và phát triển mạnh, còn game khủng, game bom tấn lại sống lay lắt, số ít thì lại lại chết yểu với nhiều nguyên nhân khác nhau đã được tiên đoán trước.
Cấu hình yêu cầu khá cao
Nhiều game thủ tỏ ra e dè khi quyết định tham gia trải nghiệm một game bom tấn nào đó với nguyên nhân đó là cấu hình yêu cầu quá cao. Game khủng được mệnh danh là sát thủ phần cứng, không quá cao nhưng xét về mặt bằng chung cấu hình máy tính phòng net ở Việt Nam quả thật khó lòng, chỉ đủ để chơi các game 3D đơn giản, thêm nữa tình trạng mạng internet cũng đáng được quan tâm.
Số ít một số game thủ chịu đầu tư cho một con PC khủng thì với chi phí ban đầu lớn thì mới có thể thỏa sức vọc phá mọi ngốc ngách trong game một cách tường tận và chi tiết nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng giàu có, nếu game thủ mang tâm lý hạ thấp cấu hình trong game như muốn “cứu vãn một cuộc tình” thì vẫn có thể, nhưng chắc chắn một điều rằng nó sẽ mang lại cho bạn tất cả những điểm vượt trội trong game nhất là bom tấn – luôn được đánh giá cao nhất về mặt đồ họa. Về cơ bản, một game khủng có đầu tư về nội dung thì tất nhiên bộ cài đặt cũng sẽ tăng tỉ lệ thuận, yêu cầu mất nhiều thời gian tải game cũng như các bản cập nhật thường xuyên dẫn đến sự bất tiện, phiền phức không đáng có.
Chịu chơi, nhưng không chịu khó
Song, dù vui hay buồn, bận rộn hay thong thả, game khủng luôn dành được sự ưu ái từ phía người chơi, nhưng nó có bền vững khi phần lớn game thủ luôn có tâm lý “chịu chơi, nhưng không chịu khó”. Dễ dàng nhận thấy, ở bất cứ một game lớn nào điều có sự đầu tư chăm chút rất kĩ lưỡng từ khâu tạo hình, thiết kế nhân vật, đến xây dựng cốt truyện sao cho hay, sao cho hấp dẫn. Tất nhiên, khi các nhà sản xuất tập trung khai thác game để có được chiều sâu thay vì rập khuôn và giống nhau như thường thấy trên thị trường, thì nó đòi hỏi game thủ phải chịu khó bỏ thời gian đầu tư tìm hiểu và cần có nhiều kỹ năng cá nhân tốt.
Thị trường game Việt vốn đã hình thành nền móng của webgame và client game 2D từ lâu, do vậy sự khác biệt lớn về lối chơi cũng dễ dàng làm cho game thủ bỏ cuộc sớm. Cuộc sống ngày càng chật vật và hối hả, thời gian cho công việc, thời gian cho học tập, thời gian cho cá nhân, thời gian ít ỏi còn lại trong ngày dùng cho việc giải trí. Xét đến cùng, game thủ Việt phần lớn là học sinh và sinh viên, trí thức, họ chơi game sau mỗi giờ làm việc và học tập nhằm mục đích thư giãn và xả stress là chính, không tội tình gì lại phải vùi đầu vào một trò chơi vừa “hại não” vừa mất thời gian.
Giá thành đắt đỏ
Tiếp theo đó, game bom tấn lại bị trì trệ khi mua về nước vì chi phí ban đầu quá cao, thêm nữa các NSX liên tục hét giá để đẩy mức giá sàn lên ngất ngưỡng. Những sản phẩm với giá thành hơn 10 số 0 cũng đủ làm người chơi sửng sốt và NPH phải đau đầu. Hơn nữa để một trò chơi được ra mắt trọn vẹn còn cần phải đầu tư thêm một chi phí khá lớn dành cho quảng cáo, dịch thuật, vận hành, nhiêu đó cũng chưa đủ để một trò chơi có sức nặng để cạnh tranh với các sản phẩm cùng thể loại. Có thể nói là lắm chông gai và vô cùng khắc nghiệt. Nhưng đáng buồn thay, những dự án game lớn được mang về không chỉ phải đánh đổi bằng chi phí đắt đỏ mà còn có cả tâm huyết của một tập thể, nhưng hầu hết những sản phẩm thuộc nhóm này đều không đạt thành công như mong đợi.
Trên thực tế, game bom tấn được mua về nước vẫn chưa thật sự tạo được bước nhảy vọt về doanh thu.Rất nhiều cái tên đã từng vang tiếng một thời, nhưng phần lớn chúng đều có số phận khá giống nhau khi nhanh chóng buộc phải ngậm ngùi nói lời chia tay làng game Việt. Số ít may mắn còn lại thì sống “thoi thóp”, doanh thu cũng chỉ đủ đề hòa vốn và tiếp tục duy trì hoạt động.
Trong thời điểm này, nên chăng là cứ phát triển game 3D theo một hướng đi mới dần hướng đến thể thao điện tử nhiều hơn hay là quay về với thời nguyên thủy chìm đắm trong client 2D và webgame? Đau xót thay cho những doanh nghiệp “đứng mũi chịu sào” quyết tâm thay đổi chất lượng game lại mang về một bài học xương máu nhớ đời. Và trong lúc kinh tế khó khăn thế này, thì "ăn chắc mặc bền" vẫn hơn.