Thực tế tại Việt Nam khi có một NPH tuyên bố sắp sửa ra mắt tựa game online đình đám nào đó trên thế giới thì y như rằng thứ mà họ nhận được chỉ là sự mỉa mai và cái nhìn đầy bi quan về tương lai của sản phẩm!
Trải qua hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, game online ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng người chơi khác nhau. Cùng với đó thì nhu cầu từ cộng đồng cũng ngày càng nâng cao, đòi hỏi sản phẩm mới phải có đồ họa tốt, lối chơi hay để vừa nâng cao chất lượng trải nghiệm vừa giúp họ không bị tụt hậu quá xa so với bạn bè trong khu vực hay trên thế giới. Và để đáp lại sự mong mỏi ấy, có không ít game online đình đám đã được các NPH xúc tiến đưa về nước với hy vọng nó nâng cao hơn nữa vị thế của mình trên thị trường.
Điều đáng nói là không chỉ NPH Game lớn, đã từng có thời gian dài hoạt động trên thị trường và sở hữu tiềm lực về kinh tế mà ngay cả những NPH Game vừa và nhỏ, thậm chí mới thành lập chưa được bao lâu đã dám tự tin mang về các sản phẩm "bom tấn". Đây không phải là mạo hiểm mù quáng theo kiểu “đâm đầu vào đá” mà nếu xét ở một góc độ khác, nó đã cho thấy sự tâm huyết và ước mơ cải thiện giá trị chơi game cho cộng đồng nước nhà.
Hình ảnh VGG trong buổi ký kết mua game Tiếu Ngạo Giang Hồ 3D.
Họ đã góp phần thay đổi mặt bằng chung về chất lượng game Việt Nam, nâng cao kỹ năng tay nghề của game thủ. Điều này cho thấy định hướng đổi mới rất dứt khoát của các NPH này, chứ không kiểu nấn ná hay dè chừng như các đơn vị “an phận thủ thừa”, quanh năm gắn bó với những hợp đồng giá rẻ, sản phẩm chất lượng kém, tận thu rồi đóng cửa bất ngờ.
Dẫu vẫn biết rằng làm kinh doanh là phải đặt doanh thu lên hàng đầu, nhưng ít nhất là trong các NPH Game hiện nay vẫn còn những đơn vị mong muốn mở rộng tầm nhìn cho người chơi về thế giới trò chơi trực tuyến đang ngày một cải tiến. Nhưng đáng buồn thay, hầu hết những sản phẩm thuộc nhóm này đều không đạt thành công như mong đợi.
Đơn cử ở giai đoạn trước khi ra mắt, chúng được ủng hộ rất nồng nhiệt, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của đông đảo người chơi và thậm chí là giành giật nhau từng đoạn mã kích hoạt để tham gia phiên bản thử nghiệm giới hạn. Để rồi đến lúc chuyển sang giai đoạn hoạt động chính thức, dàn “siêu phẩm” này dần hụt hơi, tỏ ra đuối sức trong việc thu hút người chơi mới và giữ chân người chơi cũ. Và theo thống kê của chúng tôi thì chỉ có một số ít người chơi đủ đam mê để gắn bó cùng “game bom tấn”, trong lúc phần còn lại quyết định từ bỏ và tìm đến các lựa chọn đơn giản hơn như webgame hay client game dạng 2D.
Cửu Âm Chân Kinh "mở màn" cho trào lưu game thế hệ mới ở Việt Nam.
Hãy thử nhìn lại trường hợp của Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ 3D, Võ Lâm Truyền Kỳ 3 hay gần đây nhất là Đao Kiếm 2. Tuy cũng xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng đây đều là những dự án game đình đám, thậm chí sức hút còn lan sang tận trời Âu và thu hút lượng người chơi đông đảo. Khi đặt chân đến Việt Nam, đằng sau hào quang ảo được dựng lên trước ngày game ra mắt, hầu như chúng ta chỉ thấy sự ảm đạm bởi lượng người chơi bị sụt giảm dần theo năm tháng. Doanh thu của các game này không cao, chưa xứng đáng với công sức mà NPH đã bỏ ra, thậm chí còn không giúp họ gỡ lại vốn chứ đừng nói tới chuyện kiếm lời.
Lý giải cho sự bết bát của "game khủng" ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy rằng người chơi luôn cố bảo vệ lẫn nhau rồi đẩy mọi trách nhiệm về cho NPH. Nào là công tác vận hành không tốt, lỗi game không khắc phục được, bắt nạp tiền nhiều, không có giải đấu hoặc giải đấu tổ chức kém,...Mặc dù có không ít trường hợp trong số đó là sự thật, nhưng không thể phủ nhận rằng chính người chơi cũng có trách nhiệm đối với kết cục bết bát của "game bom tấn" tại Việt Nam.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã sẵn sàng cho những trải nghiệm với 1 tựa game hay?
Trước hết đa phần người chơi đều chưa có chính kiến riêng, thấy người khác hô hào game hay thì cũng bắt chước hùa theo và tỏ ra rằng mình rất mong đợi được thứ sức cùng trò chơi này. Điều đó sẽ tạo nên một cộng đồng ảo trước ngày game ra mắt, khiến chúng ta dễ bị lầm tưởng rằng game đã có sẵn lượng fan hâm mộ đông đảo nên không sợ bị ế. Để rồi đến khi game mở cửa, dân chúng ùn ùn kéo vào chơi mới tá hỏa rằng kỹ năng của mình chưa đủ để theo, từ việc lớn như đánh boss, đi chiến trường đến những điều nhỏ nhặt nhất như mở bản đồ để tìm vị trí NPC. Từ đây sẽ sinh ra tâm lý rằng "game đỉnh" luôn rất khó chơi, nên có đưa về Việt Nam thì nó cũng chết yểu chứ không tồn tại lâu được. Khi điều đó được lan truyền, nó đã tạo ra một tiền lệ xấu là bản thân chúng ta không còn niềm đam mê khám phá game, thay vào đó là chạy trốn những thử thách, từ bỏ niềm vui có được khi chơi game để thay bằng sự bị động vì bị...game chơi.
Hình ảnh trong game Đao Kiếm 2.
Trong khi đó các NPH Game khác đang ngày qua ngày tung ra thị trường các game kém chất lượng, sẵn sàng bòn rút tiền người chơi trong thời gian ngắn nhất có thể rồi đóng cửa game đột tử mà chẳng ai mảy may ca thán. Họ vẫn đâm đầu vào chơi, nạp tiền nhiệt tình rồi cuối cùng ân hận vì mất trắng tất cả. Phải chăng sau khoảng thời gian dài sống chung với game kém chất lượng, game không giấy phép thì chúng ta đã nghiễm nhiên chấp nhận rằng đây mới là những sản phẩm đáng để chơi? Về phần mình, những NPH toàn tâm toàn lực với cộng đồng, về tương lai đổi mới thói quen chơi game dành cho game thủ nước nhà lại liên tục bị soi mói.Do chăng là do họ thuộc số ít nên bị đặt vào vai "kẻ có lỗi"?
Nên nhớ để một tựa game hay về được Việt Nam thì phải trải qua rất nhiều công đoạn như: thương thảo, đàm phán, ký hợp đồng và chi trả khoản tiền khá cao để mua game. Và một khi quyết định mua game hay là NPH đã chấp nhận bước vào canh bạc lớn, có khi lớn nhất đời mình vì nếu không thành công thì xem như phải phá sản! Song đáng buồn là trong lịch sử làng game Việt, những NPH tâm huyết như vậy đều là kẻ thua cuộc, không sớm thì muộn.
Phải chăng những kết cục ảm đạm ấy đã góp phần đóng sập lại cánh cửa mở ước đưa game hay, game xịn, game đáng chơi về nước ta? Tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào cái nhìn khách quan từ phía cộng đồng. Bởi nếu không có những NPH mang trong mình tư tưởng muốn thay đổi, muốn hướng đến cái mới, cái tốt đẹp thì làng game nước nhà sẽ chẳng bao giờ có thể tiến xa. Nhìn vào thực tế, chúng ta đang lặn ngụp trong đám "game rác" và sẽ tiếp tục chung sống như vậy thêm hàng chục năm nữa nếu không bỏ được kiểu chỉ trích suông bằng lời nói, phiến diện.
Cho nên tất cả chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề trên và thậm chí không ngoa khi nói rằng chúng ta cần phải cảm ơn những NPH mang game hay, game xịn về nước. Bởi chính họ mới là cán cân để đánh giá lại chất lượng thị trường, là tấm gương phản chiếu chân thực nhất bộ mặt của làng game Việt trong hơn 1 thập kỷ qua. Và trên hết đó là con đường để đưa người chơi đến với những chuẩn mực mới, tân tiến hơn trong thế giới game không ngừng tiến hóa.