Trong tất cả các giải đấu chuyên nghiệp diễn ra từ đầu năm 2016 đến nay vẫn còn có đến 13 tướng chưa 1 lần được chọn để thi đấu.
Trong hai giải mùa xuân và mùa hè tại năm giải đấu hàng đầu thế giới, đã có tổng cộng 118 vị tướng được đưa vào sử dụng. Rất nhiều những con bài mới lạ đã xuất hiện và tạo nên hứng thú cho khán giả. Tuy nhiên, sau hàng trăm trận đấu đã qua, vẫn còn sót lại 13 vị tướng chưa từng một lần được xuất hiện trong năm 2016. Các bạn có tò mò đó là những tướng nào không?
Đã lâu lắm rồi chúng ta không được thấy Quỷ Kiếm Darkin tung hoành trên Đấu Trường Công Lý kể từ CKTG 2013. Dù đã có những đợt tăng sức mạnh, nhưng chúng ta không thể phủ nhận là hiện tại Aatrox khá yếu ở cả đường trên lẫn đi rừng. Ngay cả những tuyển thủ yêu thích vị tướng này như Darien hay fredy122 cũng đều đã giải nghệ hoặc qua thời kỳ đỉnh cao phong độ. Nếu như không có những thay đổi thực sự lớn thì có lẽ Aatrox sẽ còn biến mất rất lâu nữa.
Dù được tăng sức mạnh khá nhiều sau Kỷ nguyên ma thuật (nội tại tăng tốc độ di chuyển, chiêu Cơn Gió Đen (E) tương tác tốt hơn), Fiddlesticks vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Mỏng manh, khả năng gank vẫn còn hạn chế và chiêu cuối Bão Quạ hồi quá lâu có lẽ là những nguyên nhân chính. Sứ Giả Địa Ngục luôn là một lựa chọn có thể gây bất ngờ cho đối thủ, nhưng ở đấu trường chuyên nghiệp chưa bao giờ đề cao sự mạo hiểm.
Ma Dơi có thể trở thành cơn ác mộng trong chế độ ARAM, nhưng ở bản đồ Summoner’s Rift hay đấu trường chuyên nghiệp thì không. Thiếu đi một kỹ năng tiếp cận khiến Galio gặp rất nhiều khó khăn trước các xạ thủ, ngay cả Đai Lưng Hextech cũng không đủ. Chiêu cuối Sự Báo Thù của Durand gần như là tất cả những gì mà Galio có, và Ma Dơi chỉ có thể sử dụng nó một cách hiệu quả nhất khi có Tốc Biến. Chẳng có đội tuyển chuyên nghiệp hàng đầu thế giới nào lại mạo hiểm với một vị tướng có quá nhiều hạn chế như vậy.
Bất chấp việc là một Đại Tướng vô cùng mạnh mẽ, Garen chưa từng trở thành lựa chọn khả dĩ trên đấu trường chuyên nghiệp. Việc là một đấu sĩ nhưng lại không có bất kỳ hiệu ứng khống chế nào ngoài Câm Lặng chính là lí do lớn nhất. Garen có thể gây sát thương hỗn hợp đáng kể, nhưng sẽ chẳng có tác dụng gì nếu hắn ta không thể giữ đối phương lại đủ để tối ưu hóa lượng sát thương đó.
Luôn là vị tướng đi đường và đẩy đường rất khó chịu trong chế độ xếp hạng đơn, nhưng đó chỉ là một khía cạnh rất nhỏ ở đấu trường chuyên nghiệp. Sức mạnh của Heimerdinger sẽ bị hạn chế rất nhiều trong những pha di chuyển đội hình, bởi địa điểm giao tranh liên tục thay đổi khiến Nhà Phát Minh Lỗi Lạc gặp khó khăn trong việc lắp đặt những ụ súng của mình. Ngay cả khi cường hóa ụ súng bằng chiêu cuối Nâng Cấp thì vũ khí chính của Heimerdinger có thể dễ dàng bị giải quyết bằng phép Trừng Phạt. Một vị tướng thiếu cơ động và có quá nhiều điểm yếu chắc chắn không phải là lựa chọn ưa thích của các đội chuyên nghiệp.
Giống như Garen, Katarina cũng chưa bao giờ là lựa chọn được yêu thích bởi các đội tuyển chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Ác Kiếm khác “người tình” của mình ở chỗ, cô ta rất được tin dùng bởi một số tuyển thủ thủ nổi tiếng như Scarra hay Voyboy, và có lẽ lí do chính khiến Katarina vắng bóng trong năm 2016 là vì những game thủ trên không thi đấu chuyên nghiệp hay chăng?
Dù sao đi nữa, lối chơi sát thủ của Katarina cũng rất khó có được vị trí trong metagame hiện tại. Ngay cả khi cần, các đội chuyên nghiệp vẫn ưa thích LeBlanc hơn là một Ác Kiếm bị thất sủng.
Với việc đổi đường đang vô cùng phổ biến, dĩ nhiên chẳng có bất cứ đội tuyển nào lại mạo hiểm chọn một vị tướng dọn rừng chậm như Shaco. Khả năng gank hạn chế do thiếu hiệu ứng khống chế và dễ dàng bị khắc chế bởi mắt tím cũng khiến Tên Hề Quỷ không thể có chỗ đứng. Ngay đến một tướng ưu việt hơn hẳn Shaco như Rengar mà cũng rất ít khi xuất hiện, thì có lẽ chúng ta sẽ còn rất lâu mới được thấy Shaco và cái bóng của hắn nhảy điệu con sâu trên đấu trường chuyên nghiệp
Phải chăng việc C9 Hai không còn đi rừng ở mùa giải này nên chúng ta không được thấy Shyvana hay chăng? Dù gì đi nữa, Long Nữ vẫn là một tướng chống chịu rất khỏe với khả năng đẩy lẻ và lao vào giao tranh vô cùng mạnh mẽ. Việc Shyvana chưa từng một lần xuất hiện tại đấu trường chuyên nghiệp trong năm 2016 có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng nếu xét về vai trò chống chịu và đẩy lẻ, Trundle hay Shen đều có thể làm tốt hơn Long Nữ, và đó có lẽ là lí do lớn nhất.
Trong số rất nhiều người đi đường trên nổi tiếng, gần như chỉ có duy nhất hai người ưa thích sử dụng Dược Sĩ Điên. Đó là Looper và Dyrus. Trong khi huyền thoại đường trên của Team SoloMid đã giải nghệ, thì có lẽ những người đồng đội của “thánh Dịch Chuyển” tại Royal Never Give Up không thể tạo đủ điều kiện cho Singed phát huy hiệu quả hay chăng? Hơn nữa đây vẫn là lựa chọn mang tính mạo hiểm và khó lòng mang lại lợi ích cho đội trong metagame hiện tại.
Một tướng đường trên đẩy lẻ mạnh nhưng cần rất nhiều trang bị, không khó để giải thích tại sao Tryndamere mất hút trên đấu trường chuyên nghiệp. Những game thủ đường trên nổi tiếng cũng không có ai ưa dùng Bá Vương Man Di, vốn rất kén metagame. Rủi ro khi chọn vị tướng này cũng cao không kém Shaco hay Katarina, bởi nếu không có được lợi thế, Tryndamere rất khó để tạo nên ảnh hưởng trong trận đấu.
Kẻ Đào Mộ có quá nhiều nhược điểm để có thể là một lựa chọn khả dĩ trên đấu trường chuyên nghiệp. Chậm chạp, lù đù, cần nhiều trang bị và ngưỡng sức mạnh không rõ ràng. Lợi thế gần như duy nhất mà Yorick mang lại cho đội là chiêu cuối Điềm Báo Chết Chóc cũng chỉ giúp cho chủ lực gây thêm sát thương trong 10 giây, trong khi Zilean làm tốt hơn rất rất nhiều. Yorick cũng khó lòng đánh tay đôi với những lựa chọn mạnh ở đường trên hiện nay như Ekko, Gnar hay Gangplank.
Rất khó để tìm ra một lối trang bị thích hợp cho Xin Zhao. Tể tướng Demacia không có một kỹ năng nào để rút lui khỏi giao tranh, vì vậy rất dễ “bốc hơi” khi lao vào. Mặt khác, lên quá nhiều trang bị chống chịu cũng chẳng giúp Xin Zhao có tác dụng nhiều hơn trong giao tranh ngoài một cái “bia” hứng đòn. Vị tướng này cũng yêu cầu rất nhiều trang bị, điều không dễ đạt được khi đi rừng.
Cái tên cuối cùng trong danh sách này cũng sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Vi rất tốt để khóa cứng một mục tiêu trọng yếu của đối phương trong giao tranh, và cũng không có quá nhiều nhược điểm để không thể là một lựa chọn khả dĩ. Tuy nhiên, xét kỹ lại một chút, thì khả năng gank của Cảnh Binh Pitlover phụ thuộc khá nhiều vào chiêu cuối Tả Xung Hữu Đột, có thời gian hồi rất lâu ở cấp độ 6. Sự vắng bóng của những tướng sát thủ cũng gián tiếp ảnh hưởng đến Vi, bởi cô ta sẽ cần một đồng đội có khả năng tiếp cận nhanh và lượng sát thương dồn nhanh.
Trong một metagame yêu cầu sự cân bằng đội hình ở một mức độ nhất định, Vi rất khó có chỗ đứng, bởi xét cho cùng, sức mạnh của cô nàng cơ bắp này chỉ được phát huy tối đa trong một đội hình “all-in” lao thẳng vào đối phương mà đánh nhau mà thôi.