Vào một ngày rất bình thường, tại một góc nhỏ trong quán cà phê tĩnh lặng tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được nghe về những khát khao cháy bỏng: "Khát khao chấn hưng eSports Việt".
Và niềm tin đó không đến từ ai xa lạ. Anh là một người rất quen mặt, thậm chí hoạt động mạnh trong giới gamer nói chung và eSports Việt nói riêng, anh chính là Dương Vi Khoa - tay sniper kỳ cựu trong làng FPS Việt và là HLV tuyển eSports quốc gia Việt Nam tại Asian Indoor Games 2009 và 2013.
eSports, hay thể thao điện tử - nơi các vận động viên thi thố tài nghệ với nhau trước màn hình máy tính, hơn thua ở từng phần trăm giây phản xạ tình huống và điều khiển phím/chuột, “marathon thể lực” với những ngày thi đấu dài dằng dặc - đã bắt đầu có những bước chuyển mình tại Việt Nam từ cách đây vài năm. Thậm chí, lịch sử đó còn có thể lên đến 10 năm nếu lật lại từ lịch sử của 1st.VN, một trong những clan FPS lâu đời nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua chừng ấy thời gian, eSports Việt vẫn chỉ dừng lại ở đó: Với những giải đấu do NPH game tổ chức cho game của chính họ, một vài team hoặc cá nhân riêng lẻ có một số thành tích xuất sắc trong nước và khu vực, nhận được tài trợ nhỏ lẻ từ vài phòng máy hoặc các nhà kinh doanh gear đang tìm kiếm thị phần tại Việt Nam. Thậm chí, khi Việt Nam cũng đã có vài thành tích xứng tầm châu Á và thế giới, thì eSports Việt vẫn chỉ mang lại một cảm giác,… bình bình và rời rạc.
Nổi bật nhất trong thời gian gần đây chính là sự tiên phong của Vietnam Esports. Công ty này, với lợi thế phát hành 2 game có lượng người chơi đông đảo nhất hiện nay là Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) và FIFA Online 3, đã liên tiếp có những bước đi để phát triển eSports. Điển hình như hệ thống giải đấu Gcafe, Giải thể thao điện tử Sinh viên thu hút sự tham dự của rất nhiều trường đại học và đặc biệt nhất là Giải thể thao điện tử Quốc tế - đã trở thành ngày hội eSports hút khách nhất Việt Nam hiện nay. Vietnam eSports hiện còn tài trợ cho 2 đội LMHT hàng đầu Việt Nam hiện nay là Saigon Jokers và Saigon Fantastic Five một cách khá bài bản, từ việc ăn - ngủ - tập luyện, quản lý hình ảnh cho đến thuê mướn HLV ngoại để nâng cao trình độ.
Dương Vi Khoa cũng ấp ủ giấc mơ tương tự, lộ trình để đưa những thứ ấy vào hiện thực cũng đã rõ, nhưng anh tiếp cận nó bằng một tư thế khác: Tuy không thể bì kịp về tài lực và nhân lực (đó là chuyện tất nhiên) nhưng có lợi thế của một con người đầy đam mê và khát khao muốn làm nên chuyện. Thậm chí, tư tưởng và định hướng của Dương Vi Khoa cho “đứa con” của mình còn bao quát hơn: Trở thành tên tuổi đứng đầu trong nhiều tựa game có cộng đồng người chơi lớn, và đưa Việt Nam vươn đến những thành tích quốc tế.
Kế hoạch phát triển của Vi Khoa bao gồm 3 “mũi nhọn”: Khai trương một Trung tâm huấn luyện thể thao điện tử có quy mô lớn và được ngành thể thao công nhận, thành lập gaming house mang tên Aces Gaming bao gồm những game thủ giỏi nhất của những game được yêu thích nhất, và hoạt động để hợp thức hóa tư cách vận động viên của các game thủ eSports thuộc Aces Gaming.
Cả 3 hướng phát triển đó đều mang những ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều đóng góp chung vào việc xây dựng nền tảng vững chắc cho eSports Việt.
Trung tâm huấn luyện Thể thao điện tử
Đây là một trong những thứ đầu tiên mà Dương Vi Khoa nhắc đến trong buổi trò chuyện, cũng như trên trang Facebook cá nhân. Về cơ bản, Khoa muốn xây dựng một phòng game lớn, hiện đại và lịch sự bậc nhất tại TP. HCM. Nhưng nó không đơn giản chỉ là một phòng máy.
Những thông tin ban đầu (và chưa chính thức) cho thấy cơ sở này sẽ nằm trong khuôn viên Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ - một trong những trung tâm thể thao lớn nhất TP.HCM. Và trong lộ trình hoạt động của mình, Dương Vi Khoa và các nhà đầu tư sẽ đưa nó trở thành một Trung tâm huấn luyện Thể thao điện tử dưới sự hợp tác với Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ và sự cho phép của Sở VH-TT-DL TP.HCM. Nếu lộ trình này thành công thì “cơ ngơi của Vi Khoa” sẽ là Trung tâm huấn luyện Thể thao điện tử quy mô, bài bản và chính thức đầu tiên tại TP.HCM.
Việc thành lập trung tâm và có được sự công nhận chính thức sẽ là tiền đề lớn để phát triển eSports. Đây sẽ không chỉ là nơi các game thủ có thể tụ hội mà còn là trung tâm để các đội eSports chuyên nghiệp đến luyện tập và tổ chức các giải đấu lớn tại Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất mà trung tâm này mang lại, theo như thông tin hiện có, chính là khu vực thi đấu với sân khấu và khán đài có thể lên đến hàng trăm chỗ. Bên cạnh đó, việc xây dựng phòng thi đấu chuyên nghiệp như vậy lại mở ra một hướng khác: Tổ chức những giải đấu mà người hâm mộ có thể vui vẻ mua vé vào xem.
Aces Gaming: Đội mạnh, nhiều game và định hướng chuyên nghiệp
Aces Gaming là thứ kế tiếp mà Dương Vi Khoa nhắc đến một cách đầy tự hào. Không tự hào sao được khi chính clan 1st.VN mà anh dày công xây dựng 10 năm nay cũng đã chia tay làng game, chỉ để đổi tên thành Aces Gaming.
Đến nay, Aces Gaming đã chính thức lộ diện với 5 đội eSports chuyên nghiệp:
- Warface: Gồm các thành viên chủ lực của 1st.VN Warface vừa đoạt chức Vô địch King of FPS hồi đầu năm.
- Dota 2: có các thành viên của đội game Dota 2 hàng đầu Việt Nam hiện nay là Spirit Gaming.
- FIFA Online 3: Ở môn này, Aces Gaming xem như “chưa đánh đã thắng” khi mời được Saigon FFG và Nguyễn Thái Bảo về đầu quân. Cả 2 tên tuổi này đều đã đoạt chức Vô địch Đông Nam Á tại Giải TTĐT Quốc tế hồi tháng 4.
- World of Tanks: Cả 2 đội Immortal và Anubis đều đầu quân cho Aces Gaming. Đây là 2 đội đã từng 2 lần đoạt hạng tư tại vòng chung kết World of tanks thế giới năm 2012 và 2013.
- Counter-Strike: Global offensive: Kết hợp giữa 2 team 1st.VN và CS:GO Legends.
- Riêng đội LMHT và các game khác vẫn đang còn trong quá trình tuyển dụng và thương thảo để gia nhập.
Trong buổi trò chuyện, Dương Vi Khoa có nói: “eSports Việt hiện đang phát triển khá mạnh, kéo theo đó là nhiều đội game mới xuất hiện. Tuy nhiên, các game thủ và đội game này hầu như đều tự phát, vẫn còn thiếu kinh nghiệm và chưa có hướng phát triển thật rõ ràng và chuyên nghiệp. Tôi mong muốn Aces Gaming sẽ là nơi giúp đỡ họ trên con đường thi đấu chuyên nghiệp của mình”.
Tại Aces Gaming, Khoa sẽ là người đứng đầu, nắm giữ vai trò định hướng hoạt động, mỗi game sẽ có một đội trưởng riêng chắm sóc các vấn đề quản lý đội, tập luyện, thi đấu. Khi thi đấu dưới màu cờ sắc áo Aces Gaming, các đội sẽ được tài trợ toàn phần về địa điểm tập luyện, một phần việc ăn uống trong khi tập, được định hướng trong việc quản lý và xây dựng hình ảnh - qua đó sẽ có lợi thế và được hỗ trợ thêm trong quá trình tìm kiếm nhà tài trợ.
Với việc lập đội ở 5 tựa game và sẽ mở rộng ra nhiều game khác đang “hot” tại Việt Nam, Aces Gaming đã trở thành một "gaming" (có thể gọi là tổ chức eSports) có nhiều lợi thế và toàn diện nhất VN hiện nay. Ở phần cuối chủ đề về Aces Gaming, Dương Vi Khoa đã chia sẻ một ý tưởng: “Có thể một ngày nào đó, Aces Gaming sẽ bán được áo đấu cho người hâm mộ, và hợp tác với các nhà sản xuất để làm ra những bộ gear riêng mang thương hiệu của mình”. Chưa biết Aces Gaming có vươn lên được tầm cỡ đó hay không, nhưng quả thật, người viết cảm thấy rất thích thú với ý tưởng táo bạo và tham vọng này.
Tư cách vận động viên của game thủ eSports
Từ trước đến nay, một vận động viên thi đấu các môn thể thao chính thống, dù là cấp tỉnh, vẫn nghiễm nhiên được công nhận là… một vận động viên. Trong thể thao điện tử, một game thủ dù khoác lên mình lá cờ tổ quốc và đi thi đấu quốc tế, thì họ vẫn cứ là một... game thủ. Nhà phát hành game, giới truyền thông, người hâm mộ vẫn có thể gọi họ là vận động viên, nhưng tuyệt nhiên chưa có tổ chức ngành thể thao nào chính thức công nhận tư cách vận động viên của họ.
Điều đó đồng nghĩa rằng, dù đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam nhưng họ mãi vẫn chỉ là “những game thủ trong một cuộc thi game”. Một game thủ eSports có phải là vận động viên hay không, vấn đề này đã là một cuộc đấu tranh từ thời AIG 2009 đến hôm nay. Tuy vậy, sau khi thành lập Aces Gaming và Trung tâm huấn luyện Thể thao điện tử, với sự liên kết cùng Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ và sự cho phép của Sở VH-TT-DL TP.HCM, rất có thể việc công nhận tư cách vận động viên cho game thủ eSports sẽ có những bước tiến đáng kể.
Cũng xin nói rằng, việc công nhận tư cách vận động viên này chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần. Với việc tập luyện, thi đấu, đạt thành tích và kiếm thu nhập thì các vận động viên eSports vẫn phải trông chờ vào chính sức mình. Nhưng mặt khác, nếu được sự công nhận chính thức của ngành thể thao, đó sẽ là một cú hích về tinh thần cực kỳ to lớn, để những người đam mê và dám đeo đuổi sự nghiệp thể thao điện tử chuyên nghiệp có thêm niềm tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn.