Phần lớn game online đều có một hay nhiều mô hình thi đấu để khuyến khích các cuộc tranh tài của người chơi. Tuy nhiên sự khác biệt của tranh tài và thi đấu lại nằm ở xuất phát điểm trang bị, cũng như tính chất liên tục của chúng.
Đã là một game eSports thì thi đấu phải kéo dài liên tục, nhiều cấp độ khác nhau từ bình dân đến quốc gia rồi quốc tế. Thêm vào đó, các giải đấu này phải diễn ra thường xuyên, với sự cập nhật thông tin liên tục. Bên cạnh việc được thi đấu, cách thức thi đấu cũng là sự khác biệt giữa game online và game eSports. Nếu người chơi khởi đầu một trận đấu với lợi thế nhất định về trang bị hay các lợi thế khác dựa vào quá trình cày cuốc game đó của họ, đó chỉ là những cuộc tranh tài, chứ không thể gọi là thi đấu. Thi đấu là phải khởi đầu công bằng, và kỹ năng mới tạo nên sự khác biệt của người chơi chứ không phải lợi thế khác.
Việc số lượng trận đấu cũng là một vấn đề khác biệt giữ eSports và các cuộc tranh tài của game online. Các giải đấu của game online thường kéo dài khá ngắn và chỉ mang tính thời vụ, không có các yếu tố lên hạng, xuống hạng, đối đầu tính điểm,...mà chỉ là loại trực tiếp chọn nhà vô địch. Thêm vào đó việc xác định đó là game online hay eSports còn phụ thuộc vào việc bao nhiêu nước cũng cùng chơi môn đó và cùng hứng thú tranh tài như thế. Nếu chỉ Việt Nam tổ chức môn đó và gọi nó là eSports, có khác gì mỗi kỳ "ao làng" SEA Games, nơi mà nước chủ nhà thường nhét vào đó những môn chỉ mình họ chơi để tăng lượng huy chương.
Thực tế nhiều game nhập vai vẫn có những giải đấu giữa các nước có server của mình. Các giải đấu này với mục đích giao lưu vui vẻ là chính, và thường sự khởi đầu của game thủ đã có sự khác biệt do họ có những chênh lệch về vũ khí, trang bị, kỹ năng hay cấp độ ngay trước khi trận chiến diễn ra. Một số người chơi với kỹ năng siêu hạng vẫn vượt qua khoảng cách về trang bị, nhưng đó có phải là một cuộc đấu công bằng nếu một bên nhập cuộc với lợi thế lớn hơn nhiều so với bên kia.
Lằn ranh mỏng manh giữa eSports và game online vốn bị xem khá nhẹ tại thị trường Việt Nam. Nhiều NPH vẫn gán mác "game eSports" cho các sản phẩm của mình, vốn chỉ có vài nước tham gia và thậm chí khi vào tranh tài, sự cách biệt về trang bị cũng tạo nên sự khác biệt giữa người chơi với nhau.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Cẩm Phúc)