PC
Những câu chuyện thú vị đằng sau Flappy Bird
21/03/2014 14:37:00
Bằng cách nào mà một lập trình viên vô danh lại vụt sáng trên toàn thế giới bằng tựa game không thể đơn giản hơn như Flappy Bird?
 
Tháng 4 năm ngoái, Nguyễn Hà Đông, một chàng trai 28 tuổi trầm tính đã dành trọn kỳ nghỉ cuối tuần để tạo ra một trò chơi trên di động. Khi đó anh đang sống với bố mẹ ở Hà Nội, với công việc chính là lập trình cho những thiết bị định vị xe taxi. Anh muốn trò chơi của mình đơn giản nhưng thật thách thức, và thể hiện được tinh thần của các trò chơi điện tử Nintendo 4 nút đã cùng anh lớn lên. Người chơi sẽ điều khiển một con chim mắt to, môi dày và cồng kềnh bay qua những hàng ống thẳng đứng màu xanh. Càng chạm nhanh vào màn hình con chim càng bay cao, Đông gọi nó là Flappy Bird.
 
Trò chơi được phát hành trên chợ ứng dụng của Apple (iOS App Store) vào ngày 24/5/2013. Thay vì thu phí cho mỗi lượt tải, Đông quyết định phát hành trò chơi miễn phí và đã kỳ vọng thu được vài trăm USD mỗi tháng từ việc đặt quảng cáo trong game. Nhưng với khoảng 25.000 ứng dụng mới được phát hành mỗi tháng, Flappy Bird đã bị lạc trong mớ hỗn độn và kế hoạch của anh dường như phá sản. Cho đến 8 tháng sau, thì trò chơi như có điều gì đó vô cùng lạ lùng xảy ra...
 

Nguyễn Hà Đông.
 
Vào tháng 2/2014 , nó đã đứng đầu bảng xếp hạng ở hơn 100 quốc gia và đã được tải về hơn 50 triệu lần, giúp Đông thu được khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày. Thậm chí Mark Zuckerberg cũng không trở nên giàu có nhanh đến thế.
 
Cho đến khi câu chuyện thần kỳ Flappy Bird đạt đến đỉnh điểm thì Đông vẫn còn là một bí ẩn. Ngoài những dòng chia sẻ thi thoảng trên Twitter, anh đã không nói gì nhiều về câu chuyện đáng kinh ngạc của mình. Anh đã né tránh báo giới và từ chối những đề nghị chụp hình. Đông đã bị gọi là một kẻ gian lận, kẻ phản bội niềm tin, một kẻ trộm. Cay cú hơn là việc các blogger đã buộc tội anh về việc đánh cắp ý tưởng đồ họa từ Nintendo. Thậm chí blog Kotaku có tiếng trong ngành game còn giật tít: Flappy Bird đang kiếm được 50.000 USD mỗi ngày nhờ ăn cắp đồ họa.
 
Ngày 9/2/2014, trên tài khoản Twitter của Đông xuất hiện thông điệp: Tôi xin lỗi những người sử dụng Flappy Bird. Sau 22 giờ nữa, tôi sẽ hạ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa. Dòng tweet đã được cộng đồng chia sẻ lại hơn 145.000 lần cùng với sự hoài nghi về quyết định của anh. Làm thế nào một người vừa mới bắt đầu vận đỏ lại quyết định nghỉ chơi? Nhưng đến buổi tối hôm đó, khi đồng hồ điểm nửa đêm, câu chuyện đi đến hồi kết. Đông hạ trò chơi Flappy Bird xuống như đã hứa. Anh để lại hàng triệu game thủ bị bỏ rơi, cùng với một câu hỏi lớn: Anh chàng này là ai và anh ta đang muốn gì?

Flappy Bird
 
Đông đã lẩn trốn khỏi sự săn lùng của báo chí thế giới và những tay săn ảnh địa phương, anh rời khỏi nhà bố mẹ và đến ở tại căn hộ của một người bạn. Mặc dù các triệu phú dot-com đã trở nên quen thuộc tại Mỹ, nhưng trong cộng đồng công nghệ non trẻ của Việt Nam vẫn còn rất xa lạ. Khi anh chàng dân-công-nghệ nổi tiếng đầu tiên của đất nước, đúng chất thanh niên, mảnh dẻ trong chiếc quần jeans và áo thun màu xám, bước tới với vẻ ngập ngừng và giới thiệu về bản thân, anh đong đo cẩn thận từng ý nghĩ và lời nói, giống như việc đặt các điểm ảnh lên một màn hình: Tôi chỉ làm ra một thứ gì đó hay ho để chia sẻ với người người. Tôi đã không thể dự đoán được sự thành công của Flappy Bird.
 
Lớn lên ở Vạn Phúc, một làng dệt lụa nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội, Đông chưa bao giờ từng tưởng tượng đến việc trở thành một nhà thiết kế game nổi tiếng thế giới. Mặc dù cha anh làm chủ một cửa hàng phụ tùng điện nước, mẹ là công chức nhưng Đông và em trai cũng không có máy điện tử cầm tay GameBoy để chơi. Về sau họ đã mua một máy chơi game Nintendo, mà cũng giống như hầu hết đồ điện tử ở Việt Nam, chỉ có trên thị trường theo kiểu hàng nhái do Trung Quốc sản xuất. Kinh ngạc trước những khả năng điều khiển một nhân vật trên màn hình, Đông đã dành toàn bộ thời gian rảnh chơi trò Super Mario Bros như bị ám ảnh.
 
Khi 16 tuổi, Đông đã học để lập trình nên trò chơi máy tính đầu tiên của mình, một trò chơi đánh cờ. 3 năm sau, khi đang học ngành khoa học máy tính ở một trường đại học tại Hà Nội, anh đã đứng trong top 20 tại một cuộc thi lập trình và nhận được suất thực tập tại Punch Entertainment, công ty game duy nhất ở Hà Nội vào thời điểm đó, chuyên sản xuất game cho điện thoại di động. Bùi Trường Sơn, sếp cũ của Đông nói rằng cậu lập trình viên trẻ tuổi nổi bật vì tốc độ, kỹ năng và tính nết độc lập khốc liệt. Đông không cần người giám sát - Ông nói. Và cậu ấy không thoải mái với việc đó. Vì vậy chúng tôi nói rằng cậu ấy không cần báo cáo công việc với bất cứ ai cả. Đông nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi với việc tung ra các trò chơi thể thao của công ty.
 
Sau này khi cầm trên tay một chiếc iPhone, anh đã bị mê hoặc bởi những khả năng của màn hình cảm ứng. Tuy nhiên chỉ có một số ít trò chơi nắm bắt được quyền năng của sự đơn giản trong các game Nintendo mà anh chơi khi còn nhỏ. Tôi không thích hình ảnh đồ họa của nó - Đông nói về trò chơi Angry Birds. Anh nghĩ nó quá đông đúc, quá chật chội và anh muốn tạo ra những trò chơi cho những người giống bản thân mình: bận rộn, phiền nhiễu, luôn luôn di chuyển.
 
Tôi đã hình dung ra cách mọi người chơi game - Anh nói khi dùng một tay chạm vào chiếc iPhone của mình và đưa tay kia nắm tay vịn trên tàu, anh đã làm game cho những người như thế.
 

Một sản phẩm khác của Đông.
 
Tháng 4 năm ngoái, Đông đang gõ gõ chiếc iPhone của mình tại nhà vào dịp nghỉ lễ. Thay vì đi chơi, Đông dành kỳ nghỉ cuối tuần trong phòng ngủ để tạo ra một trò chơi nho nhỏ cho vui, giống như tấm poster treo tường anh đã vẽ nhân vật Mario đang nhìn chằm chằm xuống mình. Đầu tháng đó Đông đã hoàn thành và phát hành một game di động có tên Shuriken Block. Mục tiêu của trò chơi là ngăn không cho dòng thác phi tiêu ninja găm vào 5 người đàn ông nhỏ bé trên màn hình. Nội dung hướng dẫn chơi chỉ một từ duy nhất: Gõ (Tap). Nhưng Đông đã hiểu câu thần chú về thiết kế game của Nolan Bushnell, người tạo ra trò chơi Pong và sáng lập nên Atari là dễ học và khó thành thạo.
 
Độ khó của Shuriken Block thật sự tàn nhẫn. Thậm chí người chơi lanh trí nhất cũng gặp rắc rối với việc duy trì trong vòng 1 phút trước khi những điểm ảnh vẽ máu tóe ra từ người đàn ông trên màn hình. Đông đã có được sự hài lòng với kết quả, nhưng trò chơi thì đã tàn tạ trên chợ ứng dụng Apple Store. Đối với trò chơi mới, Đông đã nhận ra còn có một cách đơn giản hơn là để cho người chơi gõ vào bất cứ đâu trên màn hình. Tất cả những gì anh cần là một ý tưởng để thể hiện thành game.
 
Năm ngoái, anh đã vẽ trên máy tính một con chim thể hiện bằng các điểm ảnh, lấy cảm hứng từ con cá Cheep Cheeps của Nintendo. Anh đã vẽ các ống nước màu xanh, một sự kính trọng đối với Super Mario Bros. Và rồi anh mô hình hóa trò chơi dựa theo món đồ chơi paddleball (đập bóng mái chèo), một trong những trò chơi ngoài đời thực có độ khó gần như điên khùng nhất. Đông giới hạn trò chơi của anh chỉ có 2 thành phần: con chim và ống nước. Anh điều chỉnh hiệu ứng vật lý để con chim phải chống chọi với trọng lực khá mạnh, thậm chí một cú chạm sai dù nhẹ nhàng nhất cũng sẽ kết liễu chú chim.
 
Trước khi ngày lễ kết thúc, Đông đã lên Twitter đăng một tấm ảnh chụp màn hình về trò chơi mới của anh. Ngoài một vài dòng tweet, Đông nói anh không hề có hoạt động marketing nào sau việc đăng tải trò chơi. Và cũng giống như rất nhiều trò chơi khác được thả theo dòng lũ, Flappy Bird đã chìm nghỉm. Trò chơi không hề được nhắc đến thêm lần nào trên Twitter, cho đến tận 5 tháng sau, vào ngày 4/11/2013, khi có ai đó đăng lên dòng đánh giá vỏn vẹn đúng 4 từ Đ.M Flappy Bird (hiểu theo nghĩa tiếng Việt).
 
Cho đến cuối tháng 12/2013, người chơi đã bủa vây trên mạng xã hội để khoe thành tích, so tài và than vãn chuyện đập tan điện thoại của mình trong thất vọng. Twitter bùng nổ với những nhận xét về Flappy Bird, cuối cùng chạm mốc hơn 16 triệu thông điệp chia sẻ về trò chơi.
 
Một người gọi nó là trò chơi khó chịu nhất mà tôi vẫn chưa thể ngừng chơi, một người khác nói rằng nó đang từ từ tàn phá cuộc đời tôi. Khi tin đồn lan khắp từ Reddit sang YouTube, từ sân chơi đến các khu văn phòng, Flappy Bird đã tiến lên Top 10 bảng xếp hạng ứng dụng ở Mỹ vào đầu tháng 1/2014. Cuối cùng, nó vẫn không hề có quảng bá, không có kế hoạch nào lập ra, hoàn toàn không logic, rồi vào ngày 17/1/2014, Flappy Bird lên vị trí số 1 bảng xếp hạng Apple Store. Một hoặc hai tuần sau, nó cũng đã đứng đầu trên chợ ứng dụng Google Play.
 
Nhìn thấy trò chơi lên top, tôi cảm thấy thật tuyệt vời - Đông nhớ lại. Cũng như tất cả mọi người, anh đã sốc bởi việc thăng hạng vù vù của trò chơi và bởi dòng tiền như tuyết lở sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình. Thậm chí sau khi chia sẻ 30% cho Apple và Google, Đông đã ước tính anh được thanh toán khoảng 50.000 USD mỗi ngày. Không lâu sau đó, Shuriken Block và một game mới của Đông là Super Ball Juggling cũng gia nhập bảng xếp hạng Top 10 cùng Flappy Bird.
 

Đông xuất hiện tại GWC Yacht Party 2014
 
Nhưng Đông đã không đắm mình trong thành công, ngoài việc mua một chiếc Mac mới và đưa bạn bè ra ngoài ăn lẩu gà và uống rượu gạo. Tôi đã không thấy quá vui vẻ - anh lặng lẽ nói: Tôi không biết tại sao. Đáng chú ý là, anh thậm chí đã không hề bận tâm đến việc nói với cha mẹ mình, những người anh sống cùng. Bố mẹ tôi không hiểu về game - Anh giải thích.
 
Khi tin tức tung ra về việc Đông đang kiếm được bao nhiêu tiền, gương mặt Đông xuất hiện trên báo chí Việt Nam và trên TV, đó là khi lần đầu tiên cha mẹ anh biết rằng con trai họ đã làm ra trò chơi. Các tay săn ảnh địa phương nhanh chóng bao vây ngôi nhà và anh không thể ra khỏi nhà mà không bị phát hiện.
 
Trong khi đây dường như là một cái giá nhỏ phải trả cho việc có được tài sản và sự nổi tiếng như vậy, đối với Đông cảm giác về sự quan tâm của dư luận thật nghẹt thở. Đó là một thứ tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi được yên - Anh viết trên Twitter. Nhưng Đông nói rằng, điều khó khăn nhất trên tất cả, lại là một thứ hoàn toàn khác.
 
Đông cho tôi xem chiếc iPhone của anh để tôi có thể cuộn qua một số tin nhắn anh lưu lại. Một tin đến từ một người phụ nữ quở trách anh vì làm trẻ em trên thế giới mất tập trung. Một người khác than vãn rằng 13 đứa trẻ ở trường tôi đã đập vỡ điện thoại vì trò chơi của cậu và chúng vẫn tiếp tục chơi vì nó gây nghiện như ma túy.
 
Đông nói với tôi về những email từ những công nhân bị mất việc, về một người mẹ đã ngừng nói chuyện với những đứa con của cô. Lúc đầu tôi nghĩ họ chỉ đùa thôi - Anh nói: Nhưng tôi nhận ra rằng họ thực sự đã làm tổn thương chính mình. Đông nói anh đã từng không qua được bài kiểm tra ở trường trung học vì dành quá nhiều thời gian chơi Counter-Strike, vì vậy anh thực sự ghi khắc những tin nhắn đó vào tâm can.
 
Đến đầu tháng 2/2014, gánh nặng của mọi thứ: sự soi mói, những lời tố cáo và chỉ trích không ngừng như nghiền nát Đông. Anh không thể ngủ được, không thể tập trung, không hề muốn đi ra ngoài. Anh nói rằng cha mẹ đã lo lắng về tình trạng của anh. Các dòng tweet của Đông trở nên u tối và bí hiểm hơn: Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Vì vậy bây giờ tôi ghét nó.
 
Sau khi chia sẻ rằng anh sắp sửa hạ trò chơi xuống, thêm 10 triệu người đã tải trò chơi về trong vòng 22 giờ. Rồi anh nhất một nút và Flappy Bird biến mất. Khi được hỏi tại sao anh đã làm như vậy, Đông trả lời với cùng một niềm tin đã dẫn dắt anh tạo ra trò chơi: Tôi làm chủ số phận của riêng mình, một người suy nghĩ độc lập.
 
Theo sau sự sụp đổ của Flappy Bird, các tin đồn bắt đầu xuất hiện. Đông được cho là đã tự tử, Nintendo đã kiện anh, anh đã nhận được những lời đe dọa về cái chết. Việc anh từ chối tiếp xúc càng làm tăng thêm những lời đồn đoán. Và như để lấp đầy lỗ hổng khổng lồ mà Flappy Bird để lại, hàng loạt các game nhái vội vã ra mắt để kiếm tiền. Top 3 ứng dụng miễn phí trên iPhone đều là các trò chơi nhái theo Flappy Bird hiện nay là Flappy Wings, Splashy Fish, thậm chí có 1 game dựa theo hình ảnh của Miley Cyrus. Vào thời điểm viết bài phỏng vấn này, trò chơi nhái có tên Tiny Flying Drizzy đang đứng số 1 bảng xếp hạng, sử dụng hình ảnh ca sỹ Rapper Drake thay cho chú chim Flappy Bird. Theo một nghiên cứu, cứ mỗi 24 phút lại có một trò chơi nhái Flappy mới xuất hiện.
 
Mọi người có thể nhái ứng dụng vì tính đơn giản của nó, nhưng họ sẽ không bao giờ tạo ra một Flappy Bird nữa - Đông nói. Và quả nhiên với những người khao khát hàng thật, đã có hàng nghìn chiếc điện thoại cài sẵn Flappy Bird được rao bán trên eBay.
 
Nhưng sự vắng mặt của Đông cũng đã khiến mọi người phải nhìn nhận lại. Kotaku đã xin lỗi Đông về cáo buộc ăn cắp đưa ra trước đó. Còn John Romero, đồng tác giả trò chơi Doom, nói rằng Flappy Bird là một sự phản ứng chống lại phong cách thiết kế hiện hành, theo cách mà thể loại Grunge đã phản ứng chống lại dòng nhạc Metal. Hay Bushnell, bố già của các trò chơi so sánh Flappy Bird với Pong và nói những game đơn giản thì vui hơn!
 
Với Đông, hàng triệu người đã tải về Flappy Bird vẫn tiếp tục tạo ra hàng chục nghìn USD cho anh. Cuối cùng thì anh đã nghỉ việc và nói rằng anh đang cân nhắc mua một chiếc Mini Cooper và một căn hộ. Anh vừa có quyển hộ chiếu đầu tiên của mình. Tuy nhiên hiện tại anh đang bận rộn làm công việc anh yêu thích nhất đó là làm ra game.
 
Vừa uống trà, anh vừa cho tôi xem 3 trò chơi anh đang phát triển đó là một game bắn súng chưa đặt tên lấy phong cách cao bồi, một game điều khiển bay theo chiều dọc gọi là Kitty Jetpack và Checkonaut - game đánh cờ hành động như anh tự gọi. Mỗi trò chơi đều thể hiện phong cách đã trở nên quen thuộc của Đông: lối chơi đơn giản, đồ họa hoài cổ và khó kinh điển.
 
Kể tư khi hạ Flappy Bird xuống, Đông nói anh đã cảm thấy được giải tỏa: Tôi không thể quay trở lại cuộc sống trước kia, nhưng bây giờ tôi ổn rồi.
 
Về tương lai của con chim bay phất phới, anh vẫn từ chối những lời đề nghị mua lại trò chơi. Đông không chấp nhận bị ảnh hưởng đến sự độc lập của mình. Hiện tại anh không phát triển phiên bản mới, nhưng nếu có lúc nào đó phát hành trở lại, nó sẽ đi kèm một lời cảnh báo: Xin hãy tạm nghỉ.
 
Tác giả Nguyễn Hương Giang lược dịch từ tạp chí Rolling Stone
 
Thể loại: MMORPG
NPH: DzoGame.vn
Hệ máy: PC
Ngày phát hành:
+

DZO CHƠI

TOP GAME

Cùng đến với những hình ảnh Lala Croft của Tomb Raider dưới nét vẽ của AI. Một cô nàng xinh đẹp, nóng bỏng nhưng cũng rắn rỏi và mạnh mẽ.

Những cô nàng nóng bỏng Boa Hancock, Nico Robin, Nami, Yamato hay Perona được AI vẽ lại dưới hình thức Cosplay cực kỳ chuẩn chỉnh.

Cùng thưởng thức những hình ảnh cosplay Xiangling trong Genshin Impact siêu dễ thương của người dùng Weibo "阿包也是兔娘"