Chỉ cần lướt qua các diễn đàn game và trang mạng xã hội, người ta sẽ thấy đa số người chơi game Việt không thích ủng hộ các game có gốc rễ Trung Quốc. Nhưng hơn 90% đầu game trực tuyến đang hoạt động ở thị trường Việt lại là những game này. Vì sao lại có điều mâu thuẫn đó?
Để lý giải câu hỏi này, có thể trở ngược lại thời gian 10 năm trước, khi làng game Việt mới bắt đầu định hình. Lúc đó, các game do Hàn quốc sản xuất chiếm ưu thế. Ngay với thị trường Đại lục, số tựa game Hàn quốc cũng chiếm quá nửa. Đông đảo game thủ Việt đã làm quen và bị thu hút bởi những tựa game ăn khách như MU Oline, Audition, Gunbound, Cabal, Đột Kích,...v...v..
Thế nhưng chỉ sau mấy năm, từ giai đoạn 2005 – 2006, lượng game Trung Quốc đã nhanh chóng tăng lên và soán đoạt hầu hết thị trường ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Chưa hết, game Trung Quốc còn bắt đầu lấn sân sang cả Hàn quốc và các nước có nền công nghiệp game tiên tiến khác. Do đó không có gì lạ lùng khi game Trung Quốc ào ạt đi vào thị trường game Việt, và nhanh chóng trở thành những lựa chọn giải trí của số đông cộng đồng người chơi game.
Một nhà quan sát kỳ cựu về ngành game bày tỏ, thực tế năm 2004 – 2005, nhà phát hành VNG đã định dạng với Võ lâm Truyền Kỳ 1, trong khi nhiều tên tuổi làm game Trung Quốc chưa hề lộ diện. Đơn cử Sử Ngọc Trụ, người nổi tiếng với Chinh Đồ, lại đang đi bán thực phẩm chức năng, chưa hề biết game là gì. Thế mà chỉ sau 1 thời gian ngắn, sản phẩm của họ Sử đã vượt qua những đối thủ khác, trở thành 1 trong số ít trò chơi có lượng tài khoản lớn nhất Trung Quốc.
Tất nhiên người ta có thể đề cập điều kiện tạo nên sự thay đổi lớn lao ấy của làng game Trung Quốc, là nhờ sự tương hỗ của chính quyền. Các doanh nghiệp sản xuất game Trung Quốc đã nhận được những chính sách hỗ trợ tốt và ưu đãi để làm sản phẩm có sức cạnh tranh với các dòng game mạnh mẽ đến từ Nhật và Hàn quốc. Thị trường đồ sộ có sẵn của Đại lục lại càng tiếp sức cho sự phát triển ấy.
Song nếu nhìn sâu vào bản chất đầu tư của các doanh nghiệp game Trung Quốc, căn cơ lớn mạnh của các sản phẩm họ làm nên lại nằm ở chính thái độ và sáng tạo của họ. Có chí ít 4 điểm đáng lưu ý như vậy.
Thỏa mãn khách hàng
Đây là ưu điểm đầu tiên và tiên quyết để những nhà sản xuất game Trung Quốc giữ được khách hàng.
Một số doanh nghiệp phát hành game Việt Nam thừa nhận, gần như mọi yêu cầu sửa đổi sản phẩm, bổ sung tính năng, cập nhật tiện ích cho người chơi… khi nêu ra, đều sẽ được nhà sản xuất Trung Quốc thỏa mãn trong thời gian nhanh nhất có thể.
Điều này khác với các nhà sản xuất game Hàn quốc, thường yêu cầu tổng hợp các lỗi, bản chỉnh sửa…rồi mới tiến hành xử lý cho khách hàng.
Linh hoạt thanh toán
Ưu thế thứ 2 của các nhà làm game Trung Quốc, là phương thức thanh toán rất linh hoạt, miễn là đối tác chấp nhận thanh toán đúng yêu cầu.
Một trong những cách làm hiện nay của đối tác Trung Quốc, là giao sản phẩm cho nhà phát hành làm trước, chỉ cần ghi nhớ với nhau. Nhà sản xuất thậm chí còn cử cả chuyên viên kỹ thuật giúp đỡ các kỹ năng xây dựng máy chủ, vận hành game cho nhà phát hành Việt Nam mà không hề câu nệ thêm chi phí nào rắc rối.
Đổi lại, nhà phát hành có thể linh hoạt chọn nhiều mốc thanh toán, cách thanh toán tốt nhất có thể. “Giá bao nhiêu cũng có thể bán, bán ra sao cũng có thể được” là đặc tính thương mại của các doanh nghiệp game Trung Quốc, có thể khiến người ta giật mình !
Hiệp hội tích cực
Một trong những động lực lớn khác làm thay đổi năng lực đáp ứng thị trường của các nhà làm game Trung Quốc, chính là sức mạnh hiệp hội game của họ.
Một số nhà phát hành Việt nhìn nhận, với 1 sản phẩm “đắt giá”, thông qua hiệp hội game Trung Quốc, người ta cũng có thể tiếp cận. Nhà sản xuất không giảm giá bản quyền, song lại có thể “nhờ” hiệp hội dàn xếp thay, để đối tác mua game có thể thử nghiệm phát hành game 1 cách suông sẻ, khi có hiệu quả mới bàn chuyện đàm phán.
Với cách đại diện đặt quan hệ như vậy, hiệp hội game Trung Quốc có thể giúp giải quyết rất nhiều ách tắc trong quan hệ thương mại của các hội viên làm game. Dĩ nhiên việc gì cũng có giá của nó, song điều này đem lại nhiều lợi thế cho các nhà làm game Trung Quốc, rất đáng học tập!
Sản phẩm đa dạng
Vấn đề then chốt cuối cùng, là với 1 lượng doanh nghiệp game khổng lồ, có thể nói năng lực cung của ngành game Trung Quốc hàm nghĩa sự vô tận và đa dạng về sản phẩm, không có quốc gia nào theo kịp.
Tính ra ở mỗi thể tài game, từ chủ đề nội dung cho đến chất lượng, là game PC hay webgame, game mobile online (gMO), các tựa game Trung Quốc đều cực kỳ phong phú, biến động không ngừng. Có thể nói, chỉ cần khách hàng đánh tiếng, họ sẵn sàng cung ứng được ngay hàng chục, thậm chí hàng trăm game cùng lúc !
Hơn nữa theo đà phát triển, hiện tại Trung Quốc đang có hàng trăm studio games rất sẵn sàng hợp tác với các nhà phát hành Việt Nam để thiết kế và triển khai các dự án làm game với thời gian ngắn kỷ lục.
Một nhà phát hành game Việt tiết lộ, khi cần 1 webgame hoàn toàn mới cũng có thể được đối tác làm game Trung Quốc hoàn tất ngay trong vài tuần. Họ có cả đội ngũ làm tiếng Việt, hệ thống data đồ họa đầy đủ, đủ khiến người mua game hài lòng với mức giá hợp lý nhất có thể.
Với các lợi thế thể hiện và cạnh tranh ấy, rõ ràng mạng lưới các game Trung Quốc có thể lan tỏa và lấn chiếm mọi ngóc ngách thị phần game Việt là điều dễ hiểu. Cho dù có phản đối, không thích, nhưng người chơi game cũng không thể dễ dàng quay đầu phủ nhận sức hấp dẫn khó giải thích của muôn hình “game Tàu”.
Làm sao có thể vượt được thực trạng bề thế ấy của game Trung Quốc, xem ra câu chuyện không hề dễ dàng với làng game Việt !