Vì sao Softbank lại phải bán toàn bộ cổ phần Supercell của mình, trong khi tương lai phía trước rất tươi sáng?
Hãng phát triển game di động Supercell của Phần Lan có thể được coi là một hiện tượng của ngành công nghiệp game trên toàn cầu. Bởi chỉ với 3 tựa game di động Clash of Clans , Hay Day và Boom Beach, hãng game này đã thu về 2,3 tỷ USD doanh thu và 924 triệu USD lợi nhuận trong năm 2015.
Chưa dừng lại ở đó, tựa game mới Clash Royale được Supercell ra mắt vào đầu năm 2016 tiếp tục trở thành bom tấn. Với doanh thu trong tháng 3 năm 2016 đạt 133 triệu USD, Clash Royale đã đẩy người anh em của mình là Clash of Clans xuống vị trí thứ 2, để trở thành game di động có doanh thu cao nhất thế giới. Trong tháng 3, Clash of Clans chỉ có doanh thu 118 triệu USD.
Clash of Clans đã đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng cho Supercell.
Supercell đang chứng minh rằng một công ty phát triển game nhỏ bé, với chỉ 180 nhân sự đang trở thành kẻ thách thức ngay cả những ông lớn như Activision Blizzard, Microsoft hay Sony. Hứa hẹn một tương lai phát triển vô cùng xán lạn với doanh thu khổng lồ từ game di động.
Thế nhưng thật bất ngờ khi một trong những cổ đông lớn nhất của Supercell là tập đoàn Softbank lại quyết định bán toàn bộ cổ phần. Vậy vì sao Softbank lại phải bán toàn bộ cổ phần Supercell của mình, trong khi tương lai phía trước rất tươi sáng?
Vấn đề không phải ở Supercell
Mà nằm ở cổ đông lớn nhất của họ trước đây, tập đoàn Softbank của Nhật Bản. Nhìn từ bên ngoài thì Softbank là tập đoàn viễn thông và di động lớn nhất tại Nhật Bản, là tập đoàn đầu tư rất nhiều vào các công ty lớn trên thế giới.
Trong danh sách đầu tư của Softbank có cả 70% cổ phần của nhà mạng Sprint tại Mỹ, 35% cổ phần của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Bên cạnh đó là 1.300 khoản đầu tư vào những công ty công nghệ khác trên khắp thế giới.
Softbank từng kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu tư vào rất nhiều công ty công nghệ.
Chính những khoản đầu tư liều lĩnh này đã đem về cho Softbank lợi nhuận khổng lồ, trong đó cũng có cả khoản đầu tư vào Supercell. Tuy nhiên đó là câu chuyện của thời kỳ hoàng kim trước đây.
Softbank của hiện tại đang gặp vô vàn khó khăn, cũng chính bởi những khoản đầu tư mạo hiểm vô tội vạ của mình. Mà trong đó, khoản đầu tư lớn nhất của họ vào nhà mạng Sprint đang cho thấy rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Khoản đầu tư khổng lồ vào Sprint đang trở thành gánh nặng lớn của Softbank với số nợ khổng lồ 30 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của tập đoàn Nhật Bản này cũng sụt giảm thảm hại 49% xuống 430 triệu USD trong Q4/2015.
Nội bộ Softbank cũng gặp vấn đề, CEO Masayoshi Son (bên trái) và COO Nikesh Arora - người vừa mới từ chức.
Nội bộ của Softbank cũng đang gặp vấn đề, khi mà mới đây Chủ tịch kiêm COO Nikesh Arora đã từ chức. Ông Arora từng được coi là người kế nhiệm CEO Masayoshi Son, sau khi ông này về hưu.
Tuy nhiên ông Arora đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích từ phía các cổ đông của Softbank, do đã có rất nhiều những quyết định đầu tư sai lầm khiến cho lợi nhuận của công ty sụt giảm. Hầu hết đó là những khoản đầu tư mà không phải lĩnh vực am hiểu của Softbank, tại thị trường Ấn Độ và Châu Á.
CEO Masayoshi Son đã tuyên bố rằng Softbank rất xem trọng quan hệ hợp tác với Supercell. Tuy nhiên họ vẫn phải quyết định bán toàn bộ số cổ phần của hãng game này vì lợi ích của các cổ đông.
Supercell cũng sính Trung Quốc hơn Nhật Bản
Sau khi thương vụ Tencent thâu tóm Supercell được chốt lại, CEO Ilkka Paananen của hãng game Phần Lan cũng chia sẻ trên trang web chính thức của công ty. Có vẻ như hãng game này tỏ ra khá vui mừng khi được về tay người Trung Quốc, thay vì được đầu tư từ Softbank của người Nhật Bản.
CEO của Supercell cũng cho biết việc về tay người Trung Quốc là ước mơ của ông.
CEO Paananen cho rằng cơ hội phát triển của Supercell sẽ cao hơn rất nhiều khi nhận được sự hỗ trợ từ phía Tencent, một công ty internet đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và điều hành những tựa game online đình đám như League of Legends .
“Ngày hôm nay chúng tôi sẽ bắt đầu theo đuổi tương lai mà chúng tôi vẫn hằng mơ ước tại Supercell”, CEO Paananen chia sẻ "Trung Quốc cũng là thị trường game với số lượng người chơi lớn nhất trên thế giới. Với nền tảng 300 triệu người dùng của Tencent, chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Có lẽ mối lương duyên của hãng game Phần Lan và gã khổng lồ Trung Quốc đã được định sẵn từ trước. Và đến bây giờ họ mới được chính thức về chung một nhà.