Thực trạng hack từ lâu đã phổ biến trong các game online, đặc biệt là game bắn súng tại Việt Nam. Thậm chí nó còn có thể trở thành một “thước đo thành công” cho thể loại này.
So với việc sử dụng chương trình gian lận (cheat hoặc hack) trong game offline thì gian lận game online tỏ ra nguy hiểm hơn rất nhiều. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, khiến lượng người chơi sụt giảm nhanh chóng và sau đó là trò chơi phải đóng cửa. Từ trước đến nay, làng game Việt từng không ít lần phải chứng kiến cảnh chia lìa do hack. Và mặc dù vẫn đang là vấn nạn, hack cũng có thể được nhìn nhận dưới góc nhìn khác đầy nghịch lý: trở thành một đơn vị để cân đo đong đếm thành công của dòng game bắn súng trực tuyến ở Việt Nam.
Hack trong Đột Kích
Ví dụ rõ rệt nhất cho điều này chính là Đột Kích (ĐK). Trải qua hơn nửa thập kỷ tồn tại, cho dù từng bị lên án không biết bao nhiêu lần về sự hoành hành của hack thì đây vẫn là sản phẩm hoạt động ổn định và mang lại doanh thu hàng đầu cho VTC Game thông qua việc bán vũ khí báu vật hay những vật phẩm Vcoin kèm theo. Trong suy nghĩ của một bộ phận người chơi, game online chỉ đơn thuần là hình thức giải trí, họ tham gia cho vui, mặc sức làm tất cả mọi điều mình thích (cụ thể ở đây là hack) chứ không cần quan tâm đến chuyện nó ảnh hưởng tới cộng đồng ra sao.
Cũng từ đây, chương trình hack sẽ trở nên phổ biến hơn dựa theo suy nghĩ: “Bắt chước hack theo để đòi lại công bằng”. Cứ như vậy, hình thức gian lận ngày càng được nhân rộng và dần dà, nó trở thành thói quen không thể xóa bỏ mỗi khi đăng nhập game. Cùng với đó, tốc độ cập nhật nhanh chóng của chương trình hack cũng là yếu tố khiến cho nhiều người chơi không thể bỏ game. Về cơ bản, ĐK đã là một game dễ chơi với nhiều chi tiết rất thiếu hợp lý, giờ lại có hack cập nhật đều đặn như vậy thì tại sao phải từ bỏ nó? Khi đứng trước câu hỏi này, số đông người chơi đều chặc lưỡi chấp nhận tiếp tục gắn bó, tiếp tục duy trì lượng truy cập ổn định cho ĐK bất chấp tình trạng mục nát do hack gây ra, với kẻ tiếp tay đắc lực là chính bản thân mình.
Hack trong Avatar Star
Một thực trạng khá tương tự cũng đang lặp lại đối với Avastar Star (AS) của FPT Online. Ra mắt vào cuối năm 2013, đây là tựa game bắn súng nhập vai hiếm hoi được cấp phép sau nhiều năm cấm vận, cộng thêm đồ họa dễ thương cùng lối chơi đơn giản nên hiện đã thu hút lượng người chơi rất đông đảo. Nhưng chỉ ít ngày sau đó, cộng đồng lại thấp thỏm khi bắt đầu xuất hiện hiện tượng gian lận trong game. Dù chưa quá nghiêm trọng như ĐK, nhưng ở một góc độ nào đó. Nó cũng đang đặt ra một câu hỏi rằng: Phải chăng game bắn súng nào đông khách thì đều có hack? Phải chăng hack là nhu cầu tất yếu ở thể loại này, giống như MMORPG cần auto?
Thực tế, không quá khó để tìm ra đáp án cho câu hỏi trên. Tại Việt Nam hiện nay, đa phần số người chơi tìm đến với game bắn súng đều mang tâm lý chơi cho vui, muốn làm gì thì làm, háo thắng chứ không nghĩ đến hậu quả. Vì thế mà đã tạo điều kiện cho chương trình hack sống tốt, sống khỏe bất chấp mọi nỗ lực từ phía NPH lẫn cộng đồng. Cùng với đó, sự ức chế khi gặp hack nhiều khi còn được chuyển hướng sang suy nghĩ cũng tiêu cực không kém: “Tội gì không hack cho nó công bằng”. Hơn nữa, tốc độ cập nhật của chương trình gian lận lại hết sức nhanh chóng nên hầu như chẳng ai muốn bỏ game vì lý do không còn hack được nữa. Cứ như vậy, mối dây liên hệ giữa hack với game bắn súng ngày càng rõ rệt hơn và mặc nhiên tồn tại như một quy luật tất yếu.
Hack trong Warface
Và sắp tới đây, chúng ta sẽ đón chào thêm một siêu phẩm game bắn súng nữa là Warface của goPlay. Trò chơi này đang tỏ ra rất tự tin về khả năng chống hack của mình, tuy nhiên chính phiên bản Warface tại Nga và Brazil, hay thậm chí ở Bắc Mỹ và Châu Âu cũng đang phải sống chung hoặc từng không ít lần lao đao do hack. Bởi thế khả năng phiên bản Việt sớm phải sống chung với hack là gần như chắc chắc sẽ xảy ra. Cùng sự rào đón của đông đảo người chơi trong nước, có lẽ phía NPH cũng nên cân nhắc đến trường hợp bùng phát hack sau khi mở cửa tựa MMOFPS “bom tấn” này.
Từ bài học của ĐK cho đến hiện tại là AS và tương lai gần là Warface, thật không khỏi ngao ngán khi cứ phải nghĩ đến cảnh chật vật sống chung hay gồng mình chống lại gian lận trong game. Qua đó câu hỏi “game bắn súng hot thì phải có hack” lại trở thành nỗi niềm đau đáu của người chơi chân chính. Liệu rằng nó sẽ tồn tại đến khi nào, và bao giờ thì có thể dẹp bỏ cái sự thật chẳng mấy hay ho này, đó vẫn còn là chặng đường rất dài trước khi chúng ta tìm thấy đích đến.