Các trang truyền thông game gần đây rất lúng túng với dạng trò chơi trực tuyến mới, tuy không phải private do có chứng từ bản quyền và được ủy quyền phát hành hẳn hoi. Song lại sở hữu phần đồ họa hay nhân vật tương tự nhau, thậm chí trùng lặp rất rõ ràng.
Một NPH game online ở miền Nam mới đây đã chia sẻ rằng, mình hoàn toàn bị động khi nhận ra sản phẩm mình mới mua về lại giống y hệt một game cũ đã có trên thị trường mấy năm trước. Tất nhiên phần hình ảnh hay cấu trúc nhiệm vụ cũng khác biệt đôi chút, song sự rập khuôn giữa chúng là khó tránh khỏi, dẫn đến suy nghĩ rằng các game này đều từ cùng một mã nguồn duy nhất mà ra.
Trên thực tế, các sản phẩm như vậy không phải là chuyện lạ trong vòng 3 năm lại đây, chúng chủ yếu là các webgame xuất xứ từ Trung Quốc. Tại đây, NSX sẽ dựa vào 1 mã nguồn cơ bản ban đầu để mở rộng ra nhiều trò chơi với tên gọi khác nhau. Điều này giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, thậm chí sau một vài tuần là có thể hoàn tất game mới chỉ với nguồn nhân lực ít ỏi.
Cho nên, game online Trung Quốc mới có thể tung ra liên tục với mức giá cạnh tranh mà không sợ bị vi phạm về bản quyền. Thông qua các tổ chức như hiệp hội game, các NSX sẽ có trong tay giấy chứng nhận bản quyền chia sẻ, không kém gì các chứng nhận đích thực, công nhận tính hợp pháp của họ về mặt ý tưởng, cấu trúc,…
Do nhà quản lý chưa hề có định nghĩa nào về các trường hợp này, nên người ta có thể gọi đây là những game phát triển cùng nguồn. Việc đặt hàng các sản phẩm này được xem là thuê gia công ngoài (outsource), đồng thời nếu NPH càng sáng tạo, càng có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ ý tưởng tốt thì game càng mau hoàn thành. Với mức độ cạnh tranh hiện nay, sử dụng 1 studio nước ngoài làm outsource sẽ giúp NPH tiết giảm được quá nhiều chi phí.
Do lượng dữ liệu chung bị khai thác tối đa, nên rất nhiều game bỗng nhiên trở nên giống nhau đến lạ lùng. Các NPH, hoặc không thể rà soát hết thị trường, hoặc do quá đề cao lợi nhuận nên đều tặc lưỡi chấp nhận. Thế là các game nhái như vậy đã đua nhau xuất hiện, dù không thuộc diện private nhưng chỉ là sản phẩm tân trang, không mang lại tác dụng gì cho người chơi.
Theo nhìn nhận của một số NPH thì tình trạng làm game giả trang này đang ngày càng có xu hướng bành trướng tại thị trường Việt Nam. Nếu tham gia, người chơi thường sẽ phải gánh chịu kết cục chẳng mấy vui vẻ vì game luôn có rất nhiều lỗi phát sinh, bị bỏ rơi, không cập nhật thêm tính năng hay nội dung mới. Trong khi đó, NPH chỉ cần dựa vào truyền thông ồn ào, đẩy nhanh tiến độ ra game, kích cầu nạp thẻ là đủ, còn lợi ích của khách hàng thì được cho “ra rìa”.
Không ít game thủ sau khi tiếp xúc đã phản ứng rất gay gắn, không thể ủng hộ những cách thức làm ăn mang tính chụp giật và lừa dối như thế này. Đa số họ đều bức xúc, khi nghe nói có game mới ra mắt, nhưng đăng nhập vào lại thấy toàn hình ảnh, câu chuyện của game cũ. Từ đó, niềm tin của người chơi sẽ suy thoái trầm trọng và gây tổn thất với những đơn vị kinh doanh nghiêm túc.
Như vậy đã đến lúc cần phải ngăn ngừa tình trạng thông tin game giả trang lan tràn khắp mọi nơi, đồng thời không tiếp tay cho những tình huống NPH muốn “ngụy trang” cho sản phẩm như vậy. Sự mạnh tay từ giới truyền thông sẽ buộc NPH phải thận trọng hơn trước khi quyết định chọn một sản phẩm nào đó để mua hay thuê outsource.
Đồng thời nhà quản lý cũng cần quan tâm xem xét, có sự đánh giá chính xác về mức độ vi phạm quyền lợi người dùng từ các game giả trang, để quyết định đình chỉ hay không những hành vi như vậy. Nếu game private bị tẩy chay mạnh mẽ do vi phạm bản quyền, thì game giả trang lại càng phải được nhìn nhận kỹ lưỡng hơn. Vì bản quyền có được không tương ứng với trách nhiệm sản phẩm, gây tổn thất cho người tiêu dùng cũng như niềm tin cộng đồng.
Một khi có thể thực hiện đồng bộ những bước đi như vậy, các trang truyền thông về game mới hy vọng tránh được vô số sơ suất như hiện nay, không chỉ quảng bá sai lầm cho các game private mà còn tiếp tay cho những game giả trang kém chất lượng. Thị trường game Việt theo đó mới có thể phát triển lành mạnh hơn trong tương lai.