Điều gì càng cấm, càng ngăn cản thì càng làm. Có lẽ đây chính là phương châm sống của những tay gian lận trong game online tại Việt Nam.
Không ai biết mình hack
Tham gia vào game online chính là game thủ đã tham gia vào một xã hội ảo thu nhỏ trên internet. Tuy nhiên, do đặc thù riêng biệt khi tham gia vào thế giới này là không ai biết đến danh tính, lý lịch của mình cho nên những game thủ thích gian lận không cảm thấy bị xấu hổ, từ đó họ có thể sử dụng chương trình hack một cách thoải mái.
Đồng thời, một game thủ có thể đăng ký nhiều tài khoản khác nhau trong nhau game, cũng như tài khoản khác nhau giữa diễn đàn và game. Cho nên ngay cả khi một tên “hacker” đang lon ton chạy nhảy ngoài đường thì bạn cũng không thể nhận biết được hắn là ai, đã chơi game lâu hay chưa, là một game thủ gạo cội hay chỉ là thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch.
Và tất nhiên, khi những chủ đề tố cáo hack xuất hiện, chúng sẵn sàng dùng tài khoản thật của mình vào diễn đàn mà hùa theo những người chê bai, bài trừ hack. Khi ấy, chúng có thể mỉm cười vì ngoài hắn ra chỉ có trời, đất, quỷ thần biết hắn sử dụng hack.
Không bao giờ ló mặt lên diễn dàn
Đây chính là một trong những nguyên nhân chính cho thấy độ gan lì, dù bị chửi như thế nào thì vẫn có game thủ sử dụng chương trình thứ ba can thiệp vào để lộng hành trong game. Cụ thể, tới gần 100% bài viết của các game thủ chân chính dùng để khuyên can, giáo huấn thậm chí chửi thẳng vào mặt của “hacker” là trên các diễn đàn của game và một số ít bài viết phê phán trên các trang báo. Và tất nhiên, bọn “hacker” chắc chắn không dám hoặc không bao giờ ló mặt đến những nơi như thế này.
Đây là điều dễ hiểu bởi đa số những game thủ như thế chẳng biết mục đích của việc chơi game là gì, thích quậy phá, không có nhiều tâm huyết dành cho game và xem thường bạn bè, cộng đồng ảo cho nên chúng sẽ không bao giờ tham gia diễn đàn.
Mờ mắt vì cái lợi quá lớn
Một trong những nguyên nhân chính khác làm cho nạn hack trong game không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng chính là những món già, giải thưởng lớn mà NPH dành cho game thủ trong các sự kiện. Hãy thử nghĩ xem, chỉ cần muối mặt một chút nhưng sẽ có trong tay món đồ trị giá hàng trăm, hàng triệu đồng mà mình mong muốn thì có bao nhiêu game thủ sẽ giữ cho mình được trong sạch?
Bạn làm một phép so sánh đơn giản giữa một bên là uy tín, sự tin cậy của bạn bè trong game với một bên là lợi ích quá lớn mà các sự kiện mang lại. Cả hai đều có sự chênh lệch quá lớn, uy tín trong game không thể nào đáng giá bằng con ngựa hay chiếc nhẫn có thể bán được hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Cuối cùng, dù có một chút dằn vặt nhưng vì cái lợi quá lớn nhiều game thủ đã nhắm mắt cho qua và cam tâm trở thành một “hacker” trong game.
Háo thắng
Đây cũng là nguyên nhân mà “hacker” trong game không thể nào giảm, đó là do độ tuổi của game thủ hiện nay đã được mở rộng một cách đáng kinh ngạc (chỉ cần có tiền thì trẻ con có thể tự do ra net hoặc bố mẹ cho phép chơi thoải mái ở nhà), vì thế chúng còn nhận thức kém để hiểu biết thế nào là đam mê game thực sự và mức độ tin cậy của bạn bè trong game là quan trọng thế nào.
Kèm theo đó, là khi tham gia vào thế giới ảo thì những game thủ nhỏ tuổi thường bị giới hạn bởi trình độ và kỹ năng. Do đó để thu hẹp khoảng cách ấy thì chúng sẽ sử dụng chương trình hack.
Bị chửi quá chung chung
Dù có bị chửi vì dùng hack thì cũng sẽ bị chửi chung chung, chửi cả đám “hacker”. Theo đó, game thủ gian lận sẽ có những suy nghĩ như chắc nó chửi chung chung, không phải mình. Theo một số ý kiến thì những dạng game thủ dính chàm dạng này rất khó để cảm hóa, bởi đó là trở thành một thú vui bệnh hoạn và căn bệnh mãn tính khó chữa. Cho nên, dù có hàng tỷ tỷ bài viết lên án nữa xuất hiện thì chúng vẫn tiếp tục hoành hành.