Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, thể loại MMORPG đích thực đã sẵn sàng quay trở lại làng game Việt.
Thời hoàng kim
Điểm chung thống trị thị trường game thời điểm này, là các trò chơi trực tuyến đều mang hình ảnh MMORPG. Đi đâu và lúc nào, người ta cũng thấy game thủ bàn về những Võ Lâm Truyền Kỳ, Con Đường Tơ Lụa, Thế Giới Hoàn Mỹ,Cửu Long Tranh Bá, Shaiya,…Lượng game thủ tạm thống kê trong thời điểm hưng thịnh nhất cũng đến 12 triệu lượt người chơi.
Tất nhiên các game MMO cũng chia 2 nhóm đối nghịch. Nhóm thứ nhất là các trò chơi có nguồn gốc kiếm hiệp anh hùng, dựa theo các cốt truyện Kim Dung, do Trung Quốc sản xuất, công nghệ 2D, về sau phát triển 2.5D, chú trọng màu sắc phối hợp, hình ảnh khá giản đơn. Nhóm thứ hai là các trò chơi cốt truyện Châu Âu, có 1 số phát triển từ kiếm hiệp, công nghệ 3D, chú trọng chi tiết đồ họa đẹp mắt, nhân vật tạo hình ấn tượng.
Cuộc tranh giành giữa 2 nhóm game diễn ra khá gay gắt. Dần dà, nhóm game hình ảnh 2D với yêu cầu phần cứng thấp hơn, phát hành nhờ những đơn vị có sức quảng bá như VNG, FPT đã chiếm ưu thế. Kiếm Thế, Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ,…được xem là thành quả chiến thắng huy hoàng. Sự bùng nổ dòng MMO đã kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng cả làng game, khiến nhà quản lý phải vào cuộc kiểm soát, đưa ra các chính sách thắt chặt tình hình.
Việc quản lý của nhà phát hành cũng lỏng lẻo, nảy sinh nhiều tệ nạn như hack, bot, coi trọng auto khiến các nhà sản xuất phản ứng. Dòng MMO vì thế mất sức tập trung, game thủ bỏ cuộc chơi, NPH liên tục đóng cửa game. Đúng như đánh giá, 5 năm là chặng đường đủ cho dòng game này tạm “hạ đài”, để các dòng game đơn giản hơn như game mạng xã hội, webgame,gMO lên thế chân.
Sự hồi sinh mạnh mẽ
Sau 3 năm chững lại và chấp nhận sự nhiễu nhương, pha trộn nhiều dòng trò chơi khác nhau, làng game Việt hiện lại có xu hướng phục hưng MMORPG với khá nhiều dự án tên tuổi. Trong năm 2013, có 4 cái tên lớn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người chơi, đó là Cửu Âm Chân Kinh, Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D, Ngạo Kiếm Vô Song, Thiện Nữ U Hồn. Đánh giá chung chỉ ra, có ít nhất 3 lý do để thể loại này bùng nổ trở lại tại Việt Nam.
Thứ nhất, MMORPG trên thế giới lâu nay vẫn mạnh mẽ, đến nay đang tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm mới chất lượng cao hơn. Dự báo năm 2014 sẽ là thời điểm các trò chơi này tìm đường vào Việt Nam qua đường chính thống, khi mà công tác quản lý game online đã bắt đầu hình thành. Chỉ cần khung kiểm soát được ổn định lại, chắc chắn tình hình thị trường MMORPG sẽ khởi sắc.
Thứ hai, quá khứ MMO đã qua của làng game Việt chưa mất đi, các trò chơi có cộng đồng vẫn tồn tại. Thậm chí thời gian qua, nhiều MMORPG đã bị đóng cửa lại bất ngờ xuất hiện thông tin ra mắt trở lại và gây xôn xao người chơi. Đa số người chơi vẫn xem webgame chỉ là “cơm thêm” trong lúc thị trường biến động, chưa bao giờ có khả năng níu giữ bền vững bằng game client.
Thứ ba, theo đà phát triển công nghệ số và đường truyền, các MMORPG mới đã có nhiều phá cách, tạo các chuẩn mực hình ảnh, cách chơi mới. Thông tin game mới sẽ được truyền thông tốt hơn, nội dung phong phú hơn với hệ thống các nhiệm vụ, phụ bản… đa dạng.
Với tinh thần ấy, có thể hiểu vì sao các nhà phát hành game MMO hiện tại đều rất tính toán, cân nhắc để tham gia khuấy động lại thị phần này. Nhiều đơn vị đã có dày kinh nghiệm sau nhiều năm, đang mạnh dạn để đầu tư các trò MMO với chất lượng hơn hẳn. Thậm chí, một số tên tuổi mới cũng rất mạnh dạn chi tiền mua bản quyền game đỉnh, minh chứng rõ rệt nhất là việc VGG dám bỏ ra số tiền khổng lồ để đưa Tiếu Ngạo Giang Hồ về nước và nhiều khả năng sẽ ra mắt sau dịp Tết Nguyên Đán, đồng thời trở thành phát pháo đầu tiên cho cuộc cạnh tranh MMORPG chất lượng trong năm mới Giáp Ngọ 2014 này.