Nhiều tấm gương nhãn tiền là bài học làm chùn chân những ai có ý định, và với nhiều người, mơ ước mãi chỉ là ước mơ.
Nhớ lại vài năm trước, phong trào làm game Thuần Việt dường như là trào lưu với các NPH Game tại Việt Nam. Từ SQUAD của VTC Game, game 3D của VNG, B-Kool của FPT Online đến các game nhỏ lẻ của các studio khác. Đến bây giờ, phong trào làm game thuần Việt ra sao?
Đầu ra bế tắc
Cái mác “nội địa” dường như là điềm gở cho rất nhiều mặt hàng. Cái tâm lý tự ti của người Việt đã dẫn đến thái độ sính hàng ngoại và luôn nghĩ đồ nội địa chất lượng “lởm”. Đau đớn thay chúng vẫn chưa thể thay đổi được một sớm một chiều, và game Việt cũng là một mặt hàng hứng chịu sự ghẻ lạnh của chính người Việt.
SQUAD, một sản phẩm được VTC Game chăm chút với những kinh nghiệm từ việc vận hành Đột Kích rốt cuộc lại không có đường ra ngay trên sân nhà. Dù cho VTC đã cố gắng mang game đi ra thị trường quốc tế nhưng ở một nơi không có nhiều khái niệm về SQUAD, nó chẳng làm được gì nhiều.
Thuận Thiên Kiếm của VNG sau khi bỏ ra 25 tỷ đồng đầu tư, rốt cuộc sau mấy năm vận hành cũng đã ghi tên vào danh sách tử. B-Kool của FPT Online bặt âm vô tín kể từ cuối năm 2012 dù cho game đã hoàn chỉnh về mọi mặt.
Chắc hẳn rằng khi ấp ủ ước mơ làm game, các nhà sản xuất non trẻ của nước nhà đều hiểu rõ rằng đó là một chuyện phiêu lưu. Làm game đồng nghĩa với việc phải đầu tư kha khá tiền, nhưng ra mắt chưa chắc có lãi. Nhiều tấm gương nhãn tiền đó sẽ là bài học làm chùn chân những ai có ý định, và với nhiều người, mơ ước mãi chỉ là ước mơ.
Hiện tại: game ngoại lấn át
Điểm đi điểm lại, chúng ta không còn thấy bất cứ game thuần Việt nào có thể xem là có tiếng nói trên thị trường Việt ngay lúc này. Đây là thực tế đau xót dù cho chỉ 1, 2 năm trước thôi, phong trào làm game còn đang là một hướng đi mới.
Hiện tại, VNG có thể xem là vững vàng nhất với 3 studio chuyên sản xuất game, nhưng đó là các game nhỏ phục vụ cho mạng xã hội và di động. Có thể kể đến Ủn Ỉn và Khu Vườn Trên Mây, sau thành công tại nước nhà thậm chí còn được mang sang Nhật phát hành.
Joy Entertainment, một studio non trẻ đánh dấu tên mình với dự án game thuần Việt mang tên Chiến Minh sản xuất cho các hệ điều hành Android và Ios. Emobi sau khi xuất hiện đình đám với 7554 và 2112 đã tập trung vào những dự án “ăn chắc” hơn như Sát Thát Truyền Kỳ, Đại Minh Chủ.
Có lẽ, sau một thời gian làm game, các công ty game nước nhà nhận ra rằng làm những game “đao to búa lớn” thực sự tốn tiền của, thời gian mà khó lòng cạnh tranh với các game nước ngoài, thế nên họ không còn quá mặn mà với những dự án lớn nữa. Và thế là, sau 1, 2 năm xôn xao, game thuần Việt đã tự rút lui trên chính thị trường của mình, tìm một hướng đi hoàn toàn mới.
Bao giờ chúng ta có những game hàng đầu?
Thực tế đã cho thấy, không phải chúng ta không có ý tưởng, không phải chúng ta không có chí, không phải chúng ta không muốn làm, nhưng vấn để trước mắt chính là doanh thu. Làm một game thuần việt thuộc loại đình đám, đấy thực sự là một cuộc phiêu lưu với chính túi tiền của mình, khi mà game ngoại vẫn ồ ạt tràn về trong khi game tự sản xuất lại chẳng nhận được sự bảo hộ của nhà nước và ngay cả game thủ cũng thờ ơ.
Game thủ có quyền chọn game để chơi, đó là điều dĩ nhiên. Họ chọn hay không chọn game Việt là quyền của họ, và nếu game dở, họ sẽ không thể ép mình chơi. Nhưng vấn đề là không phải game nào cũng dở. Chất lượng các tựa game gần đây không hề tệ một chút nào, thật sự rất đáng để thử qua.
Một đàn anh đã từng nói với tôi rằng, nếu không có những thành công ngắn hạn, sẽ không thể vững bước trên đường dài. Khi mà game làm ra ế chỏng ế chơ thì liệu có còn phấn đấu cho một tương lai tươi sáng? Khi không có được thành công, những game do người Việt làm cũng sẽ rơi rụng dần, và chắc không ai dám nghĩ đến chuyện đó nữa.