Bên cạnh những mặt tích cực, làng game Việt vẫn còn khá nhiều điều phải suy ngẫm trước khi bước sang năm mới.
Bộ luật quản lý game online vẫn nằm trên giấy tờ
Mặc dù đã đưa ra nghị định mới về quản lý game online và tiếp thu ý kiến từ cộng đồng nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa cho thấy được sự cân bằng và lợi ích trong việc điều chỉnh đường hướng phát triển cho trò chơi trực tuyến. Thực tế là từ khi xuất hiện nghị định mới, chúng ta vẫn phải đối chọi với nhiều yêu cầu thiếu thực tế, mang tính hình thức và đủ loại chi tiết lằng nhằng, tiếp tục khiến cho NPH phải e dè mỗi khi giải trình để xin cấp phép game mới.
Dựa vào yếu tố này, webgame và thể loại “game quốc tế phiên bản Việt” vẫn có cơ hội phát triển tiếp, bất chấp sự phản đối từ phía người chơi do tình trạng quá tải sản phẩm mới kém chất lượng. Còn ở vai trò NPH, tuy rằng cũng muốn các dự án tâm huyết của mình sớm đến tay người chơi nhưng hiện tại cũng chỉ biết tiến từng bước chậm chạp, vì chẳng thể khẳng định rằng nội dung hay các chi tiết bên trong gameplay có phù hợp với cung cách quản lý hiện tại hay không.
Nhiều vấn nạn gắn với NPH ngoài nước
Có một thực tế là những công ty game nội địa đang bị “bóp nghẹt” ngay trên chính sân nhà của mình. Quy định quản lý game online chưa thể đi vào hoạt động đã tạo ra rào cản vô hình với NPH, buộc họ không dám liều lĩnh tung sản phẩm mới ra thị trường như trước. Ngoài ra việc hoạt động cầm chừng với những tựa game cũ đã ngày càng tạo điều kiện để những đơn vị ngoài nước mặc sức tung hoành thị trường, bởi đơn giản là họ không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của đơn vị chức năng. Hơn nữa, do không bị quản lý nên tỉ lệ rủi ro khi tham gia vào các game này là rất cao. Có thể game đóng cửa sau 1 tuần, 1 tháng hay chờ người chơi nạp thẻ chán chê rồi đăng tin tạm biệt thì bạn cũng chẳng thể khiếu kiện hay đòi hỏi gì được.
Về cơ bản, chúng ta không thể áp đặt quy định quản lý game online lên những NPH ngoài nước bởi tất cả trang thiết bị, trụ sở,…đều không hẳn nằm tại Việt Nam. Do đó nếu muốn buộc những công ty nước ngoài này không được can thiệp vào thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các đơn vị trong nước phát triển thì chỉ có một phương án khả thi nhất là…chặn địa chỉ (giống như Facebook cùng một số website khác hiện tại). Tuy nhiên đây cũng chẳng phải biện pháp hiệu quả thì người chơi có thể dễ dàng vượt qua bằng các chương trình tạo IP giả.
Webgame tiếp tục sinh sôi nảy nở
Thị trường game online Việt Nam đang đi trên con đường mang tên webgame và còn khá xa để tới được ngã rẽ kế tiếp. Sự kìm hãm của thể loại game cài đặt là mầm mống cho sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của webgame. Bằng những ưu điểm về mặt kinh tế như không mất nhiều thời gian đầu tư, giá thành rẻ, phù hợp với thị hiếu và dễ dàng kiếm lời, webgame đã chinh phục được các NPH. Từ đó khiến họ chỉ chuyên tâm thương thảo, ký kết hợp đồng ở mỗi một thể loại này mà thôi.
Đương nhiên dễ thấy rằng trong số các webgame đang hoạt động hiện nay thì số sản phẩm có khả năng làm nên sự đột phá chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặt tối của webgame là sự trùng lặp về nội dung, hầu như đều lấy bối cảnh võ hiệp, tiên hiệp hay Tam Quốc. Đồng thời lối chơi cũng rập khuôn lẫn nhau, game nào cũng chỉ có chừng ấy tính năng, hình ảnh thì sao chép, phong cách thiết kế thiếu sáng tạo. Mặc dù cũng có một số trò chơi tạo ấn tượng tốt như Tiên Kỷ, Hoành Tảo Thiên Hạ hay Tân Tiên Kiếm nhưng xét trên bình diện chung, webgame mang tới bất cập nhiều hơn.