Trước khi chính thức quay trở lại cuộc sống thực, hãy hoạch định một kế hoạch để tạo ra kết thúc hoàn hảo nhất khiến game thủ không còn cảm thấy tiếc nuối với quyết định này.
Rất nhiều người chơi muốn bỏ game nhưng chính ý chí không dứt khoát, hoặc chưa hoàn thành chu tất quá trình hậu nghỉ game nên việc tái nghiện hay quay trở lại rất dễ xảy ra. Nếu bạn muốn tránh chuyện đó thì tốt nhất hãy làm theo phương châm giải quyết sạch sẽ, gọn gàng.
Bỏ được cứ bỏ, cho được cứ cho
Một sự thật đau lòng là sự nghiệp hơn chục năm cày kéo của game thủ tốn bao nhiêu mồ hôi công sức, nhưng tài sản để lại hầu như chẳng có là bao. Nếu cần tính đến chắc chỉ là những tài khoản, đồ đạc của game vẫn còn đang hot trên thị trường hay sản phẩm mới nhất họ vừa tham gia. Như vậy cũng đủ để xếp chúng vào danh sách tài sản cần phân phát. Bình thường thì người chơi sẽ tìm cách bán để gỡ gạc lại vốn. Tuy nhiên kẻ bán thì nhiều mà kẻ mua thì ít, topic rao bán treo cả tháng không ai thèm ngó ngàng. Chính vì vậy, trong trường hợp ế hàng thì tốt nhất game thủ nên từ bỏ hi vọng thu lại tiền mà hãy tìm cách phân phát chúng đi.
Cách phân phát thì đa dạng, đầu tiên cần phân loại món nào tốt và không tốt. Nếu vật phẩm giá trị cao thì đem cho bạn bè hoặc người quan trong game mà bạn cảm thấy yêu mến tin tưởng. Sự chuyển đổi lại gia tài này có thể khiến các thành viên thua thiệt về mặt vật chất nhưng chắc chắn vui vẻ về tinh thần. Tài khoản đó khi tới tay chủ mới sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển lên cao nữa và không bị bỏ uổng vô ích, an ủi tâm trạng của game thủ phần nào đó. Ngoài ra thông qua hành động cho tặng này sẽ thắt chặt tình cảm hay tạo ra mối quan hệ giữa hai bên. Còn ngược lại, nếu tài sản của bạn không được tốt cho lắm và cho cũng chẳng ai lấy thì hãy nhắm mắt mà vứt bỏ nó đi một cách dứt khoát. Nghe thì có vẻ đau lòng vì dù sao tài khoản đó cũng gắn bó rất lâu và gợi nhiều kỉ niệm trong game thủ. Tuy nhiên người ta thường nói có kết thúc thì mới có một khởi đầu mới.
Tập thói quen sống thiếu game
Chúng ta không cần vội vã chấm dứt mọi kết nối với game ngay lập tức mà hãy tạo ra thói quen một cách từ từ, chậm mà chắc. Ban đầu bạn nên giảm giờ chơi xuống, ví dụ một ngày cày bình thường 8 tiếng thì hạn chế lại còn 4 hay 5 giờ. Sau khi giảm giờ thành công thì chuyển qua giảm ngày và cứ tiếp tục cho đến một hôm nào đó, tự dưng game thủ cảm thấy không vào chơi cũng chẳng thấy thiếu thiếu gì cả.
Sống thiếu game thì người chơi sẽ hướng ngoại hơn, tức là siêng năng ra ngoài và vui chơi cùng bạn bè. Có nhiều bạn đã để quãng thời gian tuổi trẻ của mình trôi qua lãng phí bên máy tính để rồi đến thời điểm giật mình nhìn lại thì mình đã già rồi. Vậy nên hãy tạo thói quen sống không có game ngay từ lúc game thủ còn thanh xuân.
Tự hỏi ngày mai nên làm gì cho đỡ chán
Nhiều game thủ khẳng định rằng mặc dù họ muốn bỏ game và bỏ cũng rất dễ dàng, nhưng sau đó sẽ chẳng biết làm gì để giết thời gian. Thực ra suy nghĩ này cũng dễ lý giải bởi một khi nghỉ game thì người chơi sẽ giống như đứa trẻ bắt đầu tập đi, dễ dàng sinh ra cảm giác lo lắng sợ hãi. Hãy xua tan suy nghĩ đó để khám phá ra những thứ bạn có thể làm.
Đầu tiên là nên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình để bù đắp lại khoảng trống mà game thủ đã tạo nên trước đó. Giúp đỡ làm việc nhà, đi chơi hay đi du lịch cùng ba mẹ để bồi dưỡng tình cảm và tỏ ra cho phụ huynh thấy mình là người hữu ích. Thường xuyên rủ rê hay tham gia các cuộc gặp mặt; tiệc tùng với bạn bè để nhận thấy rằng game thủ không bao giờ cô đơn, chẳng qua bình thường bạn không chịu quay đầu nhìn lại. Ngoài ra, cần xác định hoạt động gần đây nhất bạn muốn làm mà chưa kịp thực hiện do mải chơi như đi mua sắm, ăn một món mới hay tìm hiểu những con đường chưa chạy qua. Nếu muốn thì game thủ cũng có thể lập kế hoạch xa hơn như cố gắng tìm một công việc tốt hay đi du học.