Từ thuở khai thiên lập địa cho đến lúc phát triển bùng nổ thì ngành công nghiệp game online Việt Nam luôn luôn có sự góp mặt của những gương mặt sáng và được cộng đồng gọi quen miệng là game bom tấn, bom tạ. Song chỉ sau một khoảng thời gian ngắn "chào anh, chào chị" thì những trò chơi này đã lập tức xì hơi rồi lặn mất tăm trên thị trường.
Trong những ngày đầu đông này làng game Việt đang ngày càng nóng hơn bởi sắp có một đợt bão "game khủng" đổ bộ vào Việt Nam, một cơn bão mang theo hy vọng quét sạch game chất lượng thấp khỏi thị trường game Việt. Và nững cái tên được nhắc tới ở đây chính là Tiếu Ngạo Giang Hồ (TNGH) - một trong những game được đánh giá rất cao về mặt đồ họa cũng như gameplay sắp được VGG phát hành chính thức tại Việt Nam và Warface - MMOFPS siêu kinh điển, kẻ tự thừa nhận là game bắn súng không hack của NPH goPlay. Nhưng liệu game chất lượng cao, tiếng tăm vang rền có giúp các sản phẩm này sống tốt khi về Việt Nam? Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số tên tuổi từng được coi là game bom tấn, bom tạ trước khi về Việt Nam cũng như tình hình phát triển của chúng hiện tại ra sao.
Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Warface.
Còn nhớ, vào thời game MMORPG đang thịnh hành và phát triển thì World of Warcraft là kẻ giữ vị trí độc tôn trên thế giới và cho tới hiện tại chưa chắc đã xuất hiện kẻ nào có thể soán ngôi game này. Tuy không thể được mang về Việt Nam nhưng một cái tên khác là Rune of Magic vốn là game MMORPG clone hoàn toàn từ gameplay tới đồ họa của World of Warcraft đã được phát hành tại Việt Nam nhưng kết quả là nhanh chóng đóng cửa sau vài tháng. Đặc biệt sự việc này diễn ra thầm lặng tới mức mà đến nay không có mấy người còn nhớ đến cái tên Rune of Magic: Chúa Tể Phục Sinh. Và nguyên nhân thất bại rút ra nằm ở chỗ lối chơi quá sức phức tạp, bộ cài nặng nề đã khiến game thủ trở nên mù mờ khi tiếp cận với sản phẩm.
Một ví dụ thứ hai là trong thời kì đỉnh cao của dòng game bắn súng MMOFPS ở Việt Nam thì có tới 3 ông lớn đứng ra phát hành 3 tựa game bắn súng đối đầu với nhau là Special Force: Đặc Nhiệm Anh Hùng, Sudden Attack: Biệt Đội Thần Tốc và Cross Fire: Đột Kích. Và dù Đặc Nhiệm và Biệt Đội trước đó được bản thân NPH lẫn cộng đồng trung thành thêu dệt lên một lối chơi game bắn súng trực tuyến đẳng cấp nhưng sau khoảng nửa năm tranh đấu cuối đã thảm bại hoàn toàn dưới trướng Đột Kích - kẻ bị đánh giá có lối chơi đơn điệu hơn rất nhiều 2 sản phẩm trên. Như vậy một lần nữa độ khó trong game lại tiếp tục là rào cản khiến cho các game hay, có chất lượng cao không thể sống sót ở Việt Nam.
Cửu Âm Chân Kinh.
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D.
Tiếp tục câu chuyện với 2 game kiếm hiệp "tuyệt cmn phẩm" trong ngưỡng 2012 - 2013 là Cửu Âm Chân Kinh (CACK) và Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D (VLTK phiên bản 3D) lúc bấy giờ được đánh giá là có lối chơi phá cách hoàn toàn so với các game MMORPG 3D truyền thống đi kèm sự cải tiến vượt bậc về đồ họa.
Nếu CACK mạnh dạn bỏ hẳn thanh exp quen thuộc và các skill có thể kết nối nhuần nhuyễn với nhau để tạo thành liên chiêu có sức sát thương công/thủ vượt trội thì VLTK phiên bản 3D lại mở ra một thế giới kiếm hiệp tình duyên rộng lớn vô biên với hàng trăm nhiệm vụ, thử thách cho người chơi khám phá. Tất cả đều được hoan nghênh, đều được hưởng ứng...nhưng rồi những kẻ "khua chiêng đánh trống" so với những người vào chơi lại chẳng là bao. Bởi đơn giản cộng đồng game thủ Việt luôn thích "hưởng ứng gió" trước những tựa game hay, có đầu tư tốt từ nội tại cho đến bộ mặt truyền thông, tất cả hòa quyện vào nhau để tạo thành vòng xoáy sâu thẳm...nó cứ hút lấy tất cả và nhả ra rất nhiều!!! Rồi kết quả là CACK cũng chỉ tạo được tiếng vang trong khoảnh thời gian ngắn và vụt tan biến trước mắt game thủ. Còn VLTK phiên bản 3D hiện tại sau nhiều công cuộc "tuyên truyền vận động" từ "ông lớn" VNG thì đến nay trò chơi đã tạm yên phẩn với số lượng người chơi vừa đủ.
Đó là cái kết của một số game bom tấn, bom tạ đã từng được đưa về Việt Nam vậy TNGH và Warface sẽ thay đổi được gì trước cái quá khứ "đen thui thùi lùi" đó? Câu trả lời có lẽ nằm ở bàn tay tài hoa và sự màu nhiệm của chính NPH trước sự phân tích, tìm hiểu cặn kẽ thói quen cũng như xu hướng của game thủ Việt. Chúng ta hãy cùng chờ xem...