|
Như Playpark đã từng đề cập trước đây, công ty E-Club Malaysia sẽ chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam trong quý 4/2013 và để chuẩn bị tiến hành các thủ tục pháp lý hòng dựng máy chủ DotA 2 riêng biệt cho game thủ trong nước tham gia. Đây là một thông tin khiến cho nhiều người chơi đang hoặc chưa có cơ hội trải nghiệm DotA 2 nức lòng vì cuối cùng, họ đã có thể phần nào dẹp bỏ nỗi lo về đường truyền hay tình trạng bất đồng ngôn ngữ mỗi khi cần được hỗ trợ về game. Theo ghi nhận hiện tại phía E-Club và Valve đang bắt đầu tiến hành chuyển ngữ cho DotA 2 lẫn Steam (cổng cung cấp game của Valve) và Việt Nam cũng nằm trong lộ trình này. Thông qua trang dịch thuật mà Valve cung cấp, người chơi có thể sử dụng tài khoản Steam để đăng ký tham gia chuyển ngữ. Thoạt trông chúng ta sẽ cho rằng với sự trợ giúp từ cộng đồng thì quá trình dịch thuật cho DotA 2 sẽ hoàn tất rất nhanh chóng, nhưng sự thật không phải như vậy. Trước hết sau nhiều năm gắn bó với DotA, các game thủ sẽ cảm thấy rất ngượng miệng khi phải gọi món vật phẩm quen thuộc bằng một cái tên mới hoặc dù nó là tiếng Việt. Lấy ví dụ như Monkey King Bar (vẫn được gọi tắt là MKB), nếu dịch quá hoàn chỉnh thì sẽ thành Thiết Bảng Hầu Vương. Và chắc chắc rằng chả fan hâm mộ DotA nào muốn gọi MKB bằng danh xưng như vậy. Thế nên quá trình dịch thuật đang vướng phải nhiều tranh cãi quanh chuyện nên dịch phần hay không nên dịch phần nào.
Sau khi thảo luận, hướng đi đúng đắn nhất được đưa ra ở thời điểm này là phải giữ nguyên tên gốc bằng tiếng Anh của các món vật phẩm cũng như biệt danh tướng (ví dụ như Pudge là Butcher, hay Huskarr là Sacred Warrior). Nhờ vậy mà trò chơi sẽ trở nên gần gũi hơn và không cần phải mất thời gian để làm quen với những cái tên mới. |