Phần lớn game thủ thường giải nghệ ở tuổi 26, lúc này sau những năm tháng chinh chiến căng thẳng phản ứng cũng như phán đoán của họ không còn nhanh nhẹn như trước. Các ông bầu luôn tìm kiếm tài năng mới trẻ hơn, khát khao hơn và họ, những con người già cỗi chắc chắn phải ra đi. Mỗi người chọn cho mình một con đường đi riêng, song dưới đây là những công việc mà họ hay chọn sau khi từ giã sự nghiệp eSports chuyên nghiệp.
Huấn luyện viên eSports
Cũng như bóng đá, các game thủ eSports nổi tiếng thường lựa chọn con đường trở thành huấn luyện viên sau khi giải nghệ. Với hiểu biết chuyên sâu của mình về game, về kỹ năng chơi game cùng với kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm, họ có đủ tự tin để có thể đứng ở vị trí điều binh khiển tướng, dẫn dắt các thế hệ trẻ của team chinh phục các đỉnh vinh quang mà họ đã từng chinh phục hoặc bỏ lỡ. Hơn thế nữa, việc trở thành huấn luyện viên cũng khiến họ giữ được ngọn lửa đam mê với tựa game mà mình yêu thích.
Thu nhập của một huấn luyện viên phụ thuộc vào nguồn thu của team, mà nguồn thu này phần lớn lại đến từ các nhà tài trợ. Ngày nay, với việc các giải đấu ngày càng quy mô và cơ cấu giải thưởng ngày càng lớn, nguồn thu của team dần dần được tăng lên. Một số team còn sử dụng yếu tố thương mại hóa (đặt tên kèm với một thương hiệu, mặc áo thi đấu có logo thương hiệu, sử dụng "vũ khí trang bị" từ các nhà tài trợ,... Tất cả các động thái tích cực này giúp cho công việc huấn luyện viên có được nguồn thu nhập tốt hơn.
Cũng không thể phủ nhận rằng: học giỏi chưa chắc đã thành thầy giáo giỏi. Game thủ eSports có lịch sử thi đấu xuất sắc chưa chắc đã làm tốt vai trò của một người huấn luyện viên tài năng. Tuy nhiên, chẳng ai biết mình có làm được hay không khi chưa một lần thử. Và trở thành huấn luyện viên sau khi giải nghệ xứng đáng là một thử thách cho các game thủ eSports chinh phục.
Quản lý team eSports
Khác với huấn luyện viên, quản lý một team mang nhiều tính chất "kinh doanh" hơn. Nếu một huấn luyện viên sẽ lo cho team sẽ thi đấu như thế nào với đối thủ: chiến thuật, game thủ, luyện tập thì một quản lý team sẽ lo lắng tất cả các công việc khác để một team có thể hoạt động. Họ phải tìm kiếm nguồn tài trợ cho team, lên kế hoạch chi tiêu, trả lương cho các game thủ.
Thành công của một quản lý team đi cùng với thành công của team. Nếu một team thi đấu thành công, họ sẽ có nhiều nhà tài trợ, giành được nhiều giải và thu nhập của Quản lý team cũng do đó mà tăng lên. Chẳng sai khi ví vai trò của một quản lý team như CEO của một doanh nghiệp. Họ chính là người có vai trò quyết định sự thành công trong hoạt động của một team.
Bình luận viên eSports
Cùng với sự phát triển của công nghệ live streaming, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức đứng ra thành lập các kênh của riêng mình chuyên tường thuật các trận đấu eSports. Đó cũng là lúc nhu cầu về caster (bình luận viên) trở nên cực hot. Nhiều game thủ, đặc biệt là ở Châu Âu chuyển sang làm Caster sau khi giải nghệ. Ở Việt Nam, gần đây xôn xao việc cựu đội trưởng, mid player 1st.VN - Misa tham gia PewPew Studio với vai trò một caster. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm và lòng đam mê của mình, các game thủ chính là người phù hợp nhất cho vai trò bình luận viên game.
Thu nhập của một caster phụ thuộc vào hoạt động của kênh mà họ tham gia. Tuy nhiên, mọi người nên nhớ rằng càng đông streamer thì lợi nhuận họ kiếm được hàng ngày càng giảm. Lý do? Chúng ta đang có một cộng đồng eSports phát triển chậm hơn so với số lượng tăng các streamer và player. Do đó, càng nhiều streamer, trong khi người xem không đổi, lợi nhuận đến từ cộng đồng sẽ ít hơn.
Tuy vậy, trở thành một caster chuyên nghiệp vẫn là lựa chọn hàng đầu của một game thủ sau khi giải nghệ. Bởi với công việc này, họ lại được tiếp tục theo đuổi đam mê game của mình - thứ đã góp phần tạo nên tên tuổi và con người họ hiện tại.
Kinh doanh, sử dụng thương hiệu cá nhân
Với các game thủ nổi tiếng, thương hiệu cá nhân của họ cũng là một thứ có thể giúp họ kiếm sống, sau khi giải nghệ. Nhiều game thủ đã chọn con đường kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp lấy thương hiệu của chính cá nhân mình để hoạt động, và không ít người đã thành công.
Misaya - cựu game thủ Liên Minh Huyền Thoại gắn liền với vị tướng Thần Bài Twisted Fate. Misaya từng chơi cho đội tuyển World Elite và đã chính thức giải nghệ vào ngày 16/12/2013.Với tên tuổi và lượng fan khổng lồ sẵn có, Misaya đã mở một cửa hàng đồ mang thương hiệu của minh trên Taobao, đây là một trang mua bán online nổi tiếng của Trung Quốc (anh bán các món đồ gaming gear, quần áo game và cả thức ăn).
Thu nhập của shop Misaya vào khoảng 131.000 USD / tháng, nếu tính theo năm thì nó là 1,5 triệu USD (hơn 31,5 tỷ VND), một con số mơ ước đối với hầu hết các game thủ Liên Minh Huyền Thoại nói riêng và eSports nói chung.
Không ai có thể phủ nhận được rằng: Game thủ giỏi đều là những người có chỉ số IQ cao. Việc họ sử dụng tài năng thiên bẩm của mình vào một lĩnh vực khác như Kinh doanh cũng là một hướng đi cực kỳ hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và thương mại điện tử như hiện nay. Họ có thể kinh doanh chỉ bằng chuột và bàn phím của mình.
Mở phòng net, GC
Không ít game thủ nhận thấy vai trò quan trọng của các phòng net, các Game Center. Đặc biệt khi ngày càng có nhiều game đòi hỏi sự phối hợp đồng đội cao, GC trở thành địa điểm không thể thiếu đối với các game thủ. Họ cũng nhận thấy mình tốn nhiều tiền cho GC như thế nào, suốt khoảng thời gian họ chơi game. Tại sao lại không tự mình mở một GC và thu về khoản lợi nhuận lớn đó? Đó chính là điều thôi thúc các game thủ đi theo con đường này.
Sử dụng lợi thế cá nhân của mình, các game thủ có thể mở các phòng net, các GC phục vụ các "đàn em" của mình. Những ngày làm việc sẽ thật thú vị khi được "chỉ dạy" cho bọn đàn em về các kỹ năng, kinh nghiệm cũng như những kỷ niệm mà họ đã từng có với game, để rồi nhìn "bọn nó" trầm trồ thán phục. Thi thoảng "ngứa tay", "đại ca" lại lên sàn một lần, tìm lại cảm giác thi đấu một thời, trong tiếng reo hò cổ vũ của lũ "đàn em".
Làm việc cho các công ty sản xuất game
Cùng với sự phát triển của thị trường game, ngày càng có nhiều công ty sản xuất và phát hành game ra đời. Lợi nhuận mà game mang lại là cực kỳ cao, song rủi ro cũng không ít. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành game thì ngày càng tăng. Hiện tại trên thế giới, mới chỉ có Hàn Quốc là nước đầu tiên có chuyên ngành đào tạo đại học về game. Còn ở Việt Nam, chưa có bất kỳ một trường đại học nào đào tạo nhân viên làm game cả. Hầu hết từ trước đến giờ, nhân sự ngành game được tuyển chọn từ các sinh viên giỏi xuất sắc từ các trường đại học, và một bộ phận khác không nhỏ từ chính các game thủ chuyên nghiệp một thời.
Khi vào các công ty game, game thủ thường được ưu ái với vị trí "nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm", bởi lẽ, những người này có tư duy và vốn kiến thức chuyên sâu về game, được tích lũy qua quá trình chơi game. Có thể nói, họ chính là người hiểu game thủ nhất. Do đó, họ chính là người có thể cho ra những ý tưởng độc đáo và đáp ứng đúng nhu cầu game thủ nhất.
Mức lương mà các công ty game trả cho vị trí này cũng thường khá tốt. Ngoài lương cố định, họ còn được nhận mức hoa hồng % khi sản phẩm của họ ra mắt được cộng đồng đón nhận tích cực và mang lại doanh thu cao cho công ty. Đây quả là một con đường đầy hứa hẹn cho các game thủ chuyên nghiệp sau khi giải nghệ.