Hiện nay, có rất nhiều các game online được phát hành tại Việt Nam, và nhà phát hành nào cũng mong có tham vọng biến đứa con cưng của mình thành 1 bộ môn thể thao điện tử. Nhưng thực tế, để một game trở thành 1 môn Esport thì ngoài việc game hay còn cần rất nhiều các yếu tố phụ khác mà một game online thông thường khó có thể đạt được
Tính bất biến cao
Đa số các game online đều có các bản cập nhật về nội dung hàng tuần (đồ đạc, item mới), khi đồ mới update thường sẽ bá đạo hơn và các bản cập nhật này thông thường sẽ ảnh hưởng khoảng 70% lên gameplay, dẫn tới sự biến đổi liên tục trong thế giới online.
Nhưng để trở thành 1 môn Esport thì game cần phải có tính bất biến cao. Lấy ví dụ một môn thể thao không vận động như Cờ Vua, luật của bộ môn này đã được thiết lập từ hàng trăm năm trước, và gần như không có bất cứ thay đổi về luật chơi nào thật sự đáng kể cho đến nay. Hay như một game kinh điển như Counter Strike, cơ chế của game là tiêu diệt toàn bộ đối phương hay hoàn thành nhiệm vụ chủ đạo của trận khi chỉ được dùng vũ khí trong danh sách cho sẵn. Hay như các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại thường tổ chức khi không có tướng mới hoặc các tướng mới đều đã được cân bằng lại (nerf).
Chính điều này khiến cho môn Esport xoay quanh một cơ chế đã có sẵn mà không có sự "lệch pha" nào về gameplay trong quá trình thi đấu, khi mà kết quả của trận đấu phụ thuộc vào kĩ năng và kinh nghiệm chứ không phải vào chỉ số nhân vật.
Tính phổ cập cao
Một game Esport thường có một cộng đồng cực kì lớn mạnh, khi 90% người chơi (hay kể cả người không chơi) đều hiểu rõ cơ chế của game. Khi một người có cảm giác hiểu rõ cách chơi thì việc mơ ước trở thành chuyên nghiệp là điều tất yếu. Và khi 90% cộng đồng người chơi đều muốn lên cấp Pro thì game đó sẽ có tính cạnh tranh cực kì cao, từ những người chơi ở mức độ "high end" hay các con gà mới tập thi đấu.
Sự phân biệt người chơi chuyên nghiệp và tay ngang
Phân biệt ở đây là xét về trình độ, kinh nghiệm cũng như hiểu biết về game. Một người chơi đứng top bảng xếp hạng có thể là một thánh nào đó có chỉ số ELO cực khủng, một đại gia bơm tiền vào game như bơm bóng, hay một con trâu cày thứ thiệt, khi thời gian và nick phụ (clone) thì không thiếu, nhưng kĩ năng và kinh nghiệm thì không có...
Nếu xét về game thi đấu, để so sánh về khả năng của 2 game thủ không thể chỉ dựa vào điểm số hay một 2 trận thi đấu tay đôi mà còn phải dựa vào tỷ lệ thắng (với số trận càng cao càng tốt), kĩ năng cá nhân hay khả năng phát triển hướng chơi. Các yếu tố này thực sự sẽ khiến một người chơi tay ngang không thể thắng được một thánh, kể cả khi người đó gặp đúng các điều kiện mà họ cho là cực kì thuận lợi (pick tướng sở trường, mua đúng đồ) trong khi các thánh có thể phát triển trận đấu theo hướng hoàn toàn khác so với những gì mà người chơi phổ thông chưa bao giờ gặp.
Định hướng cho người xem
Một game Esport cần phải dễ hiểu cho khán giả, phải có yếu tố khiến người xem có cảm giác như đang trực tiếp thi đấu, tạo hứng thú khiến họ muốn thực sự tham gia vào game đó. Điều này khá dễ nhận ra với các game đối kháng như Street Fighter hay Marvel Vs Capcom với mục tiêu chính là đánh bại đối thủ và phô diễn kĩ năng cá nhân, đặc biệt là khi chơi giao lưu với bạn bè.
Nhưng ở mức độ thi đấu, những game tưởng như đơn giản có thể thay đổi hoàn toàn (về gameplay) hay xuất hiện hàng loạt các yếu tố mà người ngoài cuộc có thể không biết đến (thuật ngữ, số liệu, hitbox với game đối kháng), như game đối kháng ở trình độ cao sẽ tập trung vào hitbox, frame hay các game chiến thuật tập trung vào tốc độ phản ứng và góc nhìn vĩ mô.
Dĩ nhiên, đây sẽ thuộc về trách nhiệm của bình luận viên, người thêm dầu vào lửa trong các trận thi đấu cũng như đảm bảo những người ngoài cuộc biết được "cái quái gì đang diễn ra trên màn hình" và cảm thấy hứng thú với những gì mình đang xem.