VNG cũng kỳ vọng DotA Truyền Kỳ sẽ gặt hái được nhiều thành công trên thị trường gMO tại Việt Nam.
Gần sát nghĩa gốc
DotA Truyền Kỳ (DTK) có tên gốc khi phát hành tại Trung Quốc là Đao Tháp Truyền Kỳ. Như vậy quyết định lựa chọn tên gọi mới của VNG đã bám rất sát nghĩa gốc khi giữ lại “Truyền Kỳ” và chuyển “Đao Tháp” thành DotA (người Trung Quốc gọi DotA là Đao Tháp). Như vậy tên mới của trò chơi sẽ bớt gượng gạo hơn và đồng thời, nó cũng giúp game thủ liên tưởng ngay đến DotA - “chất liệu” đã làm nên DTK.
Thương hiệu DotA
Trước khi Liên Minh Huyền Thoại nổi lên như một hiện tượng rồi chiếm lĩnh làng game Việt thì DotA đã từng có một thời gian dài tung hoành khắp các phòng net, thông qua hệ thống server do Garena cung cấp. Từ đây thương hiệu DotA đã được hình thành và không ngừng phát triển theo thời gian. Thậm chí ảnh hưởng của DotA còn lớn đến mức nó được dùng để định nghĩa cho thể loại này. Sẽ không quá khó để bắt gặp những câu nói, những lời giải thích như: “Game này chơi giống DotA, game này học theo DotA,...”
Do đó sử dụng DotA trong tên gọi sẽ làm DTK trở nên dễ định hình hơn trong mắt người chơi, ngay từ lần đầu tiên họ nghe đến danh tính của game. Đối với những ai đã từng thử qua DotA, cái tên DTK có thể làm họ cảm thấy gần gũi, thân thuộc và cảm giác như sắp được gặp lại dàn tướng mà mình từng rất say mê thuở nào.
Duyên phận với “truyền kỳ”
Nhắc đến VNG thì không thể không nhắc đến Võ Lâm Truyền Kỳ, trò chơi đã đặt nền móng vững chắc cho NPH này đến tận ngày hôm nay, trở thành tên tuổi lớn nhất trong làng game online nước nhà. Chính vì thế những sản phẩm sau đó của VNG đều được thêm thắt vào 2 chữ “truyền kỳ” ngay khi có thể.
Và trường hợp của DTK lần này cũng không phải là ngoại lệ. Nó đã đáp ứng rất tốt 2 tiêu chí: sát với tên gốc và tiếp tục có sự kết nối với “truyền kỳ” của VNG. Có thể nhiều người cho rằng việc để “truyền kỳ” song hành DotA nghe khá chỏi, không phù hợp lắm. Nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã làm cho cái tên VNG hiện ra rõ rệt hơn ngay khi nó lọt vài tai người nghe.
Nếu bạn chưa biết thì DTK là một gMO 2D thuộc thể loại đấu bài nhưng nhờ vào phần nội dung, hình ảnh vay mượn lại từ DotA mà trò chơi này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều game thủ. Không chỉ dàn tướng mà cả trang bị cũng được tái hiện hoàn chỉnh, cập nhật theo như phiên bản DotA hiện tại nên người chơi sẽ không sợ mình bị “lạc hậu”.
Thế mạnh của DTK đó là thể hiện cuộc chiến trong DotA dưới góc độ chibi – tất cả nhân vật, trang bị đều được thiết kế lại để trông dễ thương hơn. Ngoài ra thì công dụng trang bị hay bộ kỹ năng đều không có nhiều thay đổi để tránh làm người chơi phải bỡ ngỡ hay phật ý vì gặp phải một tựa game chế biến quá nhiều. Đối với mỗi trận đấu, người chơi sẽ lựa chọn tướng, mua sắm trang bị và điều khiển chúng thi triển kỹ năng bằng cách bấm vào biểu tượng của từng tướng trên màn hình. Như vậy có thể thấy DTK sẽ không đòi hỏi thao tác phải hết sức khéo léo mà chủ yếu sẽ dựa vào cách bạn xây dựng đội hình, mua sắm trang bị để quyết định thắng thua.